1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nam Định:

Ngày trở về bất ngờ của "liệt sỹ" sau 37 năm mất tích

(Dân trí) - Sau hàng chục năm bặt vô âm tín khi đang làm nhiệm vụ cách mạng, ông được Nhà nước công nhận là liệt sỹ vào năm 1991. Đúng ngày 29/4/2014, "liệt sỹ" Nguyễn Bá Lân trở về trong bất ngờ xen lẫn niềm vui khôn xiết của gia đình.

Sau khi đất nước giải phóng, người chiến sỹ Nguyễn Bá Lân (SN 1946), trú tại 27/188 đường Trần Quang Khải, phường Năng Tĩnh, thành phố Nam Định, tỉnh Nam định (trước đây là tỉnh Hà Nam Ninh), được đơn vị cho nghỉ phép về thăm gia đình vào năm 1977. Sau đấy ông tiếp tục trở lại đơn vị hành quân sang Campuchia chiến đấu giúp nước bạn. Cũng từ đấy, không một lá thư, không một tin tức từ ông Lân gửi về nhà.

Ngày trở về bất ngờ của liệt sỹ sau 37 năm mất tích - 1
Tấm bằng Tổ quốc ghi công của "liệt sỹ" Nguyễn Bá Lân

Gia đình đã cất công tìm kiếm ông, nhờ rất nhiều nơi nhưng vẫn vô vọng. Năm 1991, ông Nguyễn Bá Lân được công nhận là liệt sỹ. Không biết ngày ông Lân hy sinh, cứ đến ngày 27/7 hàng năm, gia đình lại làm mâm cơm thắp hương cúng giỗ ông.

Ngày đoàn tụ bất ngờ!

Giữa cái nắng gay gắt như đổ lửa những ngày cuối tháng 4/2014, những người sống ở đường Trần Quang Khải thấy một người đàn ông gần 70 tuổi đen nhẻm, nói giọng miền Nam đến khu vực này hỏi thăm nhà ông Trọng. Mọi người ở đầu khu phố đều lắc đầu không biết. Chạy sâu vào khu phố hỏi thì mọi người nói khu này có 3 nhà tên Trọng, người đàn ông kiên nhẫn hỏi thăm nhưng tất cả đều không phải. Chỉ duy nhất một nhà có người tên Trọng nhưng đã mất cách đây 20 năm, gia đình giờ chỉ còn bà Vũ Thị Hiền là vợ của ông Trọng.

Người đàn ông vẫn kiên trì vào gia đình này thêm một lần nữa để hỏi thăm, nhưng bà Hiền vẫn khẳng định không có họ hàng với người trong Nam.

Ngày trở về bất ngờ của liệt sỹ sau 37 năm mất tích - 2
Ảnh ông Nguyễn Bá Lân thời trẻ, được gia đình lấy làm ảnh thờ khi biết tin ông hy sinh

Lần thứ 3 người đàn ông quay trở lại, bà Hiền mới hỏi: “Thế chú ở đâu? Con của ông bà nào? Tại sao lại biết ông Trọng nhà tôi? Mà nhà tôi không có ai ở trong miền Nam thì làm sao mà biết chú được?”.

Lúc này người đàn ông mới bảo: “Tôi tên là Lân con nhà ông Long, bà Lộc”. Lúc này bà Hiền chỉ ú ớ nói được câu: “Ôi! Em tôi đây rồi!”. Rồi vội vàng chạy khắp nơi báo người nhà. Người đàn ông đó chính là ông Nguyễn Bá Lân, đã được công nhận là liệt sỹ sau nhiều năm mất tích.

Ngày trở về bất ngờ của liệt sỹ sau 37 năm mất tích - 3
Sau 37 được gia đình "thờ cúng" ông Lân trở về đầy bất ngờ

Bà Nguyễn Thị Sâm, em gái ông Lân cho biết: “Lúc gặp ông Lân hai anh em cũng không thể nào nhận ra nhau, kể cả mẹ tôi cũng không thể nào nhận ra. Hơn 30 năm không gặp nhìn khác xưa quá nhiều”.

Anh Nguyễn Xuân Đoàn (SN 1972), cháu ruột ông Lân cho biết: “Lúc bác Lân về lại không nói mình là ai? Không hỏi thăm về nhà bố mẹ, mà lại hỏi thăm nhà bác Trọng là anh trai họ cùng tuổi với bác Lân, vì bác Trọng mất cách đây đã lâu nên không ai biết. Chính bác Hiền vợ bác Trọng mặc dù giáp mặt nói chuyện nhưng hai chị em cũng đâu có nhận ra nhau”.

Khi “liệt sỹ” Nguyễn Bá Lân trở về nhà, cụ Trần Thị Lộc (95 tuổi), khóc ngất khi biết tin con mình trở về. Sau khi biết tin ông Lân trở về, mọi người trong gia đình vẫn còn bán tín bán nghi vì ông Lân chỉ đưa ra một chứng minh thư mang tên Nguyễn Minh Ngân, nhưng nguyên quán và nơi thường trú lại là ở thành phố Cần Thơ. Sau 3 ngày dò hỏi, mọi người mới khẳng định ông Lân chính là người thân trong gia đình đã mất tích trong chiến tranh.

