1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Lắp máy quạt cứu đàn cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

(Dân trí) - Lắp đặt vòi bơm phun nước, máy quạt bề mặt… được xem là giải pháp phòng ngừa tình trạng cá chết diễn ra liên tục trong 3 năm qua ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TPHCM).

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm vừa đồng ý giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, nghiên cứu và lắp đặt các thiết bị như vòi bơm phun nước, máy quạt bề mặt ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Bên cạnh việc làm tăng lượng ôxy hòa tan giúp cá hô hấp tốt thì giải pháp này cũng góp phần tạo cảnh quan phù hợp cho khu vực kênh.


Vớt cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (ảnh Đình Thảo)

Vớt cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (ảnh Đình Thảo)

Theo ông Trần Văn Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP), liên tục trong 3 năm qua đều xảy ra tình trạng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Năm 2014, vào thời điểm giao mùa từ nắng sang mưa, lượng cá chết gần 10 tấn. Đến năm 2015, số lượng này khoảng 20 tấn và giữa năm 2016 thì có hơn 70 tấn cá chết.

Ông Sơn cho rằng, khi nước mưa đổ xuống tạo dòng xáo trộn lớn khiến bùn bã hữu cơ trong nước tăng, đẩy các chỉ tiêu hóa lý vượt ngưỡng, phát sinh một số khí độc là nguyên nhân khiến cá chết… Ngoài ra, trữ lượng cá sinh sản tự nhiên khá nhiều, tăng đều qua các năm nên khi xảy ra sự cố, cá chết cũng nhiều hơn.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của PGS-TS Vũ Cầm Lương - Đại học Nông lâm TPHCM, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có 7 con cá rô phi/m2, chiếm khoảng 84% mật độ cá dưới dòng kênh, mặc dù loài cá này hầu như không được thả. Bên cạnh đó, dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bị con người can thiệp rất lớn, nguy cơ thủy vực quá tải. Hiện tại, sinh lượng cá đã vượt ngưỡng sức tải về cơ sở thức ăn tự nhiên.

Vì vậy TS Vũ Cầm Lương cho rằng, để tránh tình trạng cá chết như thời gian qua thì cần quản lý mật độ cá tự nhiên cho phù hợp, cần “tỉa” bớt cá rô phi. Trong khoa học về quản lý thủy sản thì khi bắt một lượng phù hợp có tính toán cũng là hành động tích cực để quần thể cá có thể phát triển bền vững.

Quốc Anh