An Giang:
Lão nông 19 năm miệt mài sưu tầm bộ tem về Hoàng Sa, Trường Sa
(Dân trí) - Năm 1988, bộ tem về Hoàng Sa, Trường Sa được phát hành và nông dân Trần Hữu Huệ cất công sưu tầm từng con tem, cất giữ cẩn thận. Tính đến nay, ông Huệ đã sở hữu 200 con tem quý về Hoàng Sa, Trường Sa và ông mong được giới thiệu bộ tem này ra thế giới.
Học lớp 6 đã mê tem…
Từ lâu ông Trần Hữu Huệ (thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, An Giang) được giới chơi tem phong danh hiệu “vua tem miền Tây”, bởi ông Huệ sở hữu nhiều bộ tem quý hiếm, như bộ tem ngành bưu chính, bộ tem cải cách ruộng đất, bộ tem về Trường Sa, Hoàng Sa...
Để có nhiều bộ tem giá trị như vậy, ông Huệ chơi tem từ hồi học lớp 6. Hồi đó cậu bé Huệ chẳng hiểu sao mình say mê những hình vẽ trên con tem đến nỗi phải ra sức tranh giành quyết liệt với bạn mỗi khi gặp một con tem ưng ý. Ông Huệ kể, mỗi khi đi học, ông thường đi sớm để ghé qua UBND xã rồi lân la đến văn phòng trường, bưu điện… xin tem.
Đến khi đi bộ đội, ông Huệ bắt đầu viết thư cho bạn bè, gia đình và mỗi lần nhận thư hồi âm ông đều cất giữ phong bì cẩn thận. Ngoài ra, để bổ sung cho kho tem của mình, ông Huệ còn tranh thủ xin tem của đồng đội, sẵn sàng nhịn ăn sáng để mua tem từ bạn bè chơi tem…
Sau năm 1975, ông Huệ xuất ngũ về lập gia đình và sống bằng nghề nông từ đó cho đến nay. Mặc dù suốt ngày đầu tắt mặt tối với ruộng đồng nhưng thú chơi tem trong ông không bao giờ tắt. Ông viết thư trao đổi tem với giới chơi tem và mỗi khi thu hoạch lúa, ông bán cả chục giạ lúa, bắt xe lên Sài Gòn mua tem.
Nhờ đó, hiện nay ông sở hữu nhiều bộ tem quý hiếm như: bộ tem cải cách ruộng đất, bộ tem kèm bì thư thể hiện lời hiệu triệu nhân dân cả nước chống lãng phí của Bác Hồ, bộ tem về Hoàng Sa, Trường Sa…
Đặc biệt, trong bộ tem 80 trang với chủ đề Lịch sử ngành Bưu điện Việt Nam 1954-1961, ông Huệ đoạt huy chương bạc tại triển lãm tem châu Á tổ chức ở Thái Lan vì có những con tem rất quý. Quý nhất là tem sự vụ in hình Hồ Chủ tịch, nhiều người hỏi mua giá 3.000 USD nhưng chủ nhân chưa đồng ý bán. Những con tem quý khác có giá 600 - 2.000 USD liên quan đến cải cách ruộng đất, triển lãm tiểu thủ công nghiệp năm 1958...
Mong đưa bộ tem về Hoàng Sa, Trường Sa ra thế giới
Dành cả cuộc đời để sưu tầm tem, ông Trần Hữu Huệ có rất nhiều con tem quý và có giá trị lịch sử; trong đó có hai bộ tem "Đội Hoàng Sa thế kỷ XVII – XVIII" cùng "Hoàng Sa và Trường Sa trong các bản đồ cổ", do họa sĩ Trần Lương thiết kế được in 2 màu vào đầu năm 1988 tại Xí nghiệp in tem Bưu Điện.
Theo ông Huệ, ông mất 19 năm mới có 200 mẫu tem về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy hai mẫu tem này không quá đắt tiền nhưng lại rất quý về mặt ý nghĩa lịch sử bởi đây là bộ tem thể hiện đầy đủ về chủ quyền biển đảo của Việt Nam và đã được Liên minh Bưu chính thế giới công nhận.
Trong đó, mẫu tem "Đội Hoàng Sa thế kỷ XVII – XVIII", có mệnh giá 10 đồng in hình chiếc thuyền buồm căng gió biển và người lính "Đội Hoàng Sa" lực lượng, tay cầm chèo, đánh bắt thủy hải sản, tay cầm tù và liên lạc với nhau trên các đảo.
Còn mẫu tem "Hoàng Sa và Trường Sa" mệnh giá 100 đồng với tựa đề “Hoàng Sa và Trường Sa trong các bản đồ cổ" thể hiện hình bản đồ đất nước Việt Nam cùng với vùng biển, đảo và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; góc phải thân tem in cận cảnh 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng dòng chữ “Đại Nam nhất thống toàn đồ” do Phan Huy Chú vẽ, chú thích vào thời vua Minh Mạng 1838.
Với niềm đam mê của mình, qua đó góp phần tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh về chủ quyền biển đảo Việt Nam ra bạn bè trong và ngoài nước, ông Huệ đã nhen nhóm ý tưởng độc đáo thực hiện chuyên đề: “Thế giới công nhận Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam qua con tem bưu chính” để triển lãm.
Với ý tưởng đó, ông Huệ đã gửi 100 bức thư tay trình bày nội dung thực hiện chuyên đề, dán tem Hoàng Sa – Trường Sa lên bìa thư rồi gửi cho bạn bè, đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới, sau đó nhờ họ gửi lại cho ông bì thư thực gửi đã được đóng dấu nhật ấn, qua đó khẳng định chủ quyền của 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Một bì thư ông gửi đi cho đến lúc nhận được phản hồi mất cả tháng, có khi cả năm trời, nhưng ông không nản lòng.
Để hoàn thành bộ sưu tập chuyên đề “Thế giới công nhận Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam qua con tem bưu chính”, ông Huệ cần có 78 bì thư thực gửi có đóng dấu nhật ấn từ các quốc gia trên thế giới. Tính đến nay ông đã nhận được 53 bức bì thư như vậy.
Lão nông với những ý tưởng, việc làm ý nghĩa, đáng quý, không mệt mỏi để thực hiện bằng được việc làm ý nghĩa của một người dân yêu nước.
“Cùng với thời gian con tem không chỉ mang giá trị kỷ niệm mà còn mang một thông điệp lịch sử, là bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền thiêng liêng không thể chối bỏ của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, ông Huệ chia sẻ về việc làm của mình.
Ông Hoàng Anh Thi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (TPHCM) từng nhận xét: Đối với tem liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuy 2 mẫu này không đắt tiền nhưng lại rất giá trị về mặt ý nghĩa. Đến thời điểm này, đây là bộ tem duy nhất thể hiện đầy đủ về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Ông Huệ xứng đáng được gọi là "vua tem miền Tây".
Nguyễn Hành