1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Làng mắm tôm hậu dịch tiêu chảy cấp

(Dân trí) - Một thời gian bị “cấm vận” bởi dịch tiêu chảy cấp, nhiều gia đình làm nghề chế biến mắm tôm ở Thanh Hoá lao đao. Sau khi được “tái xuất”, món ăn đặc sản truyền thống này đã dần khôi phục được “thanh thế”, nhưng người làm nghề vẫn canh cánh mối lo.

Hàng chưa “thông” dù đã hết dịch

 

Chúng tôi về huyện Hậu Lộc những ngày đầu thời tiết đang giao mùa. Nơi đây được ví như “mỏ mắm tôm” của xứ Thanh. Mới đến đầu làng, những cơn gió chuyển mùa đã mang theo hương vị rất đặc trưng của làng.

 

Nghề sản xuất chế biến mắm tôm phát triển mạnh ở các xã thuộc vùng bãi ngang như Hải Thanh, Hải Bình (huyện Tĩnh Gia); Ngư Lộc, Đa Lộc, Hoà Lộc (huyện Hậu Lộc); Hoằng Hải, Hoằng Thanh, Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa). Theo thống kê chưa đầy đủ, bình quân mỗi ngày có vài chục tấn mắm tôm Thanh Hóa được đưa đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

 

Ngoài hàng nghìn hộ sản xuất với hàng vạn nhân khẩu sống “