1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lật lại vụ án nhà hàng Thanh Loan: Liệu có khuất tất?

Vụ án nhà hàng Thanh Loan (Hoà Bình) vào thời điểm giữa năm 2006 là mối quan tâm đặc biệt của dư luận, từng gây bức xúc trong nhân dân. Nhưng khi vụ án được tiến hành xét xử lại hoàn toàn trái ngược về tính chất vụ án không như đánh giá ban đầu.

Ngày 24/6/2008, Toà án Nhân dân huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình đã mở phiên toà xét xử Trịnh Tiến Hải (chủ nhà hàng Thanh Loan) và đồng bọn cố ý gây thương tích đối với Bùi Thị Thương (nhân viên của nhà hàng) trong vụ án nhà hàng Thanh Loan diễn ra tháng 4/2006.

Mặc dù trong phiên xét xử lần 2 (lần đầu vào ngày 4/6, vì lý do vắng người bị hại, người làm chứng và người có quyền lợi liên quan nên tạm hoãn) vẫn vắng người bị hại, người làm chứng và người có quyền lợi liên quan, nhưng Toà án nhân dân huyện Lương Sơn vẫn tiến hành phiên xét xử.

Với tội danh cố ý gây thương tích, Toà đã tuyên án Trịnh Tiến Hải 36 tháng tù, được trừ 1 tháng 12 ngày tạm giam, còn lại 34 tháng 18 ngày; Hà Văn Thống (nhân viên của nhà hàng) 30 tháng tù được trừ 5 tháng 27 ngày, còn lại 24 tháng 3 ngày.

Bị can Trương Thị Hoa (nhân viên của nhà hàng) hiện bỏ trốn, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hoà Bình đã ra quyết định truy nã toàn quốc và quyết định tạm đình chỉ điều tra.

Đối với Hà Văn Đức (nhân viên của nhà hàng) khi phạm tội chưa tới 16 tuổi (15 tuổi 7 tháng), chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên tiến hành xử phạt vi phạm hành chính.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, các bị can Trương Thị Hoa, Hà Văn Thống và Hà Văn Đức đánh đập Bùi Thị Thương là do “thấy Thương làm công việc dọn dẹp chậm và sẵn có máu ghen ăn tức ở đối với Thương”, chứ không có sự xúi giục của Trịnh Tiến Hải.

Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là tại sao các đối tượng này chỉ “ra tay” sau khi Trịnh Tiến Hải đánh Bùi Thị Thương (ngày 18/4/2006)?.

Trong các ngày 21, 23 và 24/6/2006, ba đối tượng Hoa, Thống, Đức đã 5 lần đánh Thương rất dã man như lấy dây thừng trói vào cột nhà ở cạnh chuồng lợn, cởi hết quần áo và dùng thanh tre đánh liên tiếp đến khi thanh tre bị vỡ, xé rách áo và đạp Thương ngã lăn từ trên cầu thang xuống làm chảy máu mũi, máu mồm, dùng kéo cắt tóc, dùng ống sắt gạt than đang nóng dí vào vùng sau gáy, mai bên trái, cẳng chân trái... Liệu những hành động này có phải là hiềm khích cá nhân thông thường?

Khi sự việc xảy ra, công an huyện Lương Sơn đã cử các trinh sát theo dõi các đối tượng, đề phòng bỏ trốn. Thế nhưng, không hiểu sao Trịnh Tiến Hải vẫn bỏ trốn được? Hơn nữa, Trịnh Tiến Hải đột ngột ra đầu thú vào ngày 28/11/2007, trong khi trước đó 14 ngày tức vào ngày 14/11/2007, bỗng dưng Bùi Thị Thương tự nguyện có đơn xin giám định lại thương tích để được công nhận thương tật giảm xuống còn 19% (trước đó là 37%)??? .

Hơn nữa, Toà căn cứ vào mức thương tật 19% để định tội cho các bị cáo liệu có hợp lý?. Bởi mức thương tật 19% được giám định lại cách thời gian người bị hại bị đánh đến gần 2 năm (kết quả giám định lần đầu ngày 26/4/2006, giám định lần hai 31/1/2008), khi mà các vết bị đánh hầu như đã hết, 4 sương sườn bị gẫy đã liền và không ảnh hưởng tới chức năng hô hấp?

Về nguyên nhân phạm tội của vụ án, cơ quan điều tra kết luận rằng Trịnh Tiến Hải không có quan hệ tình dục với Bùi Thị Thương?. Vậy tại sao tự dưng Bùi Thị Thương lại nhận có quan hệ với Trịnh Tiến Hải để rồi phải nhận các trận đòn nhừ tử như vậy?.

Việc làm này của Bùi Thị Thương là vì mục đích gì, cơ quan điều tra có làm rõ việc này?. Tại sao Bùi Thị Thương lại “thương tình” khi tự nguyện viết đơn đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho bị can Trịnh Tiến Hải?

Tại sao vụ án lại kéo dài đến hơn 3 năm, khi mà sự mong ngóng của dư luận dường như đã bị “hụt hơi”, các cơ quan liên quan đã thực sự quan tâm đúng mức tới vụ án?. Tại sao đến bây giờ vẫn chưa tìm thấy bị can Trương Thị Hoa?

Tại sao hôm xét xử, người bị hại cũng như gia đình người bị hại đều không tham gia phiên toà?. Mặc dù Toà án nhân dân huyện Lương Sơn đã có giấy thông báo và có người về tận nhà người bị hại.

Tại sao người tương đối quan trọng có liên quan đến vụ án là Nguyễn Thị Loan (vợ của Trịnh Tiến Hải, người đã chở Thương đến gặp Hải vào ngày 18/4/2006 để rồi xảy ra vụ án này) lại không đến phiên toà, mặc dù nhà Loan rất gần nơi diễn ra phiên toà?

Vụ án nhà hàng Thanh Loan từng gây xôn xao dư luận, bị cáo Trịnh Tiến Hải xúc phạm dã man nhân phẩm con người, những tưởng sẽ bị tuyên bản án nghiêm khắc, song với cách xử lý “đầu voi, đuôi chuột” của các cơ quan chức năng địa phương, e rằng bản án thiếu tính răn đe, phòng ngừa. Liệu có gì khuất tất trong vụ án này?

Theo TTXVN