1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Bình:

Lấy vốn chính sách cho người giàu vay!

(Dân trí) - Hàng trăm triệu đồng vốn vay xóa đói giảm nghèo đã bị cho vay sai đối tượng, nhưng điều khiến người dân xã Thanh Thủy (huyện Lệ Thủy) ngạc nhiên nhất là sự tồn tại của “tổ vay vốn công thương” do phu nhân của ông chủ tịch xã làm tổ trưởng.

Thời gian qua, người dân xã Thanh Thủy không khỏi xôn xao quanh việc hàng trăm triệu đồng vốn vay xóa đói giảm nghèo (XĐGN) của Ngân hàng Chính sách xã hội (NH CSXH) huyện Lệ Thủy được “rót” sai đối tượng. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, được làm rõ từ nửa năm nay song chưa thấy động thái xử lý nào.
 
Cụ thể, vào tháng 1/2009, sau nhiều phản ánh của người dân, Đảng ủy xã Thanh Thủy đã thành lập tổ công tác kiểm tra toàn diện việc cho vay vốn XĐGN theo chương trình của Chính phủ trên địa bàn xã.
 
Tháng 8/2009, việc kiểm tra cho thấy những kết quả đáng giật mình: từ năm 2006 đến năm 2008, vốn vay ủy thác qua Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ và Hội nông dân đều sai sót và tỷ lệ sai sót năm sau luôn… cao hơn năm trước. Trong đó, có nhiều hộ nghiễm nhiên được vay vốn dù không qua bình xét dân chủ.
 
Lấy vốn chính sách cho người giàu vay! - 1

Còn nhiều hộ nghèo thực sự khó tiếp cận nguồn vốn XĐGN (Ảnh minh họa, chụp tại một gia đình nghèo thuộc xã Thanh Thủy).
 
Điển hình, năm 2006 chỉ phát hiện 2 trường hợp (trong tổng số 44 hộ được vay) không thuộc hộ nghèo được vay vốn XĐGN qua kênh Hội nông dân với số tiền sai đối tượng 18 triệu đồng thì đến năm 2007, có tới 10/16 hộ được vay nhưng không hề nghèo.
 
Năm 2008, mặc dù tỷ lệ số hộ vay sai có giảm (11/22), nhưng số tiền bị cho vay sai thực tế tăng mạnh vì có hộ được vay tới 30 triệu đồng, mức cao nhất theo quy định cho gói vay này.
 
Tương tự, cả tỷ lệ và số tiền cho vay sai đối tượng qua kênh Hội phụ nữ cũng “liên tục phát triển” trong 3 năm. Không những thế, các con số báo cáo không trùng khớp giữa các Hội ủy thác, Ban XĐGN xã và NH CSXH huyện khiến người dân nghi ngại về tính minh bạch của nhiều đồng vốn vay.
 
Theo báo cáo của Hội phụ nữ, trong năm 2008 Hội được phân bổ 150 triệu đồng, song theo báo cáo của Ban XĐGN của xã thì số tiền này là 200 triệu. 50 triệu đồng chênh lệch được cho 3 hộ trong cái gọi là “Chi hội Công thương” vay.
 
Đáng nói, “Chi hội công thương” là cái tên tự phát được đặt cho một tổ vay vốn thuộc Hội phụ nữ. “Chi hội” này do bà Lê Thị Cúc làm tổ trưởng, bà này là vợ của ông Chủ tịch kiêm Trưởng ban XĐGN xã Thanh Thủy Nguyễn Bá Xuy.
 
“Chi hội” này được bàn giao, phân bổ 127 triệu đồng, nhưng không hiểu bằng cách nào đó thực tế nguồn vốn rót về cho nhóm tư thương phần đa khá giả này lên tới 327 triệu đồng, trong đó có tới 8 hộ gia đình không thuộc diện hộ nghèo được vay ưu đãi hầu hết với số tiền tối đa 30 triệu đồng/hộ. Số tiền 200 triệu đồng đã "nhảy cóc" từ NH CSXH về thẳng các hộ này mà không qua Ban XĐGN của xã.
 
Như vậy, tỷ lệ vốn XĐGN được xã và các Hội ủy thác “ưu đãi” cho người không nghèo vay là “quá cao” (theo nhận xét của tổ công tác Đảng ủy xã), có năm lên tới trên 50%!.
 
Trong khi đó, tỷ lệ hộ nghèo có nhu cầu được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này liên tục giảm trong ba năm và tính theo tổng hộ nghèo toàn xã thì số hộ nghèo được vay vốn XĐGN chỉ đạt quanh mức từ 12 - 15%. Hầu hết các hộ nghèo thực sự đều được vay số tiền ít ỏi so với mức tối đa 30 triệu đồng theo quy định.
 
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Bá Xuy cho biết: “Đúng là trong quá trình thực hiện có sai sót, nhưng cũng là do tình cảm làng xóm. Ban XĐGN của xã có rà soát lại, phát hiện một số trường hợp không nằm trong danh sách hộ nghèo nên đã đề nghị trả trước thời hạn”.
 
Ông Xuy giải thích thêm: một số trường hợp được vay luân chuyển (năm trước nghèo nhưng chưa vay, đến năm sau thoát nghèo thì đến lượt vay), xã được NH CSXH huyện đồng ý mới làm.
 
Nói về “Chi hội Công thương” do chính vợ mình làm Chi hội trưởng, ông Xuy cho rằng đó chỉ là tên gọi do những người trong “chi hội” này làm nghề buôn bán, và ông đã giải tán “chi hội” này. Ông cũng phủ nhận thông tin mà người dân nói rằng những người trong “chi hội” này lợi dụng vay vốn ưu đãi rồi cho bà chi hội trưởng vay lại.
 
Như vậy, việc nguồn vốn ưu đãi XĐGN rơi vào tay những đối tượng không hề nghèo ở xã Thanh Thủy đã quá rõ ràng, và việc người nghèo thực ít tiếp cận được nguồn vốn này cũng đã rõ.
 
Điều khiến dư luận quan tâm là sự việc được phát hiện, báo cáo đầy đủ từ nửa năm nay song không hề có động thái xử lý, khắc phục. Một lãnh đạo huyện Lệ Thủy cũng ngỡ ngàng vì không được báo cáo bất kỳ thông tin gì về chiêu thức “tung hứng” đồng vốn vì người nghèo này.
 
Hồng Kỹ