Mong ước "tự cầm được chén cơm ăn" của người đàn bà bệnh tật

Hoàng Lê

(Dân trí) - Gặp bác sĩ từ TPHCM về địa phương, nhiều phụ nữ ở huyện ven biển Bình Định cho biết, họ mong được chữa khỏi bệnh để tự cầm được chén cơm ăn, cũng như dễ dàng hơn trong việc đi đứng.

Trong chương trình khám chữa bệnh miễn phí cho bà con ngư dân, người có hoàn cảnh khó khăn tại xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định của đoàn công tác Bệnh viện Lê Văn Thịnh, vừa diễn ra vào nửa cuối tháng 5, nhiều trường hợp khi đến gặp các bác sĩ "cầu cứu" đã chia sẻ những câu chuyện hoàn cảnh xúc động.

Mong ước tự cầm được chén cơm ăn của người đàn bà bệnh tật - 1

Người dân ở xã Cát Khánh chờ được bác sĩ từ TPHCM về khám bệnh (Ảnh: Hoàng Lê).

"Chỉ mong tự cầm được chén cơm ăn"

Bà Nguyễn Thị Thọ (80 tuổi, ngụ xã Cát Khánh) bị viêm phổi đã 20 năm. Khoảng 1 năm trở lại đây, tình trạng cơ xương khớp của bà bỗng đi xuống, chân nhức liên tục. Cụ bà được người thân đi bệnh viện ở TP Quy Nhơn điều trị thời gian dài mà không khỏi.

Theo thời gian, các cơn đau lan từ chân ra khắp cơ thể bà Thọ, khiến việc di chuyển, sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn. Do đó khi được xã phát phiếu khám bệnh miễn phí, từ sáng sớm bà đã kêu con trai chở đến đồn biên phòng Cát Khánh.

"Đây là lần đầu tiên tôi được bác sĩ từ TPHCM về quê mình khám. Chỉ mong uống trúng thuốc, khỏe lại để tự cầm chén cơm ăn được, đi đứng cũng dễ hơn", cụ bà cho biết.

Còn bà Phạm Thị Gái (60 tuổi, ngụ thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh) cho biết, bản thân bị đau nhức thắt lưng và tê bì tay chân 3-4 năm nay. Đi phòng khám tư kiểm tra, người phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh viêm xương khớp, nhưng uống thuốc hoài không hết.

Mong ước tự cầm được chén cơm ăn của người đàn bà bệnh tật - 2

Người phụ nữ chia sẻ, những cơn đau nhức xương khớp khiến cô sinh hoạt, di chuyển rất khó khăn (Ảnh: Hoàng Lê).

"Chồng tôi mấy năm nay bị tai biến, vừa qua đời vì đột quỵ, con trai tôi chỉ đi làm mướn, mỗi ngày kiếm được rất ít tiền. Lẽ ra tôi cũng đi làm, nhưng bệnh tật hành hạ quá không thể phụ gì được cho con, đến cầm chén cơm cũng khó khăn. Mong bác sĩ giúp giùm, làm sao để tôi dứt được các cơn đau nhức", bà Gái mong mỏi.

Dẫn con trai đã 31 tuổi nhưng đầu óc chỉ như trẻ thơ vào khu vực đo huyết áp, bà Trần Thị Kiều (68 tuổi, thôn An Quang Đông) kể, con trai bà phát hiện bị bệnh Down từ lúc lọt lòng, trong khi chồng cũng qua đời từ 20 năm nay.

Suốt thời gian dài, bà vừa đi bán sữa đậu nành kiếm tiền, vừa một tay chăm lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ.

4 năm nay vì lao lực và tuổi cao, chân người phụ nữ yếu dần, còn bệnh tim cũng mới được phát hiện. Hậu quả của tình trạng viêm xương khớp tái phát khiến cô đi đứng không vững, cũng không còn đủ sức khỏe lao động.

"Đã là con, núm ruột của mình thì làm sao mình bỏ được. Tôi chỉ mong khỏe lâu để mẹ con cầm cự, qua ngày nào hay ngày đó", người mẹ trải lòng.

Mong ước tự cầm được chén cơm ăn của người đàn bà bệnh tật - 3

Bà Kiều một mình chăm sóc con trai mắc bệnh Down hàng chục năm qua (Ảnh: Hoàng Lê).