37 năm phiêu bạt nơi đất khách quê người

Năm 1964, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Nguyễn Bá Lân tham gia nhập ngũ. Lúc này ông Lân là chiến sỹ C vận tải trung đoàn E95A F325 (E10). Vào tháng 2/1970, ông cùng trung đoàn được lệnh xuống miền Tây Nam Bộ, bổ sung quân số cho Quân khu 9 vì lực lượng mỏng.

Ngày trở về bất ngờ của liệt sỹ sau 37 năm mất tích - 4
Chứng minh thư mang tên Nguyễn Minh Ngân của ông Lân

Khi trung đoàn của ông đi đến rừng tràm Hà Tiên, thuộc tỉnh Kiên Giang thì bị địch ném bom, quần thảo. Lúc này ông Lân bị thương khá nặng nhưng vẫn cố gắng bám trụ đi qua trận địa. Nhưng do lúc đấy hỗn loạn nên ông bị lạc đơn vị, do đã được định hướng trước nên ông Lân cứ nhằm hướng Nam mà đi. Sau nhiều ngày thì ông cũng đến được xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang. Ở đây, ông được người dân chăm sóc khoảng 1 tuần rồi được đưa về T70 quân khu 9 điều trị. Sau đấy ông được chuyển về đơn vị tiếp tục công tác.

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông được đơn vị cho nghỉ phép về quê thăm gia đình vào tháng 7/1977. Sau đấy, ông quay trở lại đơn vị cùng trung đoàn xây dựng kinh tế ở tứu giác Long Xuyên (An Giang – Kiên Giang). Tháng 4/1978 ông cùng đơn vị hành quân sang Campuchia chiến đấu giúp nước bạn rồi từ đấy mất liên lạc với gia đình.

Ngày trở về bất ngờ của liệt sỹ sau 37 năm mất tích - 5
Gia đình kể lại phút giây đoàn tụ đầy bất ngờ của người "liệt sỹ"

Ông Lân cho biết: “Sau khi giúp nước bạn giải phóng, tôi đóng quân ở tỉnh Pursat, tiếp tục giúp nước bạn bảo vệ giữ gìn sau hậu chiến tranh. Tuy nhiên, do tôi đã bị thương trước đó nên được đơn vị cho về nước. Sức khỏe yếu, bản thân trên người còn 4 mảnh đạn, hiện 2 mảnh trên đầu, 2 mảnh ở chân và tay nên trí nhớ nhiều lúc không được minh mẫn. Tôi lưu lạc về Cần Thơ thì được một gia đình cưu mang, nuôi dưỡng rồi ở đấy luôn”.

Ông được gia đình bà Nguyễn Thị Hai và ông Trần Văn Đê cưu mang nhận làm con nuôi, ông cũng được gia đình làm chứng minh thư nhân dân mang tên Nguyễn Minh Ngân, Nguyên quán: An Nghiệp, thành phố Cần Thơ. Nơi thường trú 37/19 Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Cần Thơ.

Ngày trở về bất ngờ của liệt sỹ sau 37 năm mất tích - 6
Hai mẹ con ông Lân sau 37 năm xa cách mới được gặp nhau

Sau khi mẹ nuôi ông Lân mất, ông Lân ra ngoài làm thêm thì tình cờ gặp lại một người đồng đội cũ. Nhờ người này mà ông Lân mới phần nào nhớ lại được ký ức của mình. Nhờ được đồng đội hỗ trợ, giúp sức sau 37 năm mất liên lạc với gia đình, ông Lân mới trở về quê nhà.

Khi được hỏi về việc sau bao nhiêu năm tại sao ông không trở về quê hương, ông Lân cho biết: “Lúc đấy sức khỏe yếu, bản thân không hề có một chút tài sản, tiền tài, hơn nữa trí nhớ lại không được minh mẫn nên không biết làm thế nào”.

Ngày trở về bất ngờ của liệt sỹ sau 37 năm mất tích - 7
Thông báo của Cục Bảo vệ an ninh quân đội

Ngồi cạnh người con trai 37 năm được cúng giỗ, cụ Trần Thị Lộc dù không còn khỏe, trí nhớ cũng chẳng được tốt nhưng vẫn thì thào: “Con trở về với mẹ, với quê hương, gia đình là tốt lắm rồi. Mẹ cũng chẳng mong gì hơn!”.

Phía UBND phường An Nghiệp xác nhận ông Nguyễn Minh Ngân và ông Nguyễn Bá Lân là một. Ngày 29/5/2014, Sở Lao Động – Thương binh và Xã hội cũng đã ra quyết định dừng thực hiện chế độ trợ cấp tuất liệt sỹ và các chế độ ưu đãi đối với bà Trần Thị Lộc (mẹ ông Lân).

Theo văn bản số 1820BVAN-P3 của Cục Bảo vệ an ninh quân đội ngày 25/7/2015, Cục Bảo vệ an ninh quân đội kiểm tra hồ sơ, tài liệu hiện đang lưu trữ tại cơ quan và phối hợp thông tin từ các nguồn khác nhưng chưa phát hiện thông tin, tài liệu phản ánh về trường hợp ông Nguyễn Bá Lân có hành vi đầu hàng, phản bội, đào ngũ hay vi phạm pháp luật.

Đức Văn