1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Liên tiếp rơi sắt thép, đổ cần cẩu: Coi thường quy định an toàn lao động!

(Dân trí) - “Sự việc vừa qua tại công trường Cát Linh - Hà Đông do vi phạm các quy định về quản lý an toàn trong quá trình thi công công trình như không bố trí người phân luồng giao thông, thi công trong thời điểm không được phép, các che chắn không có hoặc không đảm bảo an toàn…”.

Ông Nguyễn Anh Thơ - Cục phó Cục An toàn vệ sinh lao động (Bộ LĐ-TB&XH) - trao đổi với PV Dân trí về các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại các công trường thi công ở Hà Nội và các địa phương khác, xảy ra thời gian gần đây.

Thưa ông, trong những ngày qua, tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn lao động ảnh hưởng tới tính mạng người dân. Ngay sáng 12/5 lại có vụ rơi thanh sắt tại công trình đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, chiều cùng ngày có vụ đổ cần cẩu. Ý kiến của ông về thực trạng này?

Thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giàn giáo hay cần cẩu của các công trình xây dựng sập, đổ gây tai nạn chết người cho cả người lao động cũng như người dân tham gia giao thông hoặc sinh sống lân cận công trình.

Ví dụ, vụ tai nạn ngày 5/5 trên địa bàn thị xã Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), một chiếc cần cẩu đang thi công cầu Hồng Ngự 2 bất ngờ bị tuột cáp và đè chết 3 mẹ con đang đi trên xe máy. Vụ rơi thanh sắt tại công trình đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông xảy ra hôm 10/5 và sáng hôm nay (12/5), rất may 2 vụ sau không có tai nạn chết người...

Ông
Nguyễn Anh Thơ - Cục phó Cục An toàn vệ sinh lao động (Bộ LĐ-TB&XH)
Ông Nguyễn Anh Thơ - Cục phó Cục An toàn vệ sinh lao động (Bộ LĐ-TB&XH)

Đứng về góc độ chuyên môn, để ngăn chặn các vụ việc sập cần cẩu, giàn giáo hay bất kỳ thiết bị, phương tiện nào trên công trường xây dựng, các cơ quan chức năng như Bộ Xây dựng, Bộ LĐ-TB&XH đều ban hành nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn lao động, an toàn xây dựng, an toàn trong thi công công trình, an toàn lao động trong sử dụng thiết bị nâng.

Theo đó, các thiết bị này đều phải được thiết kế, lắp dựng, vận hành theo đúng quy định, được các đơn vị kỹ thuật độc lập đánh giá về mặt an toàn, được những người có chuyên môn, được huấn luyện an toàn vận hành, sử dụng.

Nhà thầu phải có các biện pháp che chắn đối với các hành lang, lối đi lại dưới các thiết bị này đảm bảo an toàn, có quy định việc bố trí thời giam làm việc hạn chế ảnh hưởng đến người dân xung quan.

Đồng thời, công trường phải người cảnh giới an toàn trong khi vận hành.

Sự việc vừa qua tại công trường Cát Linh - Hà Đông đã vi phạm các quy định trong vận hành thiết bị nâng hạ, vi phạm các quy định về quản lý an toàn trong quá trình thi công công trình.

Cụ thể: Không bố trí người phân luồng giao thông, thi công trong thời điểm không được phép, các che chắn tạo hành lang an toàn không có hoặc không đảm bảo an toàn…

Các quy định về an toàn lao động được quy định đầy đủ trong Luật Xây dựng, Bộ Luật Lao động, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia an toàn trong xây dựng QCVN 18:2014/BXD), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATLĐ đối với thiết bị nâng QCVN 7:2012/BLĐTBXH).



Không chỉ riêng ở những nơi xảy ra tai nạn như trên, người dân có thể bắt gặp tại nhiều địa điểm trong các thành phố hình ảnh những cần cẩu cao hàng chục mét ngay trên đầu những người đang tham gia giao thông hay cạnh nhà dân. Điều này thực sự có thể gây ra những hiểm họa thưa ông?

Việc các thiết bị, công trình thi công khi có con người, phương tiện xung quanh là điều diễn ra ở nhiều quốc gia. Đặc biệt, khu vực đô thị với tốc độ phát triển nhanh như Hà Nội thì không thể tránh khỏi.

Các cơ quan đều biết, người dân cũng thấy rõ điều này. Điều tôi muốn nhấn mạnh là các biện pháp, tiêu chuẩn an toàn đã khi được tuân thủ đầy đủ sẽ đảm bảo an toàn cho cả công trình, người lao động và người dân xung quanh.

Công trường đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông
Công trường đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông

Nhiều đô thị đang trong tốc độ xây dựng và phát triển sẽ cần tới việc hình thành các công trình xây dựng là điều tất yếu. Như vậy, mấu chốt vấn đề của việc giảm thiểu tai nạn lao động là ở đâu khi các quy định về an toàn lao động có vẻ như đã được ban hành khá đầy đủ, thưa ông?

Các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn đã được quy định rõ và cụ thể. Tôi cho rằng điều quan trọng ở đây là sự chấp hành, thực hiện của các nhà thầu và người vận hành các thiết bị đó.

Đồng thời, công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra chặt chẽ của các cơ quan quản lý và các công chức có trách nhiệm ở địa bàn quản lý.

Tuy vậy, đơn vị thi công cần có trách nhiệm và quy định rõ hơn nữa về tổ chức thi công, đặc biệt là thời điểm thi công các công trình, tránh ảnh hưởng đến nhiều người dân.

Bên cạnh công tác thanh kiểm tra và ý thức tuân thủ an toàn lao động của các bên, phải chăng một phần của sự gia tăng các tai nạn lao động là do các chế tài xử lý chưa mạnh, thưa ông?

Hàng năm, thanh tra an toàn lao động và thanh tra xây dựng đã tiến hành thanh tra hàng chục ngàn vụ, trong đó thanh tra lao động cũng thực hiện gần 10.000 vụ, xử phạt số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng và tịch thu các phương tiện vi phạm theo quy định.

Thậm chí nhiều vụ tai nạn, sự cố gây chết người, thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cũng đã được khởi tố điều tra.

Tuy nhiên, tỷ lệ các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng bị xử lý hình sự còn rất ít. Điều này cũng phần nào khiến các biện pháp phòng ngừa còn hạn chế và tính răn đe đối với các đối tượng là các nhà thầu, người sử dụng lao động, cán bộ quản lý và người lao động còn chưa cao.

Xin cảm ơn ông!

Bạn nhìn nhận như thế nào về hoạt động của những chiếc cần cẩu tháp tại những vị trí gần đường giao thông, gần nơi công cộng hiện nay?
Nguy hiểm và ám ảnh
Đôi khi thấy nguy hiểm
Bình thường
Ý kiến khác
  

Hoàng Mạnh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm