1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Liệt sỹ trở về: Vượt cửa tử và thủ tục làm người còn sống (Kỳ 2)

(Dân trí) - Khi được hỏi về công tác thăm hỏi, động viên sau khi "liệt sỹ" Lê Xuân Hào trở về, lãnh đạo chính quyền địa phương cho biết: “Đấy không phải trách nhiệm của xã mà thuộc Sở Lao động thương binh và xã hội nên xã cũng không nắm được”.


Người cựu binh già bật khóc bên bia mộ khắc tên mình

Kể về những năm tháng lưu lạc ở đất nước Campuchia, ông Lê Xuân Hào (Trầm Lộng - Ứng Hòa – Hà Nội) – người cựu binh già vừa trở về sau 28 năm là “liệt sỹ” cho biết: Sau khi bị địch phục kích bắn, ông bị thương nặng, mê man bất tỉnh giữa rừng. Đến khi thoi thóp thở lại thì thấy mình đang nằm trong căn nhà sàn của một người dân tộc thiểu số tại Campuchia.

Không có thuốc men chữa trị, hàng ngày gia đình người dân tộc này đi lấy búp chuối non và lá rừng, giã nát ra rồi đắp vào vết thương cho ông Hào. Khỏi bệnh, ông tập tễnh trở lại địa điểm đóng quân thì được biết đơn vị mình đã chuyển đi nơi khác. Không biết tiếng địa phương, không một đồng tiền dính túi, ông đành quay trở lại nhà người ân nhân xin nương tựa nhờ. Sau này, để trả ơn cứu mạng, ông Hào đã kết hôn với con gái của gia đình ân nhân tên là Khơ Môn. Vì cuộc sống khó khăn, nghèo đói, sau đó người vợ này không may mất sớm.

Về phía đại đội 12, tiểu đoàn 4 (trực thuộc Đoàn 7704), cứ ngỡ ông Hào đã hi sinh trong trận tập kích của địch nên làm các thủ tục báo tử về gia đình. Trong tờ giấy báo tử có ghi: "Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Lê Xuân Hào đã cùng đồng đội nêu cao tinh thần anh dũng chiến đấu, vượt qua khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ được giao và đã hy sinh vẻ vang tháng 3/1984. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị vô cùng thương tiếc và tự hào có người đồng chí, đồng đội đã làm rạng rỡ thêm truyền thống tốt đẹp của Quân đội Nhân dân Việt Nam". Tờ giấy báo từ được gửi về gia đình ông Hào ngày 25/6/1992.

Trong những lúc tuyệt vọng, ông Hào cũng từng nghĩ đến cái chết để giải thoát
Trong những lúc tuyệt vọng, ông Hào cũng từng nghĩ đến cái chết để giải thoát

Khi được hỏi, tại sao trong ngần ấy năm lưu lạc không tìm cách về quê, ông Hào ngậm ngùi: “Nỗi nhớ quê hương ám ảnh tôi từ bữa ăn đến giấc ngủ. Có đêm nằm mơ thấy rõ từng vết rêu trên cái cổng tre quê nhà, cả tiếng bà con mình í ới gọi nhau bên bờ ao, giếng nước. Tỉnh dậy thì thấy nước mắt chảy ướt gối từ bao giờ”. Cuộc sống ở vùng sâu, giữa rừng, không có điện thoại, không có bưu điện. Gần như 100% người dân mù chữ nên ông Hào không biết nhờ cậy vào ai để tìm được cách liên lạc về quê nhà.

Trong những lúc tuyệt vọng, ông Hào cũng từng nghĩ đến cái chết để giải thoát: “Nhiều khi liều mình ra đến vách núi định nhảy xuống chết quách đi cho rồi, nhưng tôi lại tự nhủ, sống đã chịu cảnh lưu lạc tha hương thì khi chết nhất định tôi phải được chôn ở quê cha, đất tổ. Thế là tôi lại quyết tâm quay về, tiếp tục cố gắng để sống, với hi vọng ngày nào đó sẽ tìm được đường về quê hương...”.

