Lao động Việt Nam bị giết tại Nhật Bản: Bao giờ mới đưa được con về!
(Dân trí) - Những ngày qua, căn nhà của gia đình ông Đường Văn Khanh (SN 1961) và bà Trần Thị Chảnh (SN 1961) ở xã Hà Lâm, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa luôn chìm trong không khí tang thương, đau đớn sau cái chết của anh Đường Văn Chiến khi đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản.
Vợ chồng ông Khanh có hai người con, anh Đường Văn Chiến (SN 1986) là con trai đầu và cô con gái út là Đường Thị Tuyết (SN 1992) đã lập gia đình và ở xa quê. Ngày còn nhỏ, ông Khanh không may bị tai nạn dẫn đến liệt nửa người, ông không làm được việc gì nặng nhọc giúp vợ con.
Ngồi bên cạnh, nghe nhắc đến con trai mình, bà Chảnh nức nở: “Có thằng con trai đầu giờ không may nó lại bị tai nạn như thế, khổ thân nó quá”.
Theo gia đình cho biết, anh Chiến đi lao động xuất khẩu sang Nhật Bản vào những ngày cận Tết Bính Thân vừa qua. Mấy ngày qua, sau khi đọc thông tin trên báo và mẹ vợ của anh Chiến báo về, gia đình mới biết anh bị giết.
Hiện tại, vợ anh Chiến là chị Ngô Thị Châm cũng đang đi lao động ở Cộng hòa Síp mới được khoảng 2 tháng. Nghe tin chồng bị nạn, chị Châm cũng đang trên đường về.
Sau khi nhận được hung tin, gia đình anh Chiến đã tìm đến công ty đưa người đi xuất khẩu lao động để hỏi rõ sự việc. Theo gia đình, hiện tại công ty chưa trả lời được chi tiết diễn biến vụ việc.
“Gia đình có nguyện vọng trước hết là nhanh chóng làm rõ việc đúng sai. Gia đình cũng bàn phương án đưa một người sang bên đó, nhưng trước khi cháu đi vay mượn toàn phần, nên giờ đi kinh phí rất khó khăn, vay mượn nữa không được. Tất cả mọi thủ tục gia đình mong công ty giúp đỡ”, ông Khanh cho biết.
Đến thời điểm này, theo gia đình nắm bắt được thông tin từ những người lao động làm cùng với anh Chiến, thời điểm xảy ra vụ việc, có một lao động người Việt tổ chức liên hoan để về nước. Trong cuộc liên hoan có xảy ra mâu thuẫn. Anh Chiến vào can ngăn thì xảy ra vụ việc. Sau đó anh Chiến được bạn bè đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên không qua khỏi.
Anh Chiến mất đi để lại 2 con nhỏ là cháu Đường Khánh Ngọc (8 tuổi) và cháu Đường Nhất Anh (4 tuổi). Các cháu ngây thơ, chưa hiểu hết nỗi đau mất cha, khiến người lớn càng thêm đau lòng thương xót.
“Gia đình cũng có hỏi công ty khi nào cháu được về, tuy nhiên công ty cho biết vẫn phải chờ cơ quan chức năng bên kia kết luận và vẫn phải chờ”, ông Khanh buồn bã cho biết.
Bà Chảnh nói trong nước mắt: “Ở nhà vợ chồng tôi chỉ làm ruộng, có vài sào thôi, thu thì ít mà chi thì nhiều. Trông vào các con, giờ cháu lại rứa rồi... Các chú làm nhanh đi cho con tôi về với!”.
Duy Tuyên