1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Liên tiếp hành hung người vì nghi bắt cóc: Hậu quả của trò “câu like”?

(Dân trí) - Độc giả Dân trí nhận định, những vụ người dân bị đánh oan hoặc bị hủy hoại tài sản vì nghi bắt cóc trẻ em liên tiếp xảy ra thời gian qua là hệ quả của những tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội. Các tài khoản Facebook đua nhau tung tin “câu like” khiến người dân hoang mang, hễ có người lạ về địa phương là nghi ngờ bắt cóc.

Người tâm thần bị đánh vì nghi bắt cóc trẻ em

Chỉ trong khoảng 1 tháng nay, hàng loạt vụ người dân vây bắt, hành hung người nghi bắt cóc trẻ em xảy ra tại nhiều địa phương. "Kịch bản" chung là: Cứ thấy người lạ về địa phương, nghi ngờ là đối tượng bắt cóc trẻ em, người dân lập tức hô hoán, bắt giữ, đánh đập, thậm chí đốt xe, hủy hoại tài sản của những người này... Kết quả khi công an vào cuộc đều khẳng định những nạn nhân hoàn toàn không phải đối tượng bắt cóc trẻ em.

Người dân vây bắt, hành hung hai người đàn ông đi phun thuốc diệt muỗi.
Người dân vây bắt, hành hung hai người đàn ông đi phun thuốc diệt muỗi.

Sáng 5/7, tại khu vực thôn 8 Tân Phong, phường Quảng Phong (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình), một số người dân thấy có 2 người lạ mặt xuất hiện, nghi là bắt cóc trẻ em nên đã hô hoán người dân vây bắt. Một số người thiếu kiềm chế đã lao vào hành hung khiến một trong hai người này bị thương, phải đưa vào viện cấp cứu.

Qua xác minh, Công an thị xã Ba Đồn xác định, hai người trên cùng quê Hải Dương, mới vào Quảng Bình được 3 ngày và thuê nhà ở tại xã Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch) để đi phun thuốc diệt muỗi.

Một vụ việc tương tự xảy ra ngày 15/7 tại thôn Văn Phú, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn. Một người đàn ông bị người dân nghi là kẻ bắt cóc trẻ em đã vây lại, hành hung. Thậm chí, công an còn còng tay đưa người này đi.

Nhiều đoạn clip được đăng tải cùng với chia sẻ “Đây là người bắt cóc trẻ em và bị người dân bắt lại”. Thông tin nhanh chóng lan truyền bởi hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận gây xôn xao cộng đồng mạng.

Thanh niên bị bệnh tâm thần cũng bị nghi bắt cóc trẻ em.
Thanh niên bị bệnh tâm thần cũng bị nghi bắt cóc trẻ em.

Công an thị xã Ba Đồn vào cuộc, xác định người bị đánh tên T. (trú ở phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn), bị bệnh tâm thần, có sổ điều trị, vừa đi khám bệnh về.

Nghiêm trọng hơn, nghi ngờ một nhóm người thôi miên, bắt cóc trẻ em, vài trăm người dân xã Hồng Lạc (huyện Thanh Hà, Hải Dương) vây bắt, lật xe ô tô của nhóm người này xuống ruộng rồi đốt cháy.

Cụ thể, chiều tối ngày 20/7, hai người đàn ông đi xe Fortuner qua xã Hồng Lạc vào một cửa hàng hỏi mua gỗ. Trong khi đang trao đổi, nữ chủ cửa hàng thấy chóng mặt, mệt mỏi, nghĩ mình bị thôi miên như một số thông tin đã đọc trên mạng xã hội nên chạy ra ngoài tri hô.

Thấy tiếng kêu cứu, nhiều người lập tức kéo đến đòi đánh hai người đàn ông đi mua gỗ. Số người tập trung mỗi lúc một đông, lên đến vài trăm người. Nhiều người quá khích đã kích động người dân lật xe ô tô của hai người trên xuống ruộng, đốt cháy hoàn toàn.

Có mặt tại hiện trường, Công an huyện Thanh Hà phải chia thành 2 lớp bảo vệ an toàn cho những người trên. Đến 2h sáng hôm sau, cơ quan công an mới đưa được nhóm người trên ra ngoài. Cơ quan công an loại trừ khả năng những người này dùng thủ đoạn thôi miên, đánh thuốc mê để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc bắt cóc trẻ em như người dân đồn đoán, suy diễn.


