Thanh Hóa:
Làng trồng hoa, cây cảnh rộn ràng ngày cận Tết
(Dân trí) - Dù còn gần 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, nhưng ở làng nghề cây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh xã Hợp Lý (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa), không khí Xuân như đã cận kề.
Những nụ đào đầu tiên đã bung lộc, những gốc quất đã xum xuê, trĩu quả bắt đầu ngả sang màu vàng óng; những vườn ly, vườn cúc đủ sắc màu... như báo hiệu một mùa Tết bội thu đang tới rất gần.
Với người nông dân trồng hoa, cây cảnh ở xã Hợp Lý, Tết là thời điểm cung cấp số lượng cây cảnh lớn nhất ra thị trường và cũng là thời điểm mang lại khoản thu nhập cao nhất trong năm.
Theo những người nhiều năm trong nghề trồng cây cảnh ở đây thì để có đào, quất, hoa, cây cảnh bán trong dịp Tết, người dân nơi đây đã phải lựa chọn từ khâu ươm giống, chăm sóc để hoa, quả không ra sớm và cũng không ra muộn. Những người trồng quất lâu năm quan niệm, quất không cần quả to mà cần chơi đúng dịp và chơi bền, sao cho đúng dịp Tết đến xuân sang, cây quất vừa có hoa, có quả, có lộc. Quất Thanh Hóa nói chung, quất Hợp Lý nói riêng tuy quả không to, nhưng đáp ứng được nhu cầu này của khách nên năm nào cũng vậy, ngoài đào, thì quất Hợp Lý đã tạo thành một thương hiệu rất riêng.
Cả gia đình chị Nguyễn Thị Lai ở thôn 6, xã Hợp Lý đang tất bật cho chăm sóc vườn cây cảnh. Chị Lai cho biết: “Ngoài 600 gốc quất cảnh, gia đình chị còn đầu tư thêm 2 sào đất trồng hoa. Riêng vườn ly, có hơn 3.000 cây sẵn sàng phục vụ thị trường trong dịp tết”. Hiện tại, vườn quất gia đình chị đã được khách đặt gần hết; còn vườn hoa ly, cúc các loại, hoa đồng tiền cũng đã được các thương lái đến hỏi mua. “Trừ chi phí, tết này gia đình chị thu nhập khoảng 120 triệu đồng từ bán quất, hoa” - chị Lai nhẩm tính.
Người dân xã Hợp Lý phấn khởi chăm những vườn quất để phục vụ thị trường Tết nguyên đán
Có quy mô lớn hơn gia đình chị Lai, gia đình anh Trần Văn Đĩnh (xóm 2, xã Hợp Lý) là một trong 10 hộ có nhiều đào, quất nhất xã. Anh Đĩnh vừa chăm sóc vườn đào vừa tất bật với những cuộc điện thoại của những lái buôn, tiếp các thương lái đến tận vườn “đánh” đào.
Anh Đĩnh phấn khởi cho biết: “Năm nay, nhà tôi thuê khoảng 1,5 ha đất để trồng khoảng 2.000 gốc đào và 400 gốc quất thế”.
Theo anh Trần Văn Đĩnh, đây là thời điểm quan trọng nhất nên gia đình anh phải thuê thêm từ 5-6 nhân công để chăm sóc vườn đào, quất. Riêng đào, anh phải thuê thêm 8 - 10 nhân công thời vụ tập trung tỉa lá, lộc non để cây đào nuôi nụ. Tuy thời tiết năm nay không thuận lợi, nắng nhiều, mưa về các tháng cuối nên quất kém rễ, đào bật lộc sớm, nhưng nhờ áp dụng các kỹ thuật chăm bón, đến thời điểm này đào vẫn nở bung, quất vẫn đậu quả đúng độ xuân về. Song song đó anh còn trồng khoảng 5.000 gốc đào mạ (đào giống) để bán cho các hộ dân trong vùng.
Những nụ đào sắp sửa bung hoa
Ngoài đầu tư trồng quất ở Hợp Lý, gia đình anh Đĩnh còn đầu tư trồng thêm quất ở các xã khác của huyện Triệu Sơn như Xuân Thọ, Thọ Tân... Cũng theo anh Đĩnh, không chỉ ở vườn của gia đình anh, mà ở cả các vườn khác, hầu hết các gốc đào, quất đẹp đều đã có chủ, chỉ đợi Tết là họ bật gốc mang về. Còn giá quất tại vườn dao động từ 200.000 đến 1 triệu/gốc quất thế; giá đào 100.000 - 300.000/gốc đào Nhật Tân.
Nắm bắt được thị hiếu của khách hàng, ngoài những loại cây truyền thống (đào, quất cảnh), những năm gần đây người dân xã Hợp Lý đã mạnh dạn đầu tư trồng thêm nhiều loại hoa cao cấp cho giá trị kinh tế cao, như: hoa ly, hoa đồng tiền, các loại hoa cúc, hoa lay ơn...
Ngoài quất và cây cảnh, người dân xã Hợp Lý còn làm thêm cả giống hoa ly để phục vụ Tết
Ông Trần Hữu Hiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn cho biết: “Xã Hợp Lý có gần 700 hộ trồng hoa, cây cảnh trên diện tích trên 80 ha, tập trung ở các thôn 2, 3, 6-7. Phần lớn diện tích đất trồng quất, đào đều được chuyển đổi đất 2 lúa kém hiệu quả.
Theo đánh giá của người dân nơi đây, nghề trồng đào, quất đem lại thu nhập cao hơn rất nhiều so với nghề trồng lúa trước đây. Nhiều vườn ươm, chiết giống hoa, cây cảnh trong xã đạt doanh thu từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng/năm.
Với việc phát triển kinh tế từ cây đào, quất nhiều hộ dân tại xã Hợp Lý đã trở thành triệu phú đào chỉ trong một vài năm trúng vụ. Có thể khẳng định những hiệu quả mà nghề trồng đào, quất mang lại đã giúp cho những gia đình như gia đình chị Lai, anh Đĩnh... vừa phát triển được nghề truyền thống của quê hương, lại vừa có thể làm giàu trên chính quê hương mình”.
Nguyễn Thùy