Thanh Hóa:

Lấy mẫu nước giếng kiểm tra sau vụ cá chết hàng loạt trên sông Mã

Bình Minh

(Dân trí) - Liên quan đến tình trạng hàng chục tấn cá lồng chết hồi giữa tháng 3/2021, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt phương án lấy mẫu, đánh giá chất lượng nước giếng của các hộ dân dọc bờ sông Mã.

Theo đó, tỉnh Thanh Hóa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các sở, ngành, địa phương liên quan tiến hành lấy 135 mẫu nước giếng đào, giếng khoan trên địa bàn 45 thôn/phố thuộc 10 xã và thị trấn dọc sông Mã (huyện Bá Thước) để phân tích, đánh giá chất lượng.

Lấy mẫu nước giếng kiểm tra sau vụ cá chết hàng loạt trên sông Mã - 1

Hàng chục tấn cá chết bất thường trên sông Mã xảy ra vào giữa tháng 3/2021.

Mỗi thôn sẽ được lấy 3 mẫu nước giếng để đánh giá, phân tích về 10 yếu tố, thành phần, gồm: Màu sắc, mùi vị, độ đục, pH, hàm lượng Amoni, hàm lượng sắt tổng hợp, chỉ số Pecmangannat, hàm lượng Asen tổng số, Coliform tổng số, E.coli hoặc Coliform chịu nhiệt.

UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở NN&PTNT chỉ đạo Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (thuộc Sở NN&PTNT) thực hiện việc lấy mẫu, phân tích mẫu nước hoàn thành trước ngày 5/6/2021.

Lấy mẫu nước giếng kiểm tra sau vụ cá chết hàng loạt trên sông Mã - 2

Phát hiện nhiều công ty xả thải ra sông không qua xử lý.

Phương án cũng nêu rõ, nếu xác định nguyên nhân nguồn nước giếng bị ô nhiễm do việc xả thải trái phép của các doanh nghiệp thì doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm phải chi trả kinh phí cho việc lấy mẫu và phân tích mẫu nước.

Trước đó, như Dân trí đã thông tin, từ ngày 15/3 - 15/4, nước sông Mã đoạn qua địa bàn huyện Bá Thước đổi màu đen bất thường, bốc mùi hôi tanh. Tình trạng ô nhiễm trên sông Mã khiến cho khoảng 60 tấn cá lồng của người dân các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy chết, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, số lượng thủy sản khác chết với số lượng lớn không kiểm đếm hết.

Trước thực trạng trên, từ ngày 9 - 14/4, huyện Bá Thước đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra tất cả 5 công ty có hoạt động chế biến lâm sản, sản xuất đũa, giấy trên địa bàn huyện này.

Kết quả, phát hiện 3/5 công ty có hành vi chôn ống ngầm hoặc bơm trực tiếp nước thải từ quá trình sản xuất đũa, giấy chưa qua xử lý ra sông Mã, gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể là Công ty TNHH Tân Thái Thanh, Công ty CP chế biến lâm sản Phú Thành (đều có địa chỉ tại xã Thiết Kế, huyện Bá Thước) và Công ty CP sản xuất thương mại Đồng Tâm TH (địa chỉ tại phố Tráng, thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước).