1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thanh Hóa:

Thủy sản chết bất thường hàng loạt, dân khốn khổ tìm nơi "lánh nạn" cho cá

Bình Minh

(Dân trí) - Gần một tháng qua, người dân nuôi cá lồng trên sông Mã - đoạn qua địa bàn huyện Bá Thước, Thanh Hóa khốn khổ vì phải tìm nơi "lánh nạn" cho cá trước thực trạng thủy sản chết bất thường hàng loạt.

Gần một tháng qua, cá lồng nuôi trên sông Mã ở xã Lương Ngoại, Ái Thượng, Hạ Trung, Lương Trung, Thiết Kế, Ban Công, Thiết Ống và thị trấn Cành Nàng của huyện Bá Thước bất ngờ chết trắng khiến người dân kiệt quệ. Gia đình nào cũng quay cuồng đến kiệt sức để tìm cách cứu những con cá cuối cùng còn sống sót.

Thủy sản chết bất thường hàng loạt, dân khốn khổ tìm nơi lánh nạn cho cá - 1

Cá lồng của người dân huyện Bá Thước nuôi trên sông Mã bất ngờ chết hàng loạt.

Cách sông Mã khoảng 400m, khu vực gầm cầu Hón La (thuộc bản Giổi, xã Ái Thượng, huyện Bá Thước) là nơi "cứu cánh" của hàng chục lồng nuôi cá của người dân xã Ái Thượng.

Những ngày qua, họ đã phải kéo lồng cá từ sông Mã vào trong các khu vực khe, suối rồi lại kéo ra sông đến hàng chục lần, vì nếu để ở gầm cầu Hón La lâu, cá cũng không sống được do nước ở đây không đủ sâu.

Thủy sản chết bất thường hàng loạt, dân khốn khổ tìm nơi lánh nạn cho cá - 2

Gầm cầu Hón La là nơi "cứu cánh" của hàng chục lồng cá khi người dân nghi ngờ nước sông Mã gây ô nhiễm khiến cá chết.

Đang trực máy bơm để xối nước vào lồng, tạo oxy cho cá, với vẻ mặt không khỏi lo lắng, ông Trần Văn Trường (trú tại bản Giổi, xã Ái Thượng) cho biết, gia đình ông đã nuôi cá lồng cả chục năm qua, nhưng đây là đợt đầu tiên cá chết kéo dài khiến gia đình ông kiệt quệ.

Theo thống kê của UBND huyện Bá Thước, từ ngày 15/3 - 8/4, đã có gần 12,4 tấn cá lồng chết và gần 400 kg các loài thủy sản tự nhiên chết vớt được.

Cá lồng chết xuất hiện 4 đợt, cụ thể: đợt 1 từ ngày 15 - 20/3; đợt 2 vào ngày 26/3; đợt 3 vào ngày 30/3; đợt 4 từ ngày 4 - 9/4 và cá vẫn đang tiếp tục chết. 

Gia đình ông Trường nuôi 2 lồng cá trắm, mỗi lồng hơn 100 con, loại cá đã lớn từ 3-5kg/con. Thế nhưng, gần 1 tháng qua, cá chết lẻ tẻ nhiều đợt, đến ngày 10/4, lồng cá của gia đình ông Trường chỉ còn vài chục con sót lại.

Tiếp tục xuôi xuống vùng hạ du sông Mã, đoạn qua xã Lương Ngoại (huyện Bá Thước), hơn 20 lồng cá của người dân bản Măng (xã Lương Ngoại) nuôi ở lòng hồ thủy điện Bá Thước 2 cũng chỉ còn sót lại vài lồng còn cá.

Thủy sản chết bất thường hàng loạt, dân khốn khổ tìm nơi lánh nạn cho cá - 3

Người dân quay cuồng tìm cách cứu sống cá.

Theo người dân ở đây, số cá may mắn còn sống sót là do họ đã kịp đưa cá vào các ao, hồ lánh nạn. Tuy nhiên, cũng không thể để cá ở mãi trong ao, hồ do mực nước thấp, không đủ oxy cho cá. Đó là vấn đề vô cùng nan giải mà người dân chưa biết phải xoay xở ra sao.

