1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lãnh đạo TPHCM: Quy hoạch để phục vụ người dân, không phải cho chính quyền

Q.Huy

(Dân trí) - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chỉ rõ, việc quy hoạch để nâng cao chất lượng sống của người dân, để người dân thấy có lợi ích và doanh nghiệp thấy đó là cơ hội đầu tư.

Chiều 21/10, UBND thành phố Thủ Đức tổ chức buổi hội thảo góp ý đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040. Sự kiện có sự tham dự của ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cùng lãnh đạo một số địa phương, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước về lĩnh vực quy hoạch.

Phát biểu mở đầu hội nghị, ông Võ Văn Hoan thông tin, hội thảo là một trong những phần việc quan trọng, góp phần hoàn thiện quy hoạch chung của thành phố trong lòng TPHCM. Đây là việc TP Thủ Đức phải hoàn thiện trước khi quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.

Lãnh đạo TPHCM: Quy hoạch để phục vụ người dân, không phải cho chính quyền - 1

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: Q.Huy).

Quy hoạch để tăng chất lượng sống người dân

Ông Võ Văn Hoan đề nghị, các góp ý cho đồ án quy hoạch TP Thủ Đức cần thể hiện được sự phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, các quy hoạch khác mà TPHCM đang triển khai. TP Thủ Đức cần lồng ghép các vấn đề của địa phương này trong tổng thể quy hoạch TPHCM.

Đồ án quy hoạch mới của thành phố cần thể hiện tính kế thừa trong triển khai các mục tiêu, định hướng lớn mà TPHCM đang thực hiện. Thành phố trực thuộc TPHCM cần tiếp tục bám sát mục tiêu trở thành đô thị thông minh, sáng tạo, gắn với quy hoạch tương lai của cả các tỉnh, thành lân cận.

Lãnh đạo TPHCM: Quy hoạch để phục vụ người dân, không phải cho chính quyền - 2

Sự kiện có sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế (Ảnh: Q.Huy).

"TP Thủ Đức là trung tâm lớn của TPHCM và cả khu vực. Nơi đây có nhiều điều kiện thuận lợi như nằm gần sân bay Long Thành, gần cảng biển lớn nhất Việt Nam, có nhiều trường đại học, có khu công nghệ cao. Địa phương này cũng có nhiều thế mạnh trong phát triển giao thông đường bộ, đường hàng không, đường sắt, đường sông trong tương lai", Phó Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá.

Do đó, ông Võ Văn Hoan đề nghị chính quyền TP Thủ Đức cần làm quy hoạch sâu hơn, dài hơn để có hạ tầng đồng bộ trong tương lai. Trong đó, việc kết nối, đồng bộ các loại hình giao thông là điều đặc biệt quan trọng.

Lãnh đạo TPHCM: Quy hoạch để phục vụ người dân, không phải cho chính quyền - 3

TP Thủ Đức có lợi thế phát triển nhiều loại hình giao thông, là cửa ngõ kết nối TPHCM với nhiều tỉnh, thành (Ảnh: Hải Long).

Lãnh đạo UBND TPHCM cũng chỉ rõ, vấn đề của địa phương trước đây là làm quy hoạch rất tốt, rất có tầm nhìn nhưng tính khả thi còn chưa ổn. Do đó, các đồ án quy hoạch sắp tới cần nêu rõ tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn.

"Chúng ta làm quy hoạch để tạo ra giá trị, nâng cao chất lượng sống của mỗi người dân, để người dân thấy có lợi ích trong thực hiện quy hoạch và doanh nghiệp thấy đó là cơ hội để đầu tư. Việc thực hiện quy hoạch không phải cho chính quyền, mà cần làm cho mỗi người dân đều được thụ hưởng trên quy hoạch đó", Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.

Lấy nước làm trung tâm cho quy hoạch

Góp ý cho quy hoạch chung TP Thủ Đức trong tương lai, hầu hết các chuyên gia, nhà khoa học đều đề cập đến vấn đề tiêu thoát nước, giảm ngập úng. Thành phố trực thuộc TPHCM cần tận dụng những đặc điểm, điều kiện tự nhiên vốn có, kết hợp với giải pháp hạ tầng để thích ứng với ngập lụt, biến đổi khí hậu trong tương lai.

Trong bài phát biểu tại hội thảo, chuyên gia quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng, Công ty Tư vấn Quốc tế Encity, dẫn chứng, số điểm ngập và điểm cần theo dõi ngập tại TP Thủ Đức chiếm đa số so với phần còn lại của TPHCM. Với địa hình trũng thấp chiếm hơn 65% tổng diện tích, TP Thủ Đức có nguy cơ ngập nặng khi mực nước sông dâng cao.

Lãnh đạo TPHCM: Quy hoạch để phục vụ người dân, không phải cho chính quyền - 4

Chuyên gia quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng, Công ty Tư vấn Quốc tế Encity (Ảnh: Q.Huy).

Bên cạnh đó, tình hình ngập nước tại TP Thủ Đức có nguy cơ ngày càng nghiêm trọng khi chịu tác động bởi sụt lún địa hình, biến đổi khí hậu, lượng mưa, mực triều ngày càng tăng nhanh. Các đề án chống ngập hiện tại chưa làm rõ các giải pháp toàn diện để kiểm soát ngập cho TP Thủ Đức.

Vị chuyên gia này nêu góp ý, TP Thủ Đức cần phân lớp kiểm soát ngập để phù hợp với tình hình, điều kiện từng nơi nhằm thích ứng và giảm thiểu thiệt hại. Các giải pháp công trình để tạo không gian, kiểm soát ngập và mặn, cùng các hồ điều tiết cần được tính đến.

Chuyên gia Nguyễn Huy Dũng, Công ty Tư vấn kỹ thuật Quốc tế Royal HaskoningDHV, đặt vấn đề, TP Thủ Đức cần lấy nước để làm trung tâm cho việc hình thành quy hoạch. Bởi, toàn bộ Thủ Đức được bao quanh bởi sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và hệ thống kênh, rạch dày đặc.

Lãnh đạo TPHCM: Quy hoạch để phục vụ người dân, không phải cho chính quyền - 5

Các chuyên gia quốc tế quan tâm đến vấn đề chống ngập và phát triển hạ tầng của TP Thủ Đức (Ảnh: Q.Huy).

"Theo tính toán, hiện nay, TP Thủ Đức thiệt hại 53 triệu USD/năm do ngập lụt. Nếu chúng ta không làm gì, thiệt hại mỗi năm mà địa phương phải hứng chịu là 84 triệu USD. Tỷ lệ diện tích bị ngập lụt sẽ tăng từ 31% hiện nay lên 37% vào năm 2050", vị chuyên gia dẫn số liệu.

Ông Nguyễn Huy Dũng đưa ra cách tiếp cận, Thủ Đức cần giảm lượng nước từ khu vực đồi núi, vùng trung du xuống khu vực đồng bằng. Trong đó, các giải pháp thực hiện cần giảm được cả tốc độ và lượng nước để tránh tạo áp lực tiêu, thoát nước cho khu vực trũng, thấp.

Cụ thể, tại vùng thượng nguồn, đồi núi, TP Thủ Đức cần tăng khả năng chứa, thấm nước. Vùng trung du - nằm giữa đồi núi và đồng bằng, TP Thủ Đức cần vừa tăng sức chứa, vừa tăng khả năng thoát nước. Vùng hạ lưu là nơi vừa phải bảo vệ, chống nước tràn vào từ bên ngoài sông, vừa tăng khả năng chứa, thấm và kèm theo những giải pháp thích ứng.