1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Lãnh đạo một số bộ không trúng cử Trung ương khóa mới cũng là điều bình thường”

(Dân trí) - Ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã nói như vậy trong cuộc trao đổi nhanh với Dân trí ngay sau khi danh sách 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII được công bố.

 

Ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương.
Ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương.

 

Ông Vũ Ngọc Hoàng nói: “Dân chủ trong sinh hoạt Đảng, dân chủ ở Đại hội này có những tiến bộ mới so với trước đây. Tôi thấy một sự thống nhất ý chí theo xu hướng đó. Bên cạnh đó, Đại hội vẫn dành sự quan tâm tới vấn đề kế thừa, sự trong sạch của bộ máy và thể hiện sự đổi mới, trẻ hoá rất rõ rệt”.

Trong danh sách Ban chấp hành khóa XII, không có một số Ủy viên Trung ương khóa XI được Ban chấp hành Trung ương khóa XI giới thiệu như bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế, ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng thanh tra Chính phủ... Ông đánh giá thế nào về kết quả này?

Tôi thấy phần lớn giới thiệu của Trung ương đều được Đại hội chấp nhận. Điều đó chứng tỏ công tác chuẩn bị chu đáo, cẩn thận và nó có tính hợp lý. Đối với số đã trúng cử, so giữa các thành viên của Ban chấp hành khóa XI với các thành viên của Ban chấp hành khóa XII, tôi thấy có sự đổi mới về thành phần.

Ông có thể nói cụ thể hơn?

Tôi nghĩ trong Đại hội Đảng, có những việc trúng lại và có những việc không trúng lại là chuyện rất bình thường.

Lãnh đạo các tỉnh hầu hết được tham gia Trung ương khóa XII bởi vì người ta đang lãnh đạo ở một địa phương. Điều này cũng có tính đại diện để đảm bảo lãnh đạo toàn diện của Trung ương, việc hầu hết bí thư các tỉnh hoặc có chỗ là phó bí thư vào Trung ương cũng là sự hợp lý.

Ông vừa nhắc tới sự đổi mới trong Đại hội lần này, trong đó có chi tiết là giới thiệu những người không nằm trong danh sách đề cử của Ban chấp hành khóa cũ. Điều đó cho thấy là Đảng đã mở rộng hơn trong công tác bầu cử. Theo ông, việc này có cần được phát huy hơn và mở rộng hơn nữa?

Tôi nghĩ đây là minh chứng cho sự mở rộng dân chủ vừa nhắc tới. Dân chủ là một vấn đề rất lớn. Và Đảng, trong các nghị quyết, trong các báo cáo gần đây đang chú ý vấn đề đó. Nhất là khi có một Đảng lãnh đạo thì càng giương cao nhất ngọn cờ dân chủ.

Các nguồn thông tin trên báo chí nước ngoài đang đưa ra nhiều bình luận, nhận định về xu hướng phát triển kinh tế Việt Nam sẽ “thân bên này”, “thân  bên kia” tùy theo nhân sự lãnh đạo sau Đại hội này. Ông bình luận gì về điều này?

Tôi tin rằng ban lãnh đạo của Việt Nam sẽ ngày càng đổi mới. Không chỉ đối với chỉ riêng lĩnh vực kinh tế đâu. Đổi mới sẽ đồng bộ và toàn diện trên các lĩnh vực khác nữa.

Trong báo cáo của Trung ương, của đồng chí Tổng Bí thư tại Đại hội, tôi thấy tinh thần quyết tâm đổi mới.

Ngày mai sẽ bầu cử Bộ Chính trị, ngoài danh sách Trung ương giới thiệu trước đó thì Ban chấp hành mới có giới thiệu thêm nhân sự cho Bộ Chính trị không, thưa ông?

Điều này hoàn toàn do Ban chấp hành mới (Ban chấp hành Trung ương khóa XII) giới thiệu, danh sách mà Ban chấp hành cũ giới thiệu chỉ được Ban chấp hành mới tham khảo, nghiên cứu mà thôi. Ban chấp hành mới quyết định danh sách bầu cử sau đó bỏ phiếu, quyết định.

Vậy cách thức thực hiện như thế nào, cách thức bầu ra sao?

Điều đó ngày mai Ban chấp hành mới sẽ quyết định.

Phúc Hưng – Anh Thế (thực hiện)