“Liệt sỹ” trở về sau 37 năm: Chuyện của người đồng đội
(Dân trí) - Căn nhà cũ kỹ, ẩm thẩm, nằm nép trong con hẻm nhỏ ở phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ là nơi “liệt sỹ” Nguyễn Bá Lân (quê Nam Định) tá túc hơn nửa đời người trong khi người thân ở quê nhà cứ ngỡ ông đã hy sinh.
Người lính kiên cường, người con có hiếu
Liên quan đến trường hợp "liệt sỹ" Nguyễn Bá Lân bất ngờ trở về quê hương sau 37 năm được gia đình... cúng giỗ, phóng viên Dân trí đã tìm gặp ông Đàm Thủy Nguyên (SN 1938, ngụ tại phường An Hòa, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) - người vừa là đồng đội vừa là đồng hương, từng có nhiều năm chiến đấu cùng đơn vị với ông Lân.
Ông Nguyên cho biết: “Ông Nguyễn Bá Lân tuy ít tuổi hơn tôi nhưng ông ấy nhập ngũ trước. Ông ấy nhập ngũ năm 1964, còn tôi năm 1967. Ông Lân lúc đó phục vụ ở ban hậu cần từ nhân viên quân khí, đến trợ lý quân. Ở cương vị nào ông Lân đều hoàn thành rất tốt nhiệm vụ được giao. Tôi biết ông ấy cũng trong một lần đến kho nhận vũ khí, sau vài câu hỏi chuyện chúng tôi biết là cùng quê Nam Định nên càng thân nhau hơn.
Ngày 3/3/1970, ông Lân bị thương nặng, khi bị thương nhờ được một đồng chí giao liên đưa vào doanh trại để chữa trị lành vết thương. Đến năm 1973 ông Lân được chuyển về chiến trường Tây Nam Bộ. Lúc đó chúng tôi chiến đấu rất ác liệt. Rất nhiều anh em hy sinh. Ông Lân trong giai đoạn này cũng anh dũng chiến đấu và được phong tặng Huân chương chiến công hạng Ba”.
Sau những cuộc chiến khốc liệt, không chịu nổi hoàn cảnh sống khắc nghiệt này, năm 1981, ông Lân bị một đợt sốt rét hành hạ đến kiệt sức. Cộng thêm những vết thương hành hạ trong thời gian chiến đấu ở Campuchia, ông Lân được đơn vị cho phép trở về Việt Nam để điều trị. Từ đó, ông Nguyên lạc mất người đồng đội của mình.
Ông Đàm Thủy Nguyên kể về người đồng đội Nguyễn Bá Lân
Mãi đến tháng 4/2013, khi ông Lân tìm đến ông Nguyên nhờ làm giấy xác nhận đã từng công tác chung, ông mới gặp lại người đồng đội sau hơn 30 năm xa cách. “Mặc dù xa cách nhiều năm nhưng ông ấy vẫn như xưa, ít nói và trầm ngâm”, ông Nguyên nói về người đồng đội cũ.
Cũng tại TP Cần Thơ, tiếp chúng tôi với một thái độ rất ân cần, ông Trần Tâm Phúc - người em trai nuôi của ông Lân cho biết: sau năm 1975, cả gia đình người mẹ nuôi của ông Lân là bà Nguyễn Thị Hai từ Cần Thơ tìm đến huyện Giồng Riêng, tỉnh Kiên Giang để lập nghiệp. Tại đây bà Hai mở một quán nước nhỏ. Ông Lân đóng quân gần đó nên hàng ngày lui tới uống nước.
Nhìn thấy chàng lính trẻ hiền từ, chất phác nên bà Hai thường quan tâm hỏi han đến ông Lân. Lâu ngày, thương cảm cho người lính xa nhà, bà Hai nhận ông Lân làm con nuôi và xem ông như người anh lớn trong gia đình có tới 14 người con.
Đầu những năm 80, lúc này vì ở Kiên Giang bị giặc Pôn Pốt quấy phá. Cả gia đình bà Hai lại về quê nhà Cần Thơ để sinh sống. Một ngày không hẹn trước, ông Lân trong bộ dạng thất thần, mệt mỏi tìm đến gia đình bà. Lúc này gia đình bà Hai giang rộng vòng tay để đón ông Lân.