Cuộc gặp định mệnh

Nhớ về cuộc gặp gỡ định mệnh, giúp tìm lại được “người anh liệt sỹ” thất lạc trong rừng sâu, ông Lê Xuân Vui (người em trai thứ 2 của ông Lê Xuân Hào) kể lại: Cuối năm 2011, ông Vui bất ngờ được một người thanh niên tìm gặp và cho biết đang nắm giữ thông tin về người anh “liệt sỹ” của gia đình. Quá đỗi bất ngờ, như không tin được vào tai mình, ông Vui phải liên tục hỏi lại: “Có thật là anh tôi còn sống không? Chắc chắn là anh tôi đấy chứ?”. Người thanh niên kia quả quyết và kể lại, trong một lần vào rừng tìm gỗ làm nhà, người chú ruột anh đã gặp ông Hào đang sống trong một bản nghèo tại Khsach Laet, xã Onsachambork, huyện Krakor.

Ông Hào có tên Campuchia là Chea Hay. Người thanh niên này cũng quả quyết chính bản thân anh cũng đã được người chú mình cho nói chuyện với ông Hào qua điện thoại nhờ tìm giúp gia đình ở Việt Nam. Mất vài phút trấn tĩnh, ông Vui mới lập cập hỏi được tên, địa chỉ của vị ân nhân.

Ngay ngày hôm sau, điện thoại của ông Vui đổ chuông: “Nhìn vào mã điện thoại lạ, tim tôi đã đập nhanh liên hồi, toàn thân run bắn. Thế nhưng, khi tôi bấm nghe máy và “alo” thì đầu bên dây kia chỉ im lặng. Vài phút trôi qua, chỉ nghe những tiếng nấc nhẹ, rồi tắt máy. Ngay lập tức, tôi gọi lại và hỏi: “Có phải anh Hào người xã Trầm Lộng - Ứng Hòa đấy không?” thì nghe thấy tiếng “ừ, anh Hào đây” bằng giọng lơ lớ, ngọng nghịu. Như không tin vào tai mình, tôi phải yêu cầu anh nhắc lại 3 lần, rồi mừng quá, nước mắt tự nhiên cứ chảy dài ra. Sau khi hỏi vài thông tin thì tôi chắc chắn đến 90% người đầu dây kia là anh trai mình thật”.

Ngay lập tức, một cuộc họp gia đình đã được tiến hành khẩn cấp, 5 người em của ông Hào quyên góp tiền để đón người anh mà gần 30 năm qua, họ đã lập bàn thờ hương khói mỗi ngày. Người em họ tên Khiêm (đang làm việc tại Bình Phước) nghe thông tin tìm thấy ông Hào, đã “xung phong” thuê xe để đón ông Hào trở về. Do địa hình hiểm trở, lại không thông thuộc đường, chuyến đi đầu tiên đã thất bại. Lần thứ 2, rút kinh nghiệm, anh Khiêm thuê xe và nhờ một người phiên dịch tiếng Campuchia đi cùng để hỏi thông tin.

Nhớ lại khoảnh khắc gặp lại người thân, anh Khiêm xúc động: “Anh tôi đứng bên vệ đường, thất thểu trong tà áo rách. Lúc anh Hào đi bộ đội tôi mới lẫm chẫm biết đi, ngần ấy năm xa cách chưa một lần được gặp mặt nhưng khi vừa nhìn thấy khuôn mặt anh, đôi mặt ầng ậc nước, hiền từ giống i như khuôn mặt bố tôi, thì hai anh em cứ ôm nhau mà khóc...”.

Được công nhận công dân Việt Nam sau hơn 10 nghìn ngày lưu lạc

28 năm lưu lạc mới tìm được đường về quê hương nhưng hành trình tìm lại quyền công dân của ông Hào cũng đầy chông gai. Người cựu binh già nghẹn ngào nhớ lại, thời gian đầu mới trở về ông đến gặp chính quyền để hỏi về thủ tục “làm người còn sống”: “Họ bảo tôi, ông chết rồi, giấy báo tử vẫn còn lưu một bản ở đây, hộ khẩu ông cũng bị cắt rồi, giờ muốn xin lại chúng tôi không đủ thẩm quyền giải quyết!. Rồi họ bảo tôi về. Hết lần này đến lần khác đều thấy, sao để được làm người còn sống mà cũng khổ quá. Tôi đã nóng giận, cởi áo, sắn quần cho họ xem những vết sẹo chi chít, dấu tích của thời trận mạc khói lửa. Tôi bảo họ: Đây, vết sẹo này là tôi bị đạn của địch găm vào, còn vết sẹo này là tôi bắn máy bay địch, bị một mảnh bom văng vào, gây thương tích. Tôi lưu lạc xa quê do bệnh tật vì tôi không có đủ vài triệu bạc thuê xe về, nay về được quê hương, tôi chỉ có ước mơ được công nhận lại là công dân Việt Nam, mà các anh cũng gây khó dễ. Thế mà họ cũng không nghe, họ xua tôi về không thương tiếc”.

Đến tháng 8/2013, ông Hào mới được cầm tấm Chứng minh thư nhân dân mang tên mình. Nhớ lại giây phút ấy, ông Hào rưng rưng kể: “Ngày cầm chứng minh thư, có ảnh, tên mình tôi bật khóc như đứa trẻ. Vậy là cuối cùng, niềm mơ ước cuối đời của tôi cũng thành hiện thực. Tôi đã trở về quê hương, được là một công dân Việt Nam theo đúng nghĩa”.

Đến tháng 8/2013, ông Lê Xuân Hào đã được cấp Chứng minh thư nhân dân và Sổ hộ khẩu
Đến tháng 8/2013, ông Lê Xuân Hào đã được cấp Chứng minh thư nhân dân và Sổ hộ khẩu

Lãnh đạo Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (PA72) – CA Thành phố Hà Nội chia sẻ: Ngay khi nhận được thông tin từ địa phương gửi lên về trường hợp ông Lê Xuân Hào, Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (Công an Thành phố Hà Nội) đã khẩn trương xác minh, kiểm tra để giải quyết thủ tục nhập hộ khẩu về địa phương và cấp chứng minh thư nhân dân cho ông Hào. Đối với con gái ông Hào, Phòng PA72 cũng đã hướng dẫn làm thủ tục xin cấp thẻ thường trú và báo cáo Cục Quản lý Xuất nhập cảnh – Bộ Công an (A72) xem xét giải quyết như đối với trường hợp không quốc tịch nhằm tạo điều kiện cho trường hợp này được ở lại, sinh sống tại Việt Nam và thuận lợi cho việc xin nhập quốc tịch Việt Nam sau này.

Lãnh đạo Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân trong xã hội có sự giúp đỡ để ông Hào có cuộc sống tốt hơn.

Lý giải về thông tin cho rằng chính quyền xã gây khó dễ cho ông Hào trong việc giải quyết các thủ tục, ông Lê Quang Cảnh - Phó Chủ tịch xã Trầm Lộng - Ứng Hòa – Hà Nội cho biết: Do di chứng của chiến tranh nên có lúc đầu óc ông Hào không được bình thường, có những lời lẽ không hay đối với cán bộ và gây hiểu lầm giữa các bên.

Khi được hỏi về chế độ đối với ông Hào, cũng như công tác thăm hỏi, động viên sau khi "liệt sỹ" này trở về, ông Cảnh cho biết: “Đấy không phải trách nhiệm của xã mà thuộc Sở Lao động thương binh và xã hội nên xã không nắm được. Từ khi ông Hào trở về, chính quyền đã ngay lập tức cắt chế độ dành cho gia đình liệt sỹ của gia đình ông Hào. Tuy nhiên, vấn đề hỗ trợ cho ông Hào sau này thì không thuộc thẩm quyền của xã nên chúng tôi không thể giải quyết...”.

Hà Trang – Xuân Ngọc