1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Lay lắt những luống húng Láng cuối cùng giữa Thủ đô

(Dân trí) - Cánh đồng trồng húng Láng rộng bát ngát giờ bị “tóp” lại còn vài luống sống lay lắt giữa những dãy nhà cao tầng. Nhiều người từng lo sản vật nổi tiếng này sẽ chỉ còn trong ký ức nay mừng rỡ khi nghe tin thành phố sẽ chi tiền tỉ để bảo tồn.

Vừa trồng húng vừa lo mất đất

Gần trưa, nắng rát mặt, giữa “cánh đồng” Láng Thượng rộng vài nghìn mét vuông, được bao bọc bởi những dãy nhà cao vút, một cụ già lúi húi nhặt cỏ, chăm bẵm cho những lọn rau thơm xanh mướt. “Gần chục năm nay đất trồng rau thơm nổi tiếng Thủ đô của Láng Thượng lần lượt phải nhường chỗ cho công ty, xí nghiệp, trường học… xây trụ sở. Chắc vài năm nữa nghề trồng rau ở đây chỉ còn trong ký ức những người già”, cụ Chương Thị Định, 72 tuổi, lo cho số phận của sản vật húng Láng Hà Nội.
 
Luống húng Láng tươi tốt hiếm hoi còn sót lại

Luống húng Láng tươi tốt hiếm hoi còn sót lại

Cánh đồng trồng rau duy nhất sót lại của Láng Thượng cũng chỉ có vài luống húng, còn lại là trồng bầu bí và bỏ hoang cho cỏ dại tung hoành. Con kênh chứa nước tưới rau dài vài chục mét cắt ngang giữ “cánh đồng” cũng không còn trong lành. “Giữa đồng” mọc lên một ngôi nhà tạm lụp sụp chứa đầy giấy vụn, chai lọ, sắt vụn… của những người làm nghề đồng nát.

Dù đã có nhà cao cửa rộng, nhưng ngày ngày cụ Định vẫn ra mảnh đất nằm cạnh chùa Láng “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” cần mẫn tưới tắm cho mấy luống rau húng. Không mong rau có thể nuôi người như trước đây, việc làm của bà cụ bây giờ chỉ nhằm mục đích cho con cháu ở Láng Thượng biết đến mùi vị của đặc sản mà ông cha để lại.
 
Người phụ nữ 72 tuổi này không muốn những luống húng Láng cuối cùng rồi cũng mất nốt

Người phụ nữ 72 tuổi này không muốn những luống húng Láng cuối cùng rồi cũng mất nốt

“Tiếc cho cây húng lắm nhưng chúng tôi không biết làm thế nào để chúng khỏi bị biến mất. Đất thì Nhà nước lấy xây nhà, nghề trồng rau mỗi ngày chỉ cho vài chục nên con cháu cũng không ai mặn mà. Có lẽ khi mấy người già chúng tôi mất đi chắc cây húng cũng không còn”, nâng niu mớ húng trên tay, cụ Định tiếc rẻ nói. Từ hơn ba sào ruộng nay gia đình cụ Định cũng chỉ còn vài trăm mét vuông để trồng rau.

Cách ruộng rau nhà cụ không xa, bên kia con kênh, là mấy luống rau húng thơm của bà cụ Sói, đã hơn 80 tuổi. Các luống rau húng của cụ Sói cũng xanh mướt mắt, tỏa mùi thơm ngát đặc trưng của rau húng, át đi mùi khói xe bụi bặm phố phường.

Mong “hương làng” mãi thơm ngát giữa đất Thủ đô

Người dân Láng Thượng cho biết, nhiều người ở vùng khác đến đây xin rau húng về trồng như không thành. “Cây húng sống tươi tốt không kém ở Láng Thượng nhưng mùi vị là của rau bạc hà. Có lẽ do thổ nhưỡng nơi đó không hợp với húng Láng”, ông Lâm Văn Thanh, chủ nhiệm HTX TM-DV Láng Thượng nói.
 
Luống rau húng sống lay lắt bên những dãy nhà cao tầng

Luống rau húng sống lay lắt bên những dãy nhà cao tầng

HTX Láng Thượng cho biết, trước đây cả Láng Thượng sống bằng nghề trồng rau thơm, hiện nay HTX này còn 151 xã viên, phần lớn là người già, trong số đó chỉ còn lại vài người còn trồng húng, như cụ Định, cụ Sói, ông Lộc, ông Hùng, ông Vững, ông Kiện... Con cháu của những nhà nông yêu nghề này cũng chẳng ai muốn nối nghề ông cha. Hơn nữa, mảnh đất này đã được quy hoạch thành khuôn viên cây xanh.

Hay tin thành phố có chủ trương bảo tồn, lưu giữ và phát triển cây húng Láng - loại cây bản địa, nguồn gen đặc hữu quý hiếm - những người trong HTX Láng Thượng mừng ra mặt vì họ lại có cơ sở để tin rằng mảnh đất trồng rau húng cuối cùng không bị biến mất. “Nếu kế hoạch bảo tồn được thực hiện từ 10 năm trước chắc Láng Thượng chúng tôi sẽ phát triển được nghề trồng rau chứ không chỉ để bảo tồn nguồn gen cây húng đặc trưng này”, một thành viên trong HTX Láng Thượng nói.

Những người trong HTX cho biết, ngoài việc mất đất, nguyên nhân người dân Láng Thượng không mặn mà trồng rau là điều kiện canh tác khó khăn vì không có nước để tưới tiêu. “Cây húng Láng chỉ có mùi thơm đặc trưng khi tưới bằng nước mặt. Nếu tưới nước giếng khoan chỉ vài ngày là hỏng hết, nếu có sống cũng không thơm”, Chủ nhiệm HTX nói.

Diện tích đất còn lại để bảo tồn và phát triển húng Láng là rất ít nên điều những thành viên trong HTX băn khoăn là việc đào ao lấy nước mặt tưới rau.

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm