1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lấy đâu sức cạnh tranh khi doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm 40% GDP?

(Dân trí) - DN nước ngoài chỉ phải vay lãi 2-3%/năm trong khi lãi suất đi vay của Việt Nam hiện vẫn ở mức 10%/năm. Nước lớn như Trung Quốc mà kinh tế nhà nước cũng chỉ chiếm 30% GDP trong khi tại Việt Nam, khối DNNN vẫn giữ tỷ trọng đóng góp hơn 40% GDP…

Tham nhũng, nợ xấu khó gỡ vì nút thắt thể chế
Lấy đâu sức cạnh tranh khi doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm 40% GDP?
Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu chủ trì diễn đàn Kinh tế Mùa xuân năm nay với chủ đề "biến lời nói thành hành động".

Một vấn đề được mổ xẻ, tranh luận tại diễn đàn Kinh tế Mùa xuân trong phiên thảo luận chiều 21/4 là sức cạnh tranh của Việt Nam trong hội nhập kinh tế thế giới. GS. Võ Đại Lược thẳng thắn bày tỏ, không mấy lạc quan về khả năng cạnh tranh của DN Việt.

“Nếu trong vòng 5 năm tới đây, hàng rào thuế quan của Việt Nam hạ xuống theo đúng lộ trình cam kết quốc tế thì khó trông đợi khả năng cạnh tranh của DN trong nước với nước ngoài khi lãi suất đi vay của Việt Nam hiện vẫn ở mức 10%/năm trong khi ở các nước ngoài, DN chỉ phải vay lãi 2-3%/năm” – GS.Lược phân tích.

Chuyên gia kinh tế này cũng lo lắng, với tỷ giá tiền tệ được đẩy cao như hiện nay cũng không có lợi cho xuất khẩu mà chỉ dẫn tới khuyến khích nhập khẩu. Các hiệp định thương mại tự do đã ký với các nước, theo ông Lược cũng đặt ra đòi hỏi đổi mới thể chế trong nước rất cơ bản, nếu không ký xong là tổn thất lớn vì nền kinh tế hiện tại đang phụ thuộc lớn vào vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khi đó, lợi nhuận chủ yếu nhà đầu tư nước ngoài sẽ mang trở về nước, không để ở Việt Nam.

Ông Lược chỉ rõ thêm: “Nếu chỉ tính riêng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp nhà nước thì tỷ trọng chỉ chiếm 20% GDP nhưng nếu tính thêm cả 5 ngân hàng thương mại nhà nước thì tỷ lệ này lên hơn 30% và tính cả khối DN trong công an, quân đội thì chắc chắn phải 40%. Nền kinh tế có tỷ trọng quốc doanh lớn như vậy thì sao cạnh tranh quốc tế được? Nước Trung Quốc lớn như vậy mà tỷ trọng đóng góp của DNNN trong nền kinh tế cũng chỉ khoảng 30%. Vậy sức cạnh tranh của Việt Nam sẽ là rất khó”.

Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc cổ phần hoá DNNN nhưng ông Lược cũng tỏ ý không hài lòng vì với 140 DN đã được cổ phần hoá, hầu hết nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ cổ phần chi phối, số DN đã bán hơn 50% cổ phần (tức nhà nước không nắm quyền chi phối nữa) thực tế rất ít.

Một nguyên nhân khác kéo giảm sức cạnh tranh của DN là các nhóm lợi ích hoạt động quá mạnh, nhăm nhe chiếm dụng những lợi ích có được. GS. Lược tán thành quan điểm cần có luật đối với DNNN. Ví dụ luật cần quy định điều kiện cụ thể để hạn chế tối đa số lượng DNNN chỉ cổ phần hoá dưới 50% để nhà nước không còn giữ cổ phần chi phối ở khu vực này.

Ông Lược cũng lý giải, nhiều vướng mắc, tồn tại trong nền kinh tế hiện nay, từ tham nhũng tới nợ xấu, nhà nước vẫn loay hoay chưa giải quyết được vì nút thắt lại nằm trong thể chế chính trị. Công cuộc đổi mới gần 30 năm qua, vì vậy, đã thay đổi nhiều về thể chế kinh tế nhưng động lực lớn nhất là cải thiện hệ thống chính trị cho hiệu quả hơn mới là yêu cầu cấp thiết đặt ra lúc này.

TS. Lưu Bích Hồ thì đi từ chủ đề của diễn đàn kinh tế mùa xuân lần này – “biến lời nói thành hành động” - để nêu thực tế, khâu “hành động” hiện vẫn còn đuối. Thể chế chính sách đưa ra chưa làm cho cả hệ thống, nhất là cơ quan lãnh đạo và quản lý thông suốt và thống nhất tư tưởng; lợi ích nhóm chi phối quá nặng nề nên khi một hoạt động vừa khơi lên cũng bị cản trở mạnh mẽ mà những người thực hiện hễ đụng phải lực cản này cũng dễ chùn bước, không vượt qua được.

TS. Hồ kiến nghị nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đối với yêu cầu “biến lời nói thành hành động” vì thực tế, bộ máy vận hành còn chậm, nếu người đứng đầu không quyết liệt thì rất khó tạo ra thay đổi.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh trấn an, không cần quá lo lắng, bất an về khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam khi hội nhập sâu rộng vì các hiệp định thương mại đã ký và 2 hiệp định quan trọng đang đàm phán (TPP và FDA) đã bao trùm đầy đủ các vấn đề đặt ra.

Ông Khánh dẫn chứng, cả hiệp định TPP và FDA đều có quy định về việc mua sắm của Chính Phủ các nước tham gia thoả thuận để đảm bảo những rào chắn, đảm bảo minh bạch và hiệu quả việc chi tiêu từng đồng tiền thuế của dân.

Đối với việc chống tham nhũng, lợi ích nhóm, TPP cũng có 1 chương quy định, đặt ra kỷ luật cho cơ quan nhà nước, DNNN với những yêu cầu về hành xử  một cách khách quan, minh bạch.

Lo lắng về sức ép cạnh tranh khi hội nhập, theo Thứ trưởng Khánh cũng không hợp lý vì cạnh tranh là bản chất của kinh tế thị trường, của môi trường kinh doanh hiện nay. Nếu không phải cạnh tranh với DN ngoại, với nhà đầu tư nước ngoài thì chính các DN trong nước cũng phải cạnh tranh khốc liệt với nhau. Sức cạnh tranh và thích nghi của DN Việt Nam, ông Khánh lạc quan đánh giá, đã được chứng minh trong 30 năm đổi mới vừa qua.

Dù vậy, vị “chuyên gia đàm phán” này cũng xác nhận, ngành nông nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh quốc tế nếu tiếp tục đầu tư, phát triển manh mún như hiện nay mà phải tính những chiến lược dài hơi. Làm được việc đó, với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện tự nhiên thì “Việt Nam rất khó thua trên mặt trận này”.

Kinh tế đã thoát đáy nhưng chưa ra khỏi miệng hố
 
Lấy đâu sức cạnh tranh khi doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm 40% GDP?
Đại biểu Trần Du Lịch nhận định sức phục hồi của nền kinh tế yếu hơn kỳ vọng nhưng triển vọng xử lý nợ xấu lại khá lạc quan.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận định, dù cao hơn hẳn mức 5,42% của năm 2013 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,98% của 2014 vẫn là phục hồi ở mức thấp. Nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa bền vững và có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng thấp.

Trong bản tham luận “Kinh tế vĩ mô 2014: Ổn định về lượng, trì trệ về chất, chưa rõ tương lai”,  TS. Lê Việt Đức cũng nêu đánh giá khái quát, có thể tin rằng nền kinh tế đã đi tới đáy vào năm 2013 và đang dần dần lập được trạng thái cân bằng ổn định với năng suất, chất lượng và tốc độ tăng trưởng tăng dần lên kể từ năm 2014. Tuy nhiên, sự trì trệ kéo dài đã gần 3 năm của nền kinh tế đòi hỏi phải có sự thay đổi, nhưng thay đổi thế nào trong bối cảnh hiện nay là điều khó dự báo.

Tại diễn đàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Trần Du Lịch phân tích thêm, quý 4/2014 và tháng 1, 2/2015 lạm phát, giá cả ở mức âm đến tháng 3 vừa qua mới khôi phục lại. Bản chất của hiện tượng này, theo TS Trần Du Lịch là do sức phục hồi kinh tế của Việt Nam yếu hơn tính toán, kỳ vọng, thể hiện qua tổng cầu thấp.

Tuy nhiên, dư nợ tín dụng trong quý 1 năm nay lần đầu tiên tăng, theo ông Lịch, là dấu hiệu chứng tỏ các giải pháp điều hành đã giúp khai thông được thị trường vốn. Và chính ông Lịch lại lạc quan khi nhận định về hiệu quả của các biện pháp xử lý nợ xấu, đưa nợ xấu thành tài sản tham gia vào lưu thông được để “giải xấu” thay vì việc chỉ tạm thời “xích lại”.

Chia sẻ với đánh giá của đại biểu Trần Du Lịch, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh giải pháp sử dụng Cty mua bán nợ VAMC đã hiệu quả trong bối cảnh không có tiền, không được sử dụng ngân sách mà phải xử lý nợ xấu bằng các cách khác như buộc trích lập dự phòng rủi ro với các ngân hàng.

Bà Hồng quả quyết, Nghị định 34 ban hành vừa qua của Chính phủ sẽ có thay đổi trong hướng xử lý tài sản đảm bảo. NHNN đang rất nỗ lực để ban hành thông tư thực hiện các quy định này, sẽ kéo tỷ lệ nợ xấu xuống dưới mức 3% trong năm nay.

P.Thảo