1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Làng sinh thái hoang tàn!

(Dân trí) - Tháng 2/2005, UBND xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đưa 32 hộ dân lên sinh sống trên vùng cát ở xóm Thuận Đức, gọi là xóm giãn dân. Từ đó đến nay, xóm giãn dân ngày càng hoang vắng, đổ nát, xiêu vẹo cùng gió cát…

Hóa ra người dân dù đã được hỗ trợ tiền xây nhà, ổn định cuộc sống nhưng vẫn bỏ xóm mà đi hoặc trở về làng cũ. Anh Võ Đình Trai, một người dân của xóm giãn dân, bức xúc lý giải: “Chúng tôi chỉ được hỗ trợ mỗi hộ 2 triệu đồng, một giếng bơm và 500m2 đất thổ cư để sinh sống. Nhưng từ đó đến nay, chúng tôi dường như bị “bỏ quên” ở vùng đất hoang này, muốn làm gì thì làm!”.

 

Anh Võ Văn Chiến, một hộ gia đình trẻ ở xóm giãn dân đã bỏ về hơn 2 năm nay, cùng chung nỗi niềm: “Hai vợ chồng tui đã bỏ xóm từ 2 năm nay, anh coi đất đai như rứa mần răng mà sống được! Mùa nắng thì như ở trong lò than, còn mùa mưa thì khu vực này trở thành “túi” chứa nước; không trồng trọt, chăn nuôi được chi cả. Sinh sống ở đây chỉ có nước chết đói thôi...!”.

 

Cũng bỏ xóm giãn dân về như anh Chiến, anh Nguyễn Đăng Bình phụ họa: “Trồng ngô, khoai, sắn thì trâu bò phá hết, còn như nuôi lợn, gà thì con nào cũng chỉ to bằng nắm tay. Nước thì phèn, mùa nắng bốc mùi tanh dữ lắm…”.

 

Làng sinh thái hoang tàn! - 1

Người dân bức xúc: Sống ở một nơi như thế này chỉ còn nước... chết. (Ảnh: H.Giang)

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức San, Phó Chủ tịch xã Hải Vĩnh (phụ trách tổng thể dự án di giãn dân của xã Hải Vĩnh) xác nhận: Chuyện các hộ ở xóm giãn dân bỏ về đã xảy ra từ hơn 2 năm nay, có nhiều người đã bỏ vào miền Nam làm ăn.

 

Tháng 12/2007, UBND xã Hải Vĩnh đã thành lập hội đồng kiểm tra, yêu cầu các hộ dân quay trở lại xóm giãn dân để sinh sống. Hộ nào không quay lại sẽ bị xã tịch thu đất giao cho các hộ khác. Cũng vào cuối năm 2007, UBND xã đã cử gia đình bà Võ Thị Hường, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã theo phương châm “cán bộ đi trước, dân theo sau” nhằm làm gương cho dân. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hộ dân nào quay trở lại.

 

“Chủ trương của chúng tôi là sẽ tiếp tục vận động người dân trở lại sinh sống, đồng thời cố gắng tìm nguồn hỗ trợ về giống cây trồng, gia súc, gia cầm, cử cán bộ hướng dẫn trồng trọt chăn nuôi, chi phí đào hồ nuôi cá… cho các hộ dân. Tuy nhiên việc các hộ dân quay trở lại sinh sống, sản xuất hay không thì chúng tôi cũng chẳng chắc chắn!” - ông San chia sẻ.

 

Hiếu Giang