Một số người dân quá khích đập phá, đốt xe ô tô của hai người đàn ông đi mua gỗ vì nghi 2 người này có hành vi thôi miên.

Một số người dân quá khích đập phá, đốt xe ô tô của hai người đàn ông đi mua gỗ vì nghi 2 người này có hành vi thôi miên.

Gần đây nhất, ngày 22/7, chị Lê Thị Bảy và Nguyễn Thị Phúc đến thôn Thái Phù, xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đi bán tăm cũng bị người dân hành hung vì nghi bắt bóc trẻ em.

Thấy hai người phụ nữ lạ mặt hỏi han cháu nội mình, bà Nguyễn Thị Tốt đã đuổi chị Bảy và chị Phúc ra khỏi nhà và hô hoán hai chị bắt cóc trẻ em. Chưa hiểu đầu đuôi sự việc ra sao, nhiều người dân đã đuổi đánh hai người phụ nữ này, khiến hai người bị thương.

Hệ quả của việc “câu like”?

Trước hàng loạt vụ việc "đánh nhầm người" liên tiếp xảy ra, độc giả Dân trí bày tỏ sự bức xúc trước cách hành xử nóng vội và có phần quá khích, "man rợ" của người dân, đồng thời cho rằng nguyên nhân dẫn của thực trạng này là do các trang mạng xã hội thường tung tin thất thiệt nhằm “câu like”, khiến người dân hoang mang.

Người phụ nữ đi bán tăm bị hành hung vì nghi bắt cóc trẻ em.
Người phụ nữ đi bán tăm bị hành hung vì nghi bắt cóc trẻ em.

Bạn đọc Thuy bình luận: “Sao bây giờ nhiều người mê tín quá. Chỉ vì lá bùa (tôi tin là viết bằng chữ Hán) mà càng làm cho người dân thêm nghi ngờ bùa ngải để đi bắt cóc trẻ em. Có bùa ngải trong người mà phúc đâu chưa thấy họa đã thấy nhãn tiền rồi. Còn bà con cũng nên bình tĩnh trước mỗi sự việc để tránh hiểu lầm, có gì thì báo công an để xác minh rõ ràng”.

Theo bạn đọc Tuan Nguyen, tin bắt cóc trẻ em được thấy hàng loạt trên các trang mạng xã hội, ngày nào vào facebook cũng thấy tin bắt cóc, bắt được đối tượng bắt cóc.

“Tôi không biết là những thông tin đó có đúng hay không. Nếu có kẻ tung tin đồn làm mất trật tự an ninh xã hội như vậy thì có bị xử phạt không? Còn người dân chúng ta thì nâng cao cảnh giác và chung tay bắt những kẻ xấu là đúng nhưng những hành vi đánh người như thế là không đúng. Hãy giao cho bên công an điều tra những đối tượng tình nghi đó để họ điều tra làm rõ sự việc” - độc giả Tuan Nguyen cho hay.

Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Luân cho rằng: “Do bọn tung tin nhảm bắt cóc để “câu like”, “câu view” trên các trang mạng xã hội, làm dân tình hoang mang nên cứ hễ có người lạ về địa phương là nghi ngờ bắt cóc.”.

Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, mọi người không nên tự xử, hành hung các đối tượng bắt được vì tình nghi phạm tội.
Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, mọi người không nên tự xử, hành hung các đối tượng bắt được vì tình nghi phạm tội.

Bạn đọc Kỳ Anh Nguyễn thì cho rằng: “Facebook mang đến sự hoang mang vì tin đồn, thiếu suy xét, thiếu bình tĩnh chút nữa đã hại người. Dù có là thật thì còn có pháp luật xử lý.”.

Rất nhiều độc giả khác cùng chung quan điểm cần làm rõ hành vi cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản của những người quá khích.

Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho rằng, trường hợp hành vi của những người dân trong việc giữ, hành hung người bị nghi bắt cóc trẻ em có tính chất nghiêm trọng, gây hậu quả, người dân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo phân tích của luật sư Tú, người dân có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi: xâm hại sức khỏe người khác; lôi kéo hoặc kích động người khác làm mất trật tự công cộng; tụ tập đông người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng.

Trường hợp hành vi của người dân là nghiêm trọng, tùy theo tính chất vụ việc, người dân có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”, tội “Gây rối trật tự công cộng”, tội “Cố ý gây thương tích” hoặc tội “Giết người”, “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.

Tiến Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm