Quảng Nam:
"Lão nông" khánh thành cây cầu phao tự làm cho dân đi
(Dân trí) - Sau hơn 3 tháng thi công, sáng 21/1, cây cầu phao của nông dân Lê Tất Dũng đã được khánh thành trong sự vui mừng của người dân. Từ đây, người dân nơi đây sẽ không còn lo lắng mỗi khi qua sông nữa.
Tại lễ khánh thành cây cầu do chính mình làm để bà con trong thôn đi, ông Lê Tất Dũng xúc động nói: "Hôm nay, tôi vô cùng sung sướng và xúc động khi nhìn thấy những điều mơ ước của mình đã trở thành sự thật và rất vinh dự được Ban tổ chức dành cho chút thời gian để cùng chia sẻ tình cảm, mơ ước cũng như nỗ lực của mình trong thời gian qua".
Cây cầu phao do ông Lê Tất Dũng tự làm cho bà con đi làm đồng
Ông tâm sự: "Tôi sinh ra và lớn lên tại làng quê Phú Lộc, nơi đã gắn bó với tôi nhiều kỷ niệm. Sau bao nhiêu năm miệt mài lao động, bằng mồ hôi và nước mắt của mình, tôi chắc chiu dành dụm được một số tiền nho nhỏ với hy vọng có cơ may làm ăn nào đó để tôi thêm vào làm một căn nhà để ở.
Tuy nhiên, chứng kiến cảnh bà con ở quê đi làm phải qua một cây cầu tre tạm bơ nguy hiểm, nhất là mỗi lần nước lớn, cầu trôi và bà con phải làm đi làm lại nhiều lần. Từ đó tôi nung nấu với quyết tâm làm bằng được một cây cầu cho người dân đi lại. Và hôm nay, cây cầu đã hoàn thành".
Người dân các thôn của xã Đại An mong chờ để đi trên cầu phao của ông Dũng
Đây là cây cầu mà báo Dân trí đã có bài viết “Tiền dành dụm mấy chục năm đem làm cầu cho dân đi”. Sau khi bài báo được đăng tải, rất nhiều bạn đọc đã quan tâm chia sẻ với ông Dũng vượt qua nhiều khó khăn để làm cầu cho dân đi. Một số bạn đọc có tấm lòng hảo tâm cũng đã gởi tiền về tận tay giúp ông Dũng tiếp tục hoàn thành cây cầu này.
Trong dịp hoàn thành cây cầu, thay mặt người dân địa phương, Ban quản trị thôn Phú Lộc, lãnh đạo xã Đại An cũng đã gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả bạn đọc báo đã ủng hộ ông hoàn thiện cây cầu, với số tiền khoảng hơn 30 triệu đồng.
Người dân được đi trên cây cầu phao an toàn
Tuy nhiên, ông Dũng cho biết cầu đã hoàn thành nhưng hiện hai mố cầu vẫn chưa xong. Nếu để an toàn cho người dân đi và lũ không bị cuốn cầu, theo ông Dũng phải cần khoảng trên 100 triệu đồng nữa mới xong. Số tiền này ông sẽ tiếp tục dành dụm và kêu gọi tấm lòng hảo tâm của mọi người.
Người dân từ nay đi làm ruộng không còn sợ nguy hiểm nữa
Được đi trên cây cầu mới để ra cánh đồng của mình, ông Nguyễn Văn Kính (trú thôn Nghĩa Nam, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết: "Tôi có 1,2 sào đất ở bên kia sông. Mấy chục năm nay tôi đi làm phải qua cầu tre hay đò rất nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa lũ. Nay có cây cầu phao của chú Dũng làm đã hoàn thành, bà con tôi vui lắm. Chúng tôi rất tự hào".
Còn bà Đỗ Thị Nên (thôn Phú Lộc, xã Đại An) thì phấn khởi: "Tôi làm 3 sào ruộng bên kia sông, giờ đi làm thì an toàn rồi, không phải lo trời mưa gió mỗi khi qua sông nữa. Hôm nay khánh thành cầu, tui bỏ hết công chuyện để đến đây chung vui với anh Dũng và bà con trong thôn".
Đối với ông Huỳnh Phùng (trú khu 7, thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc), mặc dù không có đất ruông bên kia sông và cũng không đi qua con sông này nhưng khi nghe ông Dũng khánh thành cây cầu cũng lặn lội về chia vui với bà con. Ông nói: “Đây là ý tưởng nhân đạo, thiết thực trong cuộc sống đời thường. Việc làm của anh Dũng tạo điều kiện cho bà con đi làm đồng thuận lợi, bảo đảm tính mạng cho người dân. Dù không phải là người dân ở đây nhưng tôi cũng vui lây”.
Nói về cây cầu do ông Dũng tự thiết kế và tự làm, Chủ tịch xã Đại An, ông Huỳnh Sáu nói: "Trước đây, người dân các thôn trong xã đi làm ruộng bên kia sông rất nguy hiểm và vất vả. Xã đã nhiều lần gởi kiến nghị lên huyện để làm cầu cho người dân đi nhưng chưa được duyệt vì nguồn vốn rất khó khăn. Do đó, việc anh Dũng tự bỏ tiền ra để làm cầu phao cho người dân đi làm ruộng là một việc làm đáng được trân trọng".
Ông Lê Tất Dũng đứng trên cây cầu phao của mình vừa được khánh thành
Cây cầu phao bắc qua sông Vu Gia (đoạn chảy qua hai xã Đại An và Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam) do ông Lê Tất Dũng tự thiết kế và bỏ tiền dành mấy chục năm nay làm. Cầu có chiều dài 78m, rộng 2m, tải trọng 750kg. Vật tư làm cầu gồm 146 thùng phuy, 20 m3 bê tông đổ 2 trụ neo, 1,8 tấn sắt, 4m3 gỗ để làm ván lót mặt cầu, 300m dây cáp, 200kg sắt và một tời để kéo cho ghe thuyền lưu thông. Tổng kinh phí khoảng 300 triệu đồng. |
Công Bính