1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hải Phòng:

Lãnh đạo Hải Phòng nói gì về nghi vấn vụ cưỡng chế đầm tôm?

(Dân trí) - Đề cập nghi vấn về những đối tượng lạ mặt xuất hiện ở đầm tôm của ông Vươn có quan hệ với chính quyền địa phương, ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch Tp Hải Phòng cho biết, sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra vấn đề này.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1887/Vu-cuong-che-dam-tom-gay-nhieu-tranh-cai-tai-Hai-Phong.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Vụ cưỡng chế đầm tôm gây nhiều tranh cãi tại Hải Phòng</b></a>

Sau vụ cưỡng chế đầm nuôi tôm của Đoàn Văn Vươn ngày 5/1/2012, vợ ông Vươn và người dân đã có đơn tố giác đề nghị làm sáng tỏ các nội dung khuất tất liên quan. Hiện UBND TP Hải Phòng đang chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
 
Trong đơn kêu cứu gửi đến báo Dân trí, bà Nguyễn Thị Thương (vợ của Đoàn Văn Vươn - chủ đầm bị cưỡng chế tại huyện Tiên Lãng) cùng em dâu là Phạm Thị Báu (vợ Đoàn Văn Quý) đã có đơn tố giác kèm theo bản chữ ký xác nhận của người dân xã Vinh Quang đề nghị UBND TP Hải Phòng làm sáng tỏ những khuất tất liên quan đến việc ngôi nhà của hai anh em ông Vươn bị hủy hoại nghiêm trọng cùng nhiều tài sản khác.

Trong đơn, bà Thương và bà Báu khẳng định: sau vụ cưỡng chế xảy ra tại khu đầm nuôi trồng thủy sản mà ông Vươn (chồng bà Thương) được UBND huyện Tiên Lãng giao sử dụng đã hết thời hạn, Ban cưỡng chế giải phóng mặt bằng huyện Tiên Lãng đã cho người đập phá các tài sản, hủy hoại nhà cửa của 2 gia đình Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý… rồi giao lại cho công an xã Vinh Quang và một số đối tượng lạ mặt trông coi, canh chừng nghiêm ngặt không cho ai ra vào khu vực đầm 19,3 ha bị cưỡng chế cũng như khu đầm 21 ha chưa có quyết định cưỡng chế của chính quyền địa phương.

Lãnh đạo Hải Phòng nói gì về nghi vấn vụ cưỡng chế đầm tôm? - 1
 
Bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) và Phạm Thị Báu (vợ ông Quý) trong buổi trả lời phỏng vấn PV Đài THVN. (Ảnh: Quốc Đô)

Bà Thương cho biết, ngay sau hôm xảy ra vụ cưỡng chế, gia đình bà ly tán khắp nơi vì không có nhà để ở, hơn nữa những vật dụng sinh hoạt của gia đình trên khu đầm bị cưỡng chế đã bị hủy hoại bao gồm nhà cửa và các tài sản liên quan, có giá trị hơn 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong khu đầm của chồng bà còn có rất nhiều tôm sú, tôm lược, tôm giảo, tép, ước tính lên đến hàng chục tấn và nhiều cây cối, vật dụng sinh hoạt trị giá trên 1 tỷ đồng đã không cánh mà bay sau việc cưỡng chế.

“Sau vụ cưỡng chế, tôi và em dâu (Phạm Thị Báu) đã nhiều lần về khi đầm để tìm kiếm tài sản cũng như xin được tận thu lại nguồn lợi thủy sản của gia đình nhưng đều bị ngăn cản. Cho đến dịp tết nguyên đán vừa qua, chị em tôi cùng các cháu mới được trở lại khu đầm để dựng lều tạm qua ngày vì đơn đề nghị UBND xã cho 2 gia đình chúng tôi xây dựng lại nhà cửa để ở tạm trên khi đất 21 ha chưa có quyết định cưỡng chế của địa phương nhưng không được chấp nhận” - bà Thương phân trần.

Theo nguồn tin mà PV Dân trí có được từ cung cấp của người dân, trước khi diễn ra cuộc cưỡng chế, một số đối tượng giang hồ “số má” trên địa bàn quận Kiến An đã được nhóm giang hồ ở Tiên Lãng điều về khu vực đầm ông Vươn gây thanh thế. Sau khi “vào cuộc”, nhóm đối tượng được trả thù lao hai triệu đồng/người.

Nhiều người dân ở Tiên Lãng khẳng định, các đối tượng lạ mặt và dân anh chị trong giới giang hồ đã xuất hiện tại khu vực đầm nhà ông Vươn vào hôm xảy ra vụ cưỡng chế ngày 5/1/2012.

Trao đổi với PV Dân trí chiều ngày 31/1, ông Đỗ Trung Thoại - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng - cho biết, liên quan đến vụ việc, UBND TP Hải Phòng đã tiếp nhận những phản ánh của thân nhân Đoàn Văn Vươn về việc ngôi nhà không nằm trong diện tích cưỡng chế bị đập phá và đề nghị làm rõ những khuất tất liên quan đến việc thu hồi đất.

