1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Lao động nước ngoài vào chủ yếu bằng đường du lịch”

(Dân trí) - Lao động nước ngoài chủ yếu vào Việt Nam bằng con đường du lịch và chưa thực hiện đúng quy định pháp luật về lao động. Nhưng lao động phổ thông chúng ta không cần, chỉ nên mời công nhân kỹ thuật, chuyên gia và phải đăng ký cấp phép đúng quy định…

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về vấn đề quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Lao động “nhập khẩu” - 2 thực tế, 1 giải pháp

Vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội có nêu yêu cầu Chính phủ có đánh giá cụ thể, toàn diện về tình trạng lao động nước ngoài, đặc biệt là khối lao động phổ thông tại Việt Nam. Bộ trưởng đánh giá thế nào về việc này, với tư cách đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, việc làm?

Việc đánh giá này Chính phủ đã chỉ đạo rồi. Tình trạng lao động nước ngoài có mặt tại Việt Nam là điều có thực. Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, nhất là các địa phương phải nắm tình hình rất cụ thể và báo cáo. Hiện nay số lượng bao nhiêu, mấy ngàn người thì còn phải để tổng hợp giữa các địa phương, chúng tôi đang tiếp tục theo dõi.
“Lao động nước ngoài vào chủ yếu bằng đường du lịch” - 1
Bộ trưởng Kim Ngân: "Chúng ta chỉ nên mời công nhân kỹ thuật, chuyên gia vào và phải đăng ký theo đúng quy định của pháp luật" (Ảnh: PT).
 
Nhưng rõ ràng những người này sang Việt Nam lao động, trước hết là bằng con đường đi du lịch chứ chưa ai cấp phép cho họ sang kiếm việc làm. Còn người lao động nước ngoài vào theo luật của chúng ta, thời hạn làm việc bao lâu thì phải xin phép. Họ đi để làm việc ở những dự án do nhà thầu nước ngoài trúng thầu tại Việt Nam. Đó lại là thực tế khác.

Vấn đề nhiều người băn khoăn ở đây là trong lúc tình hình suy thoái, khủng hoảng thế này, lao động trong nước thì mất việc làm trong khi lao động nước ngoài lại tràn lan ở các công trình?

Nếu nói thế này thì cũng phải thấy chúng ta cũng đang đưa người Việt Nam ra nước ngoài làm việc. Trong điều kiện mở cửa và hội nhập không thể nói chúng tôi chỉ đưa người Việt Nam ra nước ngoài mà không cho ai vào làm việc. Vấn đề là chúng ta đi cũng phải đúng pháp luật và người khác vào đây cũng phải đúng pháp luật chứ làm sao nói đóng cửa, không cho ai vào được.

Theo báo cáo của Chính phủ về dự án Bô-xit ở Tây Nguyên 2 ngày trước, trên công trường, số lượng công nhân Trung Quốc là 600 người, “áp đảo” số công nhân Việt Nam 350 người. Tỷ lệ này có hợp lý?

Nói chung lao động nước ngoài chủ yếu vào Việt Nam bằng con đường du lịch và chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật về lao động. Việc của chúng ta là làm thế nào để cho phép họ vào đúng luật nhưng lao động phổ thông thì không cần, chúng ta chỉ mời công nhân kỹ thuật, chuyên gia vào và phải đăng ký theo đúng quy định của pháp luật và được cấp giấy phép lao động tại Việt Nam.

Nếu nhận trách nhiệm, Bộ không cấp phép… nhập khẩu lao động

Vậy Bộ LĐ-TB&XH đã có hướng nào kiểm soát, hạn chế việc“nhập khẩu” nhân lực không đúng luật như này, thưa Bộ trưởng?

Trong thời điểm hội nhập thì chúng ta không thể nói là khép cửa, tránh không cho bất cứ người nào vào làm việc tại Việt Nam mà những người đó phải vào và làm việc theo pháp luật của Việt Nam. Ví dụ như ở trình độ nào, công trình nào thì cần cỡ kỹ sư hay công nhân tay nghề trở lên mới được nhận. Còn nếu chỉ làm việc trên 3 tháng là phải xin phép. Phải nói các quy định của chúng ta khá là chặt chẽ nhưng khi đi vào tổ chức thực hiện, ở tại từng công trình, từng địa phương thì việc nắm tình hình lại không kịp thời.

Nhưng rõ ràng giai đoạn vừa qua, chúng ta đã buông lỏng quản lý mảng lao động nước ngoài?

Nói thế cũng không phải. Quản lý lao động nước ngoài, khối Bộ Lao động đúng là có chức năng quản lý nhà nước nhưng Bộ không cấp phép cho ai vào Việt Nam cả phải là cơ quan xuất nhập cảnh. Kể cả người nước ngoài gốc Việt muốn về nước thì cũng phải được cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cho phép. Khi người ta vào với mục đích gì đều được ghi lại, đi du lịch, thăm thân… Nhưng khi vào rồi người ta lại đi làm việc.

Khi đó, thứ nhất, địa phương, nơi có những công trình dự án đầu tư, thứ 2 là chủ đầu tư phải lập tức thống kê báo cáo cho chính quyền biết đã sử dụng bao nhiêu người cũng như báo cáo cho cơ quan lao động địa phương biết để cấp giấy phép lao động. Nhưng trong lúc thực hiện, có nơi này nơi nọ, công trình này công trình khác cũng như người lao động chưa tuân thủ hết quy định.

Hiện các địa phương, bộ ngành quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, Bộ Lao động là cơ quan nhà nước quản lý về lao động, chính quyền địa phương và những đơn vị, doanh nghiệp có công trình do nhà thầu nước ngoài trúng thầu là phải hiệp đồng để nắm được con số như nào và trong số đó có bao nhiêu thuộc diện phải xin phép để quản lý theo đúng luật Việt Nam.

Như vậy, bà cho rằng trách nhiệm thuộc chủ sử dụng lao động chứ không phải cơ quan quản lý nhà nước về lao động?

Trách nhiệm là thuộc về các cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương. Nói trách nhiệm quản lý lĩnh vực này thuộc Bộ LĐ-TB&XH không sai nhưng rõ ràng khi phân tích ra thì trách nhiệm của từng cơ quan ở mức độ nào thì phải được đặt ra một cách rất khách quan thì mới có thể tìm được khâu nào cần sửa.

Nếu chúng tôi nhận trách nhiệm đó là của mình thì sẽ không bao giờ cấp phép cho lao động vào mà không đăng ký với tôi. Thành ra nếu đã nhận thì phải nhận cho hết, cho đủ trách nhiệm. Nói nhà nước nhận trách nhiệm về quản lý lao động thì phải rõ nhà nước là ai, ở trung ương là Bộ nào, cơ quan nào, ở địa phương là cấp chính quyền nào. Cũng cần quy định rõ ràng giá trị dự án cỡ nào thì phải báo cáo chính quyền cấp tỉnh hay chỉ là cấp huyện thôi.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

P.Thảo