1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lập bản đồ nước ô nhiễm thạch tín trên toàn quốc

Trong năm nay, Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ điều tra chi tiết về tình trạng nhiễm asen tại tất cả các tỉnh nhằm lập bản đồ ô nhiễm chất này trên cả nước. Đây là một phần đề án giảm thiểu tác hại của asen trong nước sinh hoạt, vừa được Chính phủ duyệt kinh phí.

Đề án do Bộ Tài Nguyên Môi trường chủ trì, với sự tham gia của các Bộ Y tế, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Xây dựng, sẽ được thực hiện từ nay đến hết năm 2008, với tổng kinh phí gần 17,66 tỷ đồng.

Bà Trần Thị Huệ, Trưởng phòng quản lý nước dưới đất thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài Nguyên Môi trường, cho biết, tìm ra và áp dụng các giải pháp hạn chế tác hại của asen ở Việt Nam là một việc cần làm sớm ở Việt Nam.

Các điều tra sơ bộ ở một số địa phương cho thấy, hàm lượng asen trong nước ngầm ở nhiều nơi vượt quá tiêu chuẩn cho phép đối với nước ăn uống và sinh hoạt, cao nhất là các tỉnh Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Tây, Phú Thọ... Hàm lượng asen ở một số điểm cao gấp nhiều lần mức cho phép như Quỳnh Lôi (Hà Nội) gấp 30 lần, Lâm Thao (Phú Thọ) gấp 50-60 lần, Lý Nhân (Bình Lục, Hà Nam) gấp 50 lần.

Riêng tại Hà Nội, 69% mẫu nước tầng trên và 48% mẫu nước tầng dưới được kiểm nghiệm có nồng độ asen cao hơn tiêu chuẩn. Tỷ lệ asen trong nước sông Hồng và các hồ khu vực ngoại thành cũng không đủ tiêu chuẩn để làm nước ăn uống và sinh hoạt.

Tuy nhiên, cho đến nay, các điều tra vẫn chỉ mới thực hiện ở một số địa phương, với các mẫu xét nghiệm còn ít, do đó chưa có một hình dung toàn diện về thực trạng nhiễm asen trong nguồn nước sinh hoạt trên cả nước. Đề án kể trên sẽ rà soát tình trạng này ở từng địa phương để khoanh vùng những nơi có lượng asen vượt tiêu chuẩn.

Theo bà Huệ, các cơ quan chức năng cũng sẽ điều tra ảnh hưởng của việc sử dụng nguồn nước nhiễm asen tới sức khỏe cộng đồng. Bộ Y tế từng khảo sát tình trạng sức khỏe dân cư ở 3 xã thuộc Hà Nam, nơi nguồn nước bị ô nhiễm thạch tín. Kết quả cho thấy hàm lượng asen trong tóc và nước tiểu ở họ cao hơn người bình thường. Mặc dù phần lớn các hộ mới sử dụng nước giếng khoan được 6 năm nhưng tỷ lệ ung thư chung có tăng theo thời gian; tỷ lệ biến đổi sắc tố da, sừng hóa, bệnh lý thai sản khá cao. Đây là các biểu hiện nhiễm độc asen mạn tính do dùng nguồn nước ô nhiễm thạch tín. Trong đề án mới này, việc điều tra sẽ toàn diện và kỹ càng hơn.

Tìm kiếm các giải pháp xử lý nước ô nhiễm và tuyên truyền cho người dân về bảo vệ nguồn nước cũng là một mục tiêu của dự án. Bà Huệ cho biết hiện có nhiều tổ chức quốc tế giới thiệu các kỹ thuật xử lý asen trong nước. Bộ Tài nguyên môi trường sẽ xem xét để lựa chọn những giải pháp hiệu quả và phù hợp nhất với điều kiện của Việt Nam.

Theo bà Huệ, các biện pháp đang được áp dụng hiện nay như lọc bể cát, dùng giàn mưa khá hiệu quả trong việc loại bỏ thạch tín. Tuy nhiên, ở các hộ gia đình, không phải lúc nào chúng cũng được áp dụng hiệu quả, do cách làm không chuẩn hoặc hàm lượng thạch tín quá cao (trường hợp này cần thay nguồn nước khác).

Điều tra tại một số xã ở Hà Nam cho thấy, phần lớn người dân sử dụng nước giếng khoan ở vùng ô nhiễm thạch tín đều có lọc, nhưng hơn 1/3 số mẫu nước sau lọc không đảm bảo tiêu chuẩn cho phép về hàm lượng asen.

Theo Thanh Nhàn
VnExpress