Trong khi đó, ông Dương Văn Tài (54 tuổi, thôn An Quang Đông) bị tai biến nhồi máu não 3 năm trước. Đó cũng là thời điểm người đàn ông không thể bám trụ với nghề đi biển được nữa. Hậu quả của lần cận kề cái chết khiến ông Tài hiện quên trước quên sau, đi đứng khó khăn.

"Tôi cũng muốn khỏe, muốn làm việc lại để phụ vợ con. Nhưng giờ đến rửa bát cũng không được, đụng vào là bể", người đàn ông lắc đầu, thất vọng.

Sau khi khám và nghe bệnh sử, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Văn Hữu, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện quận 1 (đi cùng đoàn công tác) cho thuốc kiểm soát đường huyết và dặn dò kỹ lưỡng nam bệnh nhân phải sinh hoạt, ăn uống điều độ, cũng như tập luyện để cải thiện xương khớp, đừng để xảy ra tai biến lần 2 sẽ rất nguy hiểm.

Mong ước tự cầm được chén cơm ăn của người đàn bà bệnh tật - 4

Bác sĩ Hữu (bìa trái) dặn dò kỹ lưỡng bệnh nhân trong việc chăm sóc sức khỏe (Ảnh: Hoàng Lê).

Nỗ lực giảm tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm

Bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, Trưởng Trạm y tế xã Cát Khánh, huyện Phù Cát cho biết, địa phương có 13.600 nhân khẩu, trong đó 2 thôn An Quang Đông, An Quang Tây chiếm khoảng 6.000. Người cao tuổi của địa phương chiếm 25%, còn lại là thanh niên và trẻ em, với nghề nghiệp chính là đi biển.

Theo bác sĩ Nghĩa, hiện tại, vấn đề sức khỏe lớn nhất của người dân nơi đây là các bệnh không lây nhiễm mạn tính, đặc biệt tiểu đường và cao huyết áp. Ngoài ra, vì số lượng người cao tuổi nhiều, nên các bệnh liên quan đến cơ xương khớp cũng khá phổ biến.

Mong ước tự cầm được chén cơm ăn của người đàn bà bệnh tật - 5

Xã Cát Khánh có nhiều người cao tuổi, nên tỷ lệ bệnh mạn tính không lây nhiễm còn cao (Ảnh: Hoàng Lê).

"Chúng tôi đang triển khai các chương trình để hạ thấp tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm trên địa bàn. Khó khăn hiện tại là vấn đề truyền thông, để người dân tuân thủ chế độ ăn và tập luyện để phòng bệnh.

Hai thôn An Quang Đông, An Quang Tây lại xa khu vực trạm y tế, nên việc người dân đi khám cũng bất tiện. Do đó, việc đoàn bác sĩ ở TPHCM về chăm sóc sức khỏe cho bà con là rất cần thiết", bác sĩ Nghĩa nói.

Ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh cho biết, những năm qua, địa phương đã nỗ lực thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh. Xã cũng quan tâm đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục, y tế đạt chuẩn.

Tuy nhiên, khi Cát Khánh phát triển kinh tế - xã hội (đặc biệt là phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch) đã làm gia tăng dân số cơ học, phát sinh nhiều bất cập trong quản lý. Do đó, đòi hỏi sự ra đời của một bộ máy chính quyền đô thị quy mô thị trấn, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.

Mong ước tự cầm được chén cơm ăn của người đàn bà bệnh tật - 6

Chương trình khám bệnh, phát thuốc của Bệnh viện Lê Văn Thịnh tại xã Cát Khánh, Bình Định được đánh giá là rất cần thiết (Ảnh: Hoàng Lê).

"Việc thành lập thị trấn Cát Khánh thuộc huyện Phù Cát sẽ tạo điều kiện cho việc phát huy tối đa các tiềm năng và lợi thế sẵn có, thu hút đầu tư phát triển của xã, phù hợp với Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Định đến năm 2035...", ông Tiến chia sẻ.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh đề nghị, người dân sau khi được đoàn khám bệnh, phát thuốc miễn phí, nếu có bệnh cần ý thức đến trạm y tế địa phương hoặc bệnh viện để kiểm tra và xử lý kịp thời. Nếu người dân để bệnh nặng mới chữa, sẽ rất tốn kém và hiệu quả không cao.