"Nhà nào cũng thay nhau trắng đêm theo dõi cá, cứ khi nào thấy chúng có hiện tượng bất thường là ngay lập tức phải bắt cá vào các ao lánh nạn", anh Trương Văn Hoàng (trú tại bản Măng, xã Lương Ngoại, Bá Thước) nói.  

Thủy sản chết bất thường hàng loạt, dân khốn khổ tìm nơi lánh nạn cho cá - 4

Liên tục nhiều ngày qua, người nuôi cá phải thức trắng đêm để theo dõi, thấy cá có biểu hiện bất thuờng là ngay lập tức đưa cá đi "lánh nạn".

Gia đình anh Hoàng cũng giống như gia đình ông Trường, 2 lồng cả trăm con, độ lớn 2-3kg/con, thế nhưng giờ chỉ còn mấy chục con.

"Nan giải nhất là việc tìm nơi lánh nạn cho cá, đưa vào ao hồ hay suối, khe thì nước cũng không đủ độ sâu để nuôi sống cá. Người dân chúng tôi thật sự mệt mỏi và bất lực" - anh Trần Văn Lập (trú tại xã Ái Thượng) chia sẻ.

Cùng thời điểm này, không chỉ cá nuôi lồng chết, cá tự nhiên trên sông Mã cũng nổi lềnh bềnh trắng xóa.

Theo người dân ở đây, bình thường nước sông Mã đoạn chảy qua huyện Bá Thước mùa này trong xanh, nhưng từ giữa tháng 3 đến nay, nước đổi màu đen, mùi hôi tanh bất thường. Họ nghi ngờ nguyên nhân khiến cá chết chính là do nước sông bị ô nhiễm.

Thủy sản chết bất thường hàng loạt, dân khốn khổ tìm nơi lánh nạn cho cá - 5

Không chỉ cá lồng mà ngay cả cá tự nhiên cũng đồng loạt chết.

Được biết, sau khi xuất hiện cá chết, các cơ quan chức năng đã lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu nước xét nghiệm tìm nguyên nhân.

Ông Trịnh Văn Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước cho biết, tính đến ngày 9/4, trên địa bàn có 35 hộ dân nuôi 49 lồng trên sông Mã bị thiệt hại nặng nề với số lượng cá chết lên đến hơn 3,4 tấn. Chỉ riêng ngày 8/4 đã có gần 1 tấn cá chết.

Sau khi sự việc cá chết xảy ra, UBND huyện Bá Thước quyết định hỗ trợ người dân 20.000 đồng/1 kg cá chết. Chính quyền huyện cũng đang tiếp tục đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ thêm cho người dân để người dân bớt thiệt hại.

Thủy sản chết bất thường hàng loạt, dân khốn khổ tìm nơi lánh nạn cho cá - 6

Hơn 20 lồng cá của người dân bản Măng (xã Lương Ngoại) nuôi ở lòng hồ thủy điện Bá Thước 2 cũng chỉ còn sót lại vài lồng còn cá.

Theo tìm hiểu, dọc hai bờ sông Mã phía thượng nguồn thuộc các huyện Quan Hóa, Bá Thước có nhiều cơ sở chế biến lâm sản, ngâm ủ, chế biến tre luồng, bột giấy.

Trước đó, vào tháng 4/2020, khi cá trên sông Mã qua huyện Bá Thước cũng xảy ra tình trạng chết đồng loạt, cơ quan chức năng vào cuộc và phát hiện nhiều cơ sở chế biến lâm sản xả thải bẩn ra lòng sông. Một số nhà máy đã bị xử phạt hoặc đình chỉ hoạt động.

Hiện UBND huyện Bá Thước cũng đã ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra, rà soát tất cả các cơ sở sản xuất có nước thải ra sông Mã để xác định nguyên nhân cá chết có phải do doanh nghiệp xả thải chưa qua xử lý khiến nguồn nước bị ô nhiễm hay không.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm