“Tăng nhiều độ rủi ro với quan chức từ việc lấy phiếu tín nhiệm”

(Dân trí) - “Chỉ một quyết định lấy phiếu tín nhiệm đã nâng quyền của đại biểu lên rõ rệt, mức độ rủi ro đối với quan chức cũng cao hơn rất nhiều. Việc đó khẳng định quyền lực rất cao của Quốc hội.” - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng nói.

Cuộc họp báo về kết quả kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII do Văn phòng Quốc hội tổ chức ghi nhận nhiều câu hỏi, quan tâm về kết quả lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm với 47 chức danh lãnh đạo cấp cao tại Quốc hội.

Với những băn khoăn về thủ tục, cách thức lấy phiếu, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận, quy trình sẽ phải còn phải rút kinh nghiệm nhiều nhưng ghi nhận tích cực về lần đầu tiên là việc đánh giá khách quan, phản ánh đúng thực trạng việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của từng chức danh trong bộ máy.
 
Các đại biểu bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm 47 chức danh cấp cao tại Quốc hội.
Các đại biểu bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm 47 chức danh cấp cao tại Quốc hội.

Khái quát chung, kết quả tín nhiệm đối với các chức danh thuộc khối lập pháp cao hơn hẳn các chức danh thuộc khối hành pháp, ông Phúc cũng khẳng định, việc đó thể hiện đúng tinh thần, tình hình đất nước “có mặt nọ mặt kia, lĩnh vực này lĩnh vực khác còn khó khăn, cần tháo gỡ”. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ví dụ lĩnh vực ngân hàng, giáo dục, y tế… là những ngành cần tập trung điều hành để tăng cường hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước.

“Cá nhân tôi vừa là người cầm lá phiếu để đánh giá người khác, đồng thời là người được đánh giá tín nhiệm, tôi thấy bản thân cũng phải nhận phiếu này phiếu khác, còn nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm. Tôi chưa thỏa mãn với kết quả tín nhiệm đạt được mà còn nhiều yếu kém khuyết điểm cần khắc phục để đảm nhiệm cương vị tốt hơn” - ông Phúc trả lời câu hỏi “số phiếu tín nhiệm cao đạt được có nghĩa ông làm việc tốt hơn các vị lãnh đạo có tín nhiệm thấp ở khối cơ quan hành pháp?”.

Về hướng điều chỉnh trong lần lấy phiếu tiếp theo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cũng nhận định, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh cần rút kinh nghiệm nhiều vấn đề song việc có thiết kế lại phiếu đánh giá từ 3 mức độ “tín nhiệm cao - tín nhiệm - tín nhiệm thấp” xuống chỉ 2 mức độ “tín nhiệm - không tín nhiệm” sẽ do UB Thường vụ Quốc hội bàn bạc, quyết định. Ngoài ra, Nghị quyết số 35 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm do Quốc hội ban hành nên việc thay đổi hay không, điều chỉnh theo hướng nào cũng cần xin ý kiến Quốc hội.

“Nhưng việc lấy phiếu tín nhiệm cũng đã là sự đổi mới lớn trong hoạt động của Quốc hội. Chỉ một quyết định lấy phiếu đã nâng quyền của đại biểu lên rõ rệt, mức độ rủi ro đối với các quan chức cũng cao hơn rất nhiều. Việc đó khẳng định quyền lực rất cao của Quốc hội” - ông Dũng nhấn mạnh, đây là hoạt động hoàn toàn mới, lần đầu tiênViệt Nam tiến hành, chưa có nước nào trên thế giới thực hiện việc này.

Về băn khoăn nên khuôn phạm vi đối tượng lấy phiếu tín nhiệm trong nhóm các thành viên Chính phủ, ông Dũng giải thích mô hình tổ chức nhà nước Việt Nam có những điểm đặc thù khi quyền lực nhà nước được xác định là thống nhất. “Nhiều vị lãnh đạo cao cấp của nhà nước cũng nói phải điều chỉnh tiếp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nhưng đây là lần lấy phiếu lịch sử của sự dân chủ. Tinh thần phản hồi chung đều là tích cực, là bước phát triển dân chủ đáng ghi nhận” - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quả quyết.

Hướng lý giải các chức danh thuộc khối cơ quan hành pháp có kết quả tín nhiệm chung thấp hơn khối hành pháp do người dân cảm nhận rất rõ tác động của hoạt động điều hành, theo ông Dũng, là hướng lập luận khách quan.

Với những phán đoán ít tích cực hơn như “kết quả hòa cả làng”, ông Dũng cũng thẳng thắn nhìn nhận, không thể hi vọng một đất nước hơn 80 triệu dân mà mọi ý kiến đều như một. Ông Dũng đánh giá, các đại biểu đã làm rất tốt trách nhiệm bỏ phiếu của mình, đã thể hiện sát những đánh giá, nguyện vọng của người dân với bộ máy lãnh đạo nhà nước. Mỗi đại biểu sẽ có nhiều điều để báo cáo với cử tri trong lần tiếp xúc sau kỳ họp tới đây.

Trả lời câu hỏi cuối cùng về nội dung này, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định: “Kết quả lấy phiếu là sự đánh giá đối với từng cá nhân, chức danh nhưng cũng chính là cái nhìn chung đối với cả một ngành, một lĩnh vực mà người đó phụ trách. Vậy nên với tư cách tư lệnh ngành, mỗi chức danh cần nhìn lại cách lãnh đạo, điều hành để có giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để đưa ngành, lĩnh vực của mình đi lên. Đó chính là lời nhắc nhở của cử tri để chỉ ra những gì đã làm được, những gì chưa được, còn chưa tốt để tiếp tục phát huy công việc của mình. Phiếu tín nhiệm như vậy rõ ràng có tác dụng cảnh báo tới những người trong vòng nguy hiểm”.

P.Thảo