Lãnh đạo Hải Phòng nói gì về nghi vấn vụ cưỡng chế đầm tôm? - 2

Lãnh đạo Hải Phòng nói gì về nghi vấn vụ cưỡng chế đầm tôm? - 3
Ngôi nhà cũ và tài sản của gia đình ông Vươn bị phá hủy và gian lều dựng tạm qua ngày của 2 chị em gia đình bà Nguyễn Thị Thương. ( Ảnh: Quốc Đô)

Ông Thoại cho hay, song song với việc vào cuộc làm rõ sự việc của Bộ TN&MT từ ngày 31/1, UBND TP Hải Phòng đang ráo riết và chỉ đạo quyết liệt Sở TN&MT cùng các sở ban ngành liên quan vào cuộc, sớm làm rõ những khuất tất báo cáo về UBND TP để có hướng xử lý.

Trả lời PV Dân trí việc UBND huyện Tiên Lãng cưỡng chế diện tích 19,3 ha đất giao cho ông Vươn rồi giao cho xã quản lý làm mất nguồn lợi thủy sản gồm tôm cá trong các đầm của gia đình ông Vươn, ông Thoại khẳng định việc này đã được UBND TP Hải Phòng giao đơn vị chức năng nhanh chóng rà soát, thống kê kiểm đếm và làm rõ thực hư. Còn việc bỗng nhiên có các đối tượng lạ mặt xuất hiện trước và sau vụ cưỡng chế tại đầm ông Vươn, được cho là đồng hành thân tín với chính quyền địa phương trong quá trình giải quyết sự việc, ông Thoại nói chưa thể khẳng định các đối tượng trên có quan hệ với chính quyền huyện Tiên Lãng bởi UBND huyện phải thực hiện theo các quy định pháp luật ban hành. Tuy nhiên thành phố sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ nghi vấn này, từ đó có hướng xử lý trong thời gian sớm nhất.

“Để sớm làm sáng tỏ những khuất tất liên quan, UBND TP Hải Phòng đã chỉ đạo cơ quan chức năng tổng kiểm tra rà soát lại 3 khâu liên quan đến vụ việc ông Vươn gồm: quá trình giao đất, quá trình tiến hành cưỡng chế thu hồi đất và hậu cưỡng chế. Sau khi tổng kiểm tra, nếu có sai phạm trong khâu nào, với cá nhân hay tập thể nào của UBND huyện Tiên Lãng, UBND TP sẽ có quyết định xử lý cụ thể theo đúng quy định pháp luật” - ông Thoại cho biết.

Khẳng định lại với PV Dân trí trong việc phát ngôn nhà của Đoàn Văn Quý không nằm trong diện tích cưỡng chế bị phá hủy là do người dân bức xúc, ông Thoại phân trần: “Việc một số đối tượng người dân phá hủy ngôi nhà là do UBND huyện Tiên Lãng báo cáo lên chứ không phải là phát ngôn của UBND TP Hải Phòng cũng như cá nhân tôi”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Gần 100 chủ đầm đề nghị được giải quyết

Cùng sự việc, ông Vũ Văn Luân và đại diện các chủ đầm nuôi trồng thủy sản tại huyện Tiên Lãng đã có đơn đề nghị khẩn cấp lên UBND TP Hải Phòng, yêu cầu UBND huyện Tiên Lãng thu hồi lại các quyết định cưỡng chế đối với gần 100 hộ nuôi trồng thủy sản còn lại tại địa phương.

Ông Luân cho rằng, ông và các hộ dân được UBND huyện Tiên Lãng giao đất nuôi trồng thủy sản cùng nằm trong diện bị thu hồi đất vì hết thời hạn thuê như Đoàn Văn Vươn phải được UBND huyện Tiên Lãng tiếp tục thực hiện việc giao đất nuôi trồng thủy sản cho các chủ đầm theo điều 34 Nghị định 181 và  thông tư số 01 ngày 13/4/2005 của Bộ TNMT hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 181 ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai tại mục I điểm 3.2. Các chủ đầm đề nghị UBND TP Hải Phòng sớm giải quyết những khuất tất của UBND huyện Tiên Lãng trong việc thực hiện việc thu hồi đất nuôi trồng thủy sản của gần 100 hộ dân để các chủ đầm sớm ổn định sản xuất, nuôi trồng thủy sản tránh việc khiếu nại - khiếu kiện kéo dài gây ảnh hưởng đển đời sống người dân cũng như tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Thêm 4 văn phòng Luật sư nhận bào chữa cho Đoàn Văn Vươn

Luật sư Nguyễn Duy Minh (VP Luật sư Duy Minh thuộc đoàn luật sư TP HCM) cho biết: tính đến ngày 31/1 đã có thêm 4 công ty Luật, văn phòng luật sư tại phía Bắc (trong đó có 1 công ty Luật của nước ngoài đóng tại Hà Nội) đã liên hệ với gia đình ông Vươn nhận bào chữa miễn phí cho bị can Vươn và những người thân của bị can có liên quan đến vụ chống người thi hành công vụ xảy ra trên khu đầm ông Vươn  vào ngày 05/1.

Ông Minh cho biết thêm, ngoài việc tích cực thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ thì sẽ làm việc với cơ quan điều tra CATP Hải Phòng để nhanh chóng nhận được giấy chứng nhận luật sư bào chữa cho bị cáo và tiếp xúc với ông Vươn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Vươn ngay từ giai đoạn tố tụng.

Quốc Đô