“Anh ba Lân rất chịu khó, đỡ đần công việc cho cha mẹ tôi rất nhiều. Anh ba cũng xem ba mẹ tôi như ba mẹ ruột của mình. Đáp lại, những thành viên còn lại trong gia đình cũng xem ông như người anh trai ruột thịt. Ba năm trước, mẹ tôi bệnh nặng rồi qua đời. Lúc mẹ tôi bệnh nặng anh Lân thương lắm, đi làm có được đồng nào anh đều đưa hết cho chúng tôi để dành lo cho mẹ. Anh ấy nói, so với những gì mà mẹ tôi đã lo cho anh thì cả đời này anh cũng không đền đáp được. Khi mẹ tôi mất, anh ấy đứng ra là người con trai lớn trong nhà để tang cho bà”- ông Phúc ngậm ngùi kể.
Nghèo khó nên không dám về quê?
Cũng theo lời kể của đồng đội và những người anh em kết nghĩa của ông Lân, sau khi người mẹ nuôi qua đời ông Lân đã ít nói lại càng ít nói hơn. Ông luôn buồn rầu. Nhiều lần mọi người trong gia đình hỏi thăm cha mẹ đẻ của ông ở quê hương, ông Lân chỉ cúi đầu bỏ đi.
Ông Trần Tâm Phúc, người em nuôi kể về những tháng ngày ông Lân sống chung nhà
Ông Phúc cho biết: “Cha mẹ tôi và chị em trong nhà đều động viên anh ba Lân về thăm nhà. Anh ấy bảo rằng không có tiền để về. Khi thì anh lại bảo không nhớ chính xác nhà mình ở xã nào, huyện nào. Dần dần chúng tôi không nhắc nữa, để mọi chuyện cho anh ấy quyết định. Gia đình tôi sau này mới đoán rằng, anh không trở về quê vì sức khỏe kém, lại không muốn trở thành gánh nặng cho những người thân của mình”.
Ông Nguyên cũng cho biết thêm: Sau khi gặp lại bạn chiến đấu tôi biết anh ấy mặc cảm về bản thân (không tiền, không sức khỏe, không gia đình, vợ con) nên không muốn về quê. Tuy nhiên sau đó tôi vẫn khuyên anh ấy hãy về quê đoàn tụ với gia đình.
Năm 2013, trong thời gian đi giữ nhà giúp cho một người tên Phương quê ở Nam Định sống tại Cần Thơ, qua nhiều lần trò chuyện, ông Lân được người này động viên và hứa sẽ giúp ông tìm về quê nhà. Sau khi có địa chỉ nhà, kết quả chính xác, ông Lân sắp xếp tư trang tư trang trở về quê hương sau bao nhiêu năm xa cách.
Tiếp xúc với phóng viên, ông Trần Quang Trung – Chủ tịch Hội cựu chiến binh phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều - cho biết, người lính Nguyễn Bá Lân đã từng chiến đấu anh dũng và bị thương. Tuy nhiên nay trở về, ông bị thất lạc hết giấy tờ tùy thân quan trọng nên không được hưởng được chính sách gì.
Năm 2013, những người từng chiến đấu với ông cùng Hội cựu chiến binh của phường đã đi làm giấy tờ liên quan đến thời ông đi lính, nhờ chính quyền các cấp có liên quan xác nhận. Hiện hồ sơ của ông Lân đã được gửi lên Quận đội để hoàn tất các thủ tục cần thiết.
“Hoàn cảnh của anh rất đáng thương nên chúng tôi khẩn thiết các ban ngành có liên quan hãy giúp anh ấy được hưởng các chế độ và quyền lợi của một người lính đã anh dũng chiến đấu vì Tổ quốc vì bình yên của dân tộc ”- Ông Trung nói.
Ngày 18/11, nguồn tin từ Thành đội TP Cần Thơ cho biết, Thành đội đã nhận được hồ sơ của ông Nguyễn Bá Lân từ Quận đội Ninh Kiều chuyển lên. Hiện phòng chính sách của thành đội đã hoàn tất hồ sơ và làm đề nghị chuyển lên Quân khu IX để cơ quan này thực hiện các chế độ ưu đãi đối với người có công.
Phạm Tâm