Quảng Nam:
Tiền dành dụm mấy chục năm đem làm cầu cho dân đi
(Dân trí) - “Vì thấy người dân đi làm đồng vất vả qua cầu tre nguy hiểm nên tôi lấy số tiền để dành mấy chục năm của mình ra làm cầu để người dân đi cho an toàn”.
Đó là tâm sự của người đã dành hết tiền của và công sức làm cây cầu phục vụ người dân quê mình.
Sau hơn hai tháng thi công, sáng 21/12, chiếc cầu phao với gần 150 thùng phuy, mặt cầu là ván gỗ đã được đua qua bên kia sông Vu Gia để hàng ngàn người dân hai xã Đại An và Đại Cường (huyện Đại Lộc) cùng hàng trăm em học sinh đi lại cho an toàn.
Quệt mồ hôi trên khuôn mặt rám nắng, ông Lê Tất Dũng (48 tuổi, trú thôn Phú Lộc, xã Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam) - chủ nhân của cây cầu - tâm sự: “Làm được cây cầu cho bà con đi, tôi vui cái bụng lắm chú à. Dù chưa hoàn chỉnh nhưng từ nay người dân ở các thôn xung quanh đây đi làm đồng và học sinh đến trường không phải qua cầu tre hay đi đò nữa”.
Đoạn sông Vu Gia cắt ngang các thôn 4, 8, Nghĩa Nam, Phú Lộc của hai xã Đại An và Đại Cường của huyện Đại Lộc với hàng ngàn dân qua lại mỗi ngày. Cây cầu với tổng chiều dài 78m, chiều rộng mặt cầu là 2m và trọng tải 750kg. Đây là cây cầu thay cho cây cầu tre tạm bợ có từ hơn 10 năm nay với bao hiểm họa rập rình.
Ông Dũng cũng tâm sự: "Số tiền để dành đã làm hết cầu, còn đường dẫn và hai mố cầu tốn khoảng 100 triệu nữa tôi đang vay mượn để làm tiếp. Nếu có ai hỗ trợ thì tốt quá".
Khi được hỏi ông có định thu phí của người dân qua lại không, ông Dũng nói: "Tôi chưa nghĩ đến chuyện lấy tiền của người dân để lấy lại số tiền đã làm cầu. Tôi chỉ nghĩ làm cầu cho bà con đi cho an toàn thôi!".
Ông Ngô Văn Năm (48 tuổi, nông dân thôn Nghĩa Nam, xã Đại An) cũng phấn khởi không kém: "Nông dân chúng tôi từ bên này sông qua bên kia làm đồng vất vả lắm. Lúc trước có cầu bằng tre nhưng đi thì sợ bị té, gánh phân với giống qua lúc nào cũng sợ lọt sông. Giờ có cây cầu này rồi thì chở phân và giống đi vô tư".
Về việc ông Dũng làm cầu cho dân đi, Phó Chủ tịch UBND xã Đại An (huyện Đại Lộc), ông Đỗ Văn Hòa nói: “Chủ trương của xã thống nhất để ông Dũng làm cầu vì đất sản xuất của xã trên 30ha nằm bên kia sông. Bao nhiêu năm nay người dân đi làm qua cầu hay ghe rất nguy hiểm, nếu có cầu để người dân đi thì tốt hơn”.
Hỏi UBND xã có ủng hộ tiền để hỗ trợ ông Dũng làm cầu không? Ông Hòa cho biết: Nếu có hỗ trợ gì cho ông Dũng thì xã phải họp thường trực ủy ban mới thống nhất được.
Công Bính