1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Lênh đênh trẻ vạn đò

(Dân trí) - Trong cái nắng cháy da sém thịt, một đoàn trẻ con đứa nào đứa nấy da đen nhẻm, nheo nhóc còi cọc, mái tóc xơ xác cháy nắng, áo quần xộc xệch, nghiêm trang đứng thành hàng để tôi chụp ảnh. Chả bao giờ được chụp ảnh, lại không mất tiền, lũ trẻ khoái lắm...

Tôi gặp lũ trẻ ở xóm chài Cửa Tiền, TP Vinh (Nghệ An). Xóm có gần 20 hộ, từ tứ xứ tập hợp về đây cắm dùi dung thân. Giọng chất phác của một người phụ nữ vang lên từ một chái thuyền: “Mời chú vào uống nước, trời nóng nực đứng ngoài đó mà chết cháy à?”. Chị da ngăm đen, khuôn mặt khắc khổ, cẩn thận dắt tôi qua chiếc cầu bắc vào túp lều ven sông. Gọi là cầu cho oai, thực ra đó chỉ là một gốc cây trôi sông bắc tạm.

 

Ngày nào bọn trẻ cũng qua lại cái cầu tạm này hàng chục bận. Chị giải thích: “Tiền đâu mà mua một tấm gỗ to để đi cho thoải mái, bọn trẻ chúng nó bò lắm rồi quen”. Kể về cái lều của mình, chị bảo nó được làm từ vài ba tấm phên nứa, cột lẫn với vài miếng gỗ tạp. “Có đêm tấm gỗ bị gãy, con tôi đang ngủ bỗng rơi tỏm xuống sông, may mà con nhà chài nó biết bơi không thì đi tong”, chị nói.

 

Trong túp lều chật chội chưa đầy 4m2 chẳng có gì đáng giá. Gia đình chị đã theo cái nghề sông nước này trên 30 năm, bao nhiêu năm chắt bóp mà cũng chẳng sắm sanh được gì. Tiền làm ra nuôi ăn còn chẳng đủ, con cái có đứa nào được đi học!

 

Bọn trẻ nghe hỏi “có còn đi học không?” thì ngơ ngáo nhìn, không trả lời rồi kéo nhau nhảy tòm xuống sông. Chị trả lời thay: “Trẻ em xóm chài này đông lắm, mỗi thuyền có 5-10 đứa con, thuyền nào ít cũng 4 con; kiếm chưa đủ ăn, nói chi đến chuyện học hành.

 

Chú thấy chúng tôi sống trên sông nước nhưng khi nào cũng thiếu nước, chúng tôi phải múc nước từ sông bỏ vào can cho phèn vào khuấy đều để lắng rồi đem uống, khổ lắm chú ạ! Không biết đến bao giờ mới thoát khỏi cảnh này? Chứ nói đến chuyện tương lai con cháu làm gì mù mịt lắm!”.

 

Được biết cách đây 4 năm, Đoàn trường Đại học Vinh phối hợp với Đoàn xã Vinh Tân đã ra “chiến dịch” tổ chức lớp học tình thương xoá mù chữ cho trẻ em xóm chài này. Thời gian đầu trẻ em tham gia tương đối đông, nhưng chưa đầy một tháng thì giảm dần rồi vắng hẳn.

 

Anh Lê Văn Niên có 4 đứa con, chẳng đứa nào được đi học. Anh tâm sự: “Nghề sông nước như chúng tôi long đong lắm, số phận vẫn thường xuyên bị đánh cược với thuỷ thần. Đặc biệt là những đứa con, lỡ vắng nhà thì lo lắm. Tôi mong sao con cái tôi được đi học, nhà trường giảm được khoản nào hay khoản đó. Chứ để chúng theo bố mẹ hành nghề này khổ lắm”.

 

Đời sống nghèo túng, ăn uống thiếu thốn, lao động khổ cực, vì thế trẻ ở đây thường già dặn trước tuổi. Trẻ em thay vì đến trường lại phải ra chợ bán hàng, đi làm thuê, nhặt phế liệu hoặc theo bố mẹ ra sông nước... Cái chữ là gì? Các em không muốn biết, bởi cái chữ không giúp em no bụng.

 

Nguyễn Duy