1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Lao đao với sà lan

(Dân trí) - Từ đầu năm đến nay, hàng trăm hộ kinh doanh sà lan chuyên chở vật liệu xây dựng các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long lao đao bởi công việc làm ăn bị đình trệ, vốn vay ngân hàng lên đến hàng tỉ đồng không thể trả. Nhiều người chỉ có nước cầu mong… trúng số!

Những ngày này, chúng tôi đến huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh), đi tới đâu cũng nghe chuyện người nông dân than thở về sà lan.

 

Tại xã An Thú Tân (huyện Cầu Kè), chúng tôi gặp nhiều hộ dân vay vốn đóng sà lan một thời ăn nên làm nổi, bây giờ đang điêu đứng.
 
Lao đao với sà lan - 1

Bà con đang trình bày nỗi khó khăn với phóng viên

 

Ông Trương Văn Đoàn, một chủ sà lan cho biết: Vào năm 2008, do việc khai thác, chuyên chở cát (nhất là cát từ Cam-phu-chia quá cảnh qua Việt Nam để xuất khẩu sang Singapore) chưa bị cấm, ai có chiếc sà lan chạy cát thì rất nhanh giàu. Chính vì vậy, ngay khi nhà nước có chương trình cho nông dân vay lãi suất ưu đãi để phát triển, chuyển đổi ngành nghề, rất nhiều người dân ở huyện Cầu Kè đã thế chấp tài sản đi vay vốn ngân hàng để đóng sà lan. Thấy nhiều người kinh doanh vận chuyển đá cát làm ăn khấm khá nên ông cũng mạnh dạn mua một chiếc sà lan tải trọng 560 tấn để mong đổi đời.

 

Những ngày đó, công việc trôi chảy, hàng hóa nhiều, giá xăng dầu rẻ, lãi suất ngân hàng cũng khá “mềm” nên mỗi tháng chuyên chở, sau khi trừ chi phí, còn lãi được từ 70-90 triệu đồng. Từ một chiếc, làm ăn khá, ông bán sà lan cũ, thế chấp thêm tài sản tại Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Cầu Kè để vay vốn mua thêm mấy chiếc nữa với giá tổng cộng 9,3 tỉ đồng. Hiện tại ông Đoàn có 3 chiếc sà lan, tải trọng từ 950-1.100 tấn.

 

Từ năm 2008-2010, công việc làm ăn suôn sẻ, ông trả nợ ngân hàng đầy đủ. Thế nhưng từ đầu năm 2011 đến nay, do nguồn cung cấp cát (chủ yếu ở bên Cam-pu-chia) bị thu hẹp, cộng với việc giá dầu tăng gấp đôi, lãi suất ngân hàng cũng tăng cao và mức cạnh tranh lớn nên công việc bị đình trệ, ông kiếm không đủ tiền trả nợ cho ngân hàng.

 

Hiện nay, nguy cơ bị ngân hàng xiết nợ đã cận kề nên ông rất lo lắng mà chưa biết giải pháp nào để tháo gỡ.

 

Cũng như ông Đoàn, ông Phạm Văn Dũng (cùng xã An Phú Tân) đã thế chấp tài sản để mua một chiếc sà lan tải trọng 570 tấn vào năm 2008 với giá trên 3 tỉ đồng. Thời gian đầu làm ăn thuận lợi, nhưng từ đầu năm 2011 đến nay làm ăn khó khăn, nay đang trong tình trạng lâm nợ ngân hàng thuộc diện khó trả…

 

Cũng tại xã An Phú Tân còn có các hộ như Nguyễn Văn Hải thế chấp vay 5,7 tỉ mua sà lan, bà Đinh Thị Nhen thế chấp tài sản vay 3,45 tỉ đồng, bà Lê Thị Kim vay 3,5 tỉ đồng, ông Nguyễn Văn Hào vay trên 7,8 tỉ đồng…

 

