1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Lao động nghèo vui mừng vì bến phà trở lại

(Dân trí) - Từ nay người lao động nghèo ở Bình Minh (Vĩnh Long) qua Cần Thơ mưu sinh không còn cảnh hồi hộp lo sợ mỗi khi qua sông Hậu bằng những chiếc “đò chui” không phép, không an toàn nữa.

Gian nan những ngày đi “đò chui”

Ngồi trên chiếc đò có tải trọng 120 tấn của ông Huỳnh Quang Thoại (bến Cần Thơ) để qua sông Hậu, nhiều chị em phụ nữ đi bán dạo (rau, trái cây, vé số, ..) vui mừng thi nhau kể lại những tháng ngày vất vả và nguy hiểm mỗi khi qua sông Hậu bằng “đò chui” nhỏ xíu.

Chị Thanh Tiền - ở khu vực 1, Cái Vồn, Bình Minh kể: “Tui đã qua chợ Cần Thơ bán rau gần cả chục năm nay rồi. Mối mang nhiều lắm nên làm sao bỏ được. Bởi vậy khi phà Cần Thơ ngưng hoạt động, muốn qua Cần Thơ phải đi đường vòng hơn 20 km, nhưng xe cộ đâu mà đi. Còn đi xe ôm thì tốn mất 40.000 đồng/lượt. Với sạp rau nhỏ của tui thì bán cả ngày trời chỉ đủ tiền trả xe ôm. Nên để đảm bảo chút tiền lời đong gạo ăn tui phải chọn đò dọc để qua sông.”
 
Lao động nghèo vui mừng vì bến phà trở lại - 1
Buổi sáng chen chân xuống đò dọc để qua sông Hậu

Nhiều chị em trên phà cho biết: đa số những người đi đò dọc (bằng vỏ lãi) qua sông Hậu  là chị em phụ nữ, ít ai biết bơi. Nên mỗi lần ra giữa sông là bắt đầu lo sợ. Nhất là những hôm gặp gió lớn, sóng to, chị em cứ nháo nhào lên càng làm chiếc đò lắc lư. Những lúc như vậy chỉ biết cầu trời khấn phật cho đò cập bến an toàn.

Bác Đỗ Thanh Tâm (60 tuổi) - ở thị trấn Bình Minh, huyện Bình Minh qua Cần Thơ bán vé số dạo kể: “Tui già rồi nên làm sao đạp xe lên cầu Cần Thơ nổi. Lúc đó cũng nằm không xơi nước cả tháng trời. Vừa nghe có tuyến xe buýt đi Bình Minh - Vĩnh Long, tui mừng lắm. Nhưng mấy ngày đầu không biết giờ xe chạy, tui ra trễ. Xe chạy mất tiêu, đành đợi xe khác. Qua đến Cần Thơ thì nửa trưa rồi, buôn bán gì được nữa! Cuối cùng thấy có đò dọc qua sông Hậu, vừa rẻ, lại nhanh, làm liều đi đại chứ nói thật cũng sợ lắm!”.
Lao động nghèo vui mừng vì bến phà trở lại - 2
Chiều nào, những người đi bán dạo (rau cải, vé số, ...) phải ngồi chờ đò 1,2 giờ như thế này mới về đến nhà

Từ khi cầu Cần Thơ chính thức đưa vào hoạt động (24/4/2010) bến phà Hậu Giang ngừng hoạt động. Bà con lao động nghèo vì nhiều lý do (không phương tiện, tuổi già, không tiền,…) nên vẫn chọn cách “đi tắt” qua sông Hậu bằng những chiếc đò dọc 2 không: không phép, không an toàn.

Anh Tùng - một chủ đò dọc ở bến Cần Thơ - cho biết: “Mình biết đưa khách qua sông như vậy là không đúng, nhưng vì miếng cơm và cái tình đối với một số bà con nghèo có nhu cầu qua Cần Thơ mưu sinh nên cũng chạy đại. Hôm nào xui bị công an bắt thì coi như tiền công của 20 chuyến đò chưa đủ nộp phạt”.

Bến đò - chiếc phao cho người lao động nghèo

Trước nhu cầu qua lại sông Hậu quá lớn của bà con hai tỉnh Cần Thơ và Vĩnh Long, lãnh đạo hai tỉnh đã có công văn xin Bộ Giao thông vận tải cho phép 1, 2 chiếc phà tại bến phà Hậu Giang hoạt động trở lại nhưng không được chấp thuận.

Mới đây, nhằm chấm dứt tình trạng “đò chui”, đồng thời cũng đảm bảo an toàn cho người dân qua sông Hậu nên lãnh đạo Sở GTVT Vĩnh Long, Cần Thơ đã đồng ý cho thành lập bến đò Bình Minh, Cần Thơ và chiều ngược lại. Sự ra đời của bến đò được đông đảo người dân hai tỉnh vui mừng và hoan nghênh.
 
Lao động nghèo vui mừng vì bến phà trở lại - 3
Người dân rất vui mừng khi có đò qua sông Hậu an toàn như thế này

Ghi nhận niềm vui của người dân, mới 6 giờ sáng, PV Dân trí đã có mặt tại bến đò (bến Cần Thơ), chứng kiến hàng trăm lượt khách qua lại trên chiếc phà mới có tải trọng 120 tấn, đảm bảo an toàn. Đa số người đi trên phà là công nhân, tiểu thương, sinh viên và nhiều nhất là bà con lao động nghèo từ huyện Bình Minh, Bình Tân (Vĩnh Long) qua Cần Thơ mưu sinh.

Chị Nguyễn Thị Mai - Bình Minh, Vĩnh Long mang hai bao ấu qua Cần Thơ bán - hồ hởi nói: “Có bến phà này tui mừng lắm! Mỗi ngày tiết kiệm được 50.000 đồng. Đi phà vừa an toàn, vừa mất ít thời gian và công sức, bà con tui mừng lắm!”.

Theo chị Mai, trước kia "đi tắt" bằng vỏ lãi qua sông Hậu mỗi bận tốn ít nhất là 10.000 đồng. Tốn tiền là một chuyện nhưng quan trọng nhất là nhiều rủi ro. Hôm nào sóng to không có đò thì đi xe ôm, mỗi bận cũng tốn hết 30.000 đồng.
Lao động nghèo vui mừng vì bến phà trở lại - 4
Những người đi bán dạo như anh Nghĩa, chị Mai rất vui mừng khi bến phà hoạt động trở lại
 
Anh Nghĩa bán vé số dạo phấn khởi: “Có bến đò này, những người lao động nghèo như chúng tôi như gặp được chiếc phao. Lúc trước không có phà, mỗi ngày tui phải còng lưng đạp xe đạp đi về trên 40km (từ Bình Minh qua Cần Thơ), mất gần cả giờ đồng hồ mới qua tới Cần Thơ. Hôm nào bán hết vé số thì về đạp xe lên Cầu Cần Thơ nhẹ tênh. Còn hôm nào tui bán ế thì đi bộ dắt xe thấy cũng mệt!”.

Riêng em Nguyễn Hoàng Trọng Nhân - sinh viên trường ĐH Tây Đô - cho biết: “Cha mẹ thấy em đạp xe cực nhọc đến trường, mỗi ngày đi về gần 40 km nên định vay ngân hàng mua cho em chiếc xe gắn máy. Rất may có bến phà này nên em chỉ cần qua sông rồi đạp khoảng 6 km nữa là tới trường”.

Được biết, tại bến đò ngang Cần Thơ, chiếc đò sắt 120 tấn của ông Huỳnh Quang Thoại đóng theo hình thức phà nhỏ, mỗi chuyến chở được 40 xe gắn máy và khoảng 100 hành khách. Tại bến đò Bình Minh, HTX đò ngang Bình Minh có một chiếc đò ngang trọng tải 80 tấn mỗi chuyến qua sông chở được 50 khách và 20 xe gắn máy. Cứ 30 phút sẽ có một chuyến phà sang sông; hoạt động từ 4 giờ sáng đến 20 giờ tối mỗi ngày.
 
Lao động nghèo vui mừng vì bến phà trở lại - 5
Công tác kiểm tra áo pháo, phao cứu hộ luôn được các chủ phà đặt lên hàng đầu

Giá qua phà mỗi chuyến đối với người đi bộ là 3.000đ; người đi xe đạp 5.000đ; người đi xe gắn máy 7.000đ. Miễn giảm 50% tiền vé cho học sinh, sinh viên; miễn giảm 100% cho bộ đội, công an và cán bộ đi công tác. Riêng người nghèo chủ đò không lấy tiền.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Quang Thoại cho biết: “Bến đò này đã hoạt động được gần ba tháng nay. Ngoài việc tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn giao thông mỗi khi xuất bến thì việc kiểm tra áo phao, phao cứu hộ cho khách chúng tôi luôn đặt lên hàng đầu. Dịp Tết nguyên đán này chúng tôi xin phép cho thêm 1, 2 chiếc phà nữa hoạt động để phục vụ nhu cầu đi lại của bà con nhân dân".
 
Ngô Nguyễn