1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lấy phiếu tín nhiệm theo 3 mức cũ, thêm một cán bộ vào danh sách

(Dân trí) - Lần lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cho Quốc hội bầu và phê chuẩn thứ 2 sẽ thực hiện tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 (khai mạc vào thứ 2 tuần tới). So với 49 chức danh thuộc diện lấy phiếu lần đầu, lần này, thêm một cán bộ có tên trong danh sách những người được lấy phiếu.

Đây là thông tin Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đưa ra chiều nay, 17/10, tại cuộc họp báo trước kỳ họp Quốc hội thứ 8.

Cán bộ được bổ sung trong danh sách người được lấy phiếu này là Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, lần lấy phiếu trước ông Hiền chưa có đủ điều kiện để được lấy phiếu, đến kỳ này mới đủ.

Cụ thể, lần lấy phiếu trước được tổ chức tại kỳ họp Quốc hội thứ 5, đầu năm 2013. Khi đó, chức danh Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội chưa được đưa vào danh sách ủy viên UB Thường vụ Quốc hội. Nửa năm sau đó, tại kỳ họp thứ 6 (kỳ họp cuối năm 2013), Quốc hội mới thống nhất bầu bổ sung Trưởng Ban Dân nguyện vào cơ cấu UB Thường vụ Quốc hội.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo.
 
Sau 1 năm đảm nhiệm vị trí công tác là một ủy viên UB Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hiền – Trưởng Ban Dân nguyện đến nay đã đủ điều kiện để được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này.
 
Như vậy, số cán bộ được lấy phiếu kỳ này sẽ tăng lên tròn 50 người thay vì danh sách 49 chức danh thuộc diện lấy phiếu như lần trước.

Thực tế, trong lần lấy phiếu đầu tiên cũng chỉ có 47 người được lấy phiếu do thời điểm đó có sự điều chuyển nhân sự. Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ khi đó được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Tổng Kiểm toán nhà nước Đinh Tiến Dũng được điều chuyển sang đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Tài chính chưa đủ 1 năm công tác trên cương vị này để được lấy phiếu. Tương tự, chức danh Tổng Kiểm toán nhà nước được chuyển do ông Nguyễn Hữu Vạn đảm nhiệm cũng chưa đủ điều kiện thời gian điều hành công việc nên khi đó cũng chưa được lấy phiếu.

Cũng liên quan đến hoạt động lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 8, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định sẽ tổ chức lấy phiếu trên cơ sở nhiều kinh nghiệm rút ra sau lần đầu tiên.

Theo đó, báo cáo công tác của những người được lấy phiếu lần này đã thực hiện theo những tiêu chí hướng dẫn, mẫu biểu rõ ràng hơn cả về hình thức, cấu trúc, quy định số trang trình bày để tránh hiện tượng người viết quá dài như một bản báo cáo thành tích của ngành, người lại ghi quá ngắn gọn, sơ sài, gây khó khăn cho đại biểu khi đánh giá.

Không thông tin cụ thể về nội dung các bản cáo cáo đã gửi đến UB Thường vụ đến thời điểm này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến, ngày 14/11, Quốc hội bố trí họp đoàn, tổ để các đoàn ĐBQH thảo luận về các báo cáo của những người được lấy phiếu.

Sau đó 1 ngày, sáng 15/11, Quốc hội tiến hành lấy phiếu. Kết quả lấy phiếu được công bố vào chiều cùng ngày.

“Tôi vừa dự họp hội nghị Tổng Thư ký Nghị viện thế giới và nhận được đánh giá của quốc tế là chỉ duy nhất Việt Nam thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm như này. Qua lần đầu kết quả tôi thấy rất tốt. Một số thành viên Chính phủ khi đó kết quả lấy phiếu không được cao và các chức danh này sau đó đã có những hoạt động thúc đẩy công tác điều hành của mình. Kết quả là hiệu quả công việc trong các ngành đó đã được nâng lên rõ rệt thời gian qua, dư luận xã hội đã ghi nhận” – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.

Ông Hạnh Phúc nêu rõ, lần thứ 2 lấy phiếu cũng là lần cuối của khóa này nên kết quả lấy phiếu kỳ này cũng là một căn cứ để đánh giá cán bộ, là một kênh tham khảo cho các cơ quan Đảng, nhà nước trong việc xem xét quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ tiếp theo.

Nhấn mạnh về điểm khác biệt về mục đích của phương thức lấy phiếu tín nhiệm với bỏ phiếu tín nhiệm, người đứng đầu Văn phòng Quốc hội nêu quan điểm, phiếu tín nhiệm cần có 3 mức đánh giá để khảo sát mức độ tín nhiệm. Hướng sửa Nghị quyết 35, theo đó, vẫn sẽ được xem xét theo phương thức này.

Xác nhận có nhiều ý kiến đề nghị chỉ nên quy định 2 mức đánh giá tín nhiệm như “tín nhiệm – không tín nhiệm”, “tín nhiệm cao – tín nhiệm thấp” qua lần thảo luận về việc sửa Nghị quyết 35 trong kỳ họp trước nhưng kết quả tổng hợp cho thấy cũng mới chỉ 30% đại biểu nêu ý kiến, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng cần tiếp tục thảo luận về nội dung này để đi đến kết luận cuối cùng.

P.Thảo