Tại xã Tam Ngãi (huyện Cầu Kè), ông Nguyễn Hoàng Khên, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Toàn xã hiện có khoảng 20 sà lan chuyên chở vật liệu cát đá. Những sà lan này đều mua từ vốn vay ngân hàng. Thời gian đầu làm ăn lời nhiều, ai cũng phấn khởi, nhưng gần đây, đi đâu cũng thấy bà con lo lắng trước tình trạng kinh doanh ế ẩm, nợ bị ngân hàng đòi ráo riết…

 

Tại huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) , ông Nguyễn Thành Ân, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Cũng trong xu thế mong đổi đời, thấy nhiều người ở các địa phương khác chạy sà lan kiếm tiền dễ dàng nên nhiều hộ dân ở địa phương thế chấp tài sản vào ngân hàng vay vốn mua hoặc đóng sà lan. Thời gian đầu làm ăn được, có người chạy mỗi tháng lời trên 100 triệu đồng/chiếc nên ai cũng ham, đầu tư mạnh hơn, nhưng từ đầu năm 2011 tới nay làm ăn gặp khó khăn, nhiều người không thể trả nợ ngân hàng được.

 

Ông Nguyễn Văn Liêm, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Chi nhánh Cầu Kè cho biết: Ngân hàng đã cho trên 60 hộ dân ở huyện Cầu Kè vay tiền để đóng sà lan với tổng số tiền khoảng trên 250 tỉ đồng, trung bình mỗi hộ vay 4 tỷ đồng từ thế chấp tài sản. Mấy năm đầu bà con làm ăn thuận lợi, trả nợ đầy đủ, còn mấy tháng nay làm ăn thất bại, thu nhập không đủ đóng lãi, ngân hàng đang đối mặt với món nợ khó đòi.

 

Thực tế, bên cạnh nhiều chủ sà lan lao đao vì món nợ khổng lồ đầu tư mua sà lan chưa trả được, công việc làm ăn không suôn sẻ thì vẫn còn một số hộ cố gắng bươn chải để duy trì hoạt động, tìm cách vượt lên “cơn bão”, như ông Phạm Văn Dũng, ông Trương Văn Đoàn (ở Cầu Kè-Trà Vinh), ông Nguyễn Văn Đâu (Vĩnh Long),… Theo những người này, khó khăn như đã nêu trên là chuyện rất bình thường trong sản xuất kinh doanh, họ xem đó là một rủi ro nghề nghiệp nên dù còn nợ nhưng bà con vẫn cố gắng duy trì hoạt động để “có tiền trang trải chi phí cuộc sống và trả nợ cho ngân hàng được số nào hay số đó”.

 

Ông Phạm Văn Dũng nói: “Khó khăn của chúng tôi là trả nợ gốc cho ngân hàng không đúng thời hạn, chúng tôi cố gắng tìm việc làm để có tiền trả lãi cho ngân hàng chứ không thể ngồi không mang nợ được. Không chở cát xuất khẩu thì chúng tôi tìm nguồn chở cát lấp trong địa phương, miễn sao duy trì được hoạt động”.

 

Hiện nguyện vọng của bà con ở các địa phương là “Được chính quyền địa phương và ngân hàng xem xét cho giãn nợ, khoanh nợ, giảm hoặc miễn lãi suất để chúng tôi yên tâm sản xuất”, bà Đinh Thị Nhen bộc bạch như vậy.

 

Ông Nguyễn Văn Hải tâm sự: “Tôi thế chấp tài sản cho ngân hàng để vay vốn, nay thuộc vào diện nợ khó trả, nếu ngân hàng có thu hồi tài sản để phát mãi thì tôi cũng chịu, chỉ xin đừng thu hồi sà lan là được vì sà lan là cần câu cơm của chúng tôi hiện nay và về sau. Không có đất làm nhà thì cả nhà kéo xuống sà lan ở cũng được chứ thu hồi sà lan coi như chúng tôi trắng tay”.

 

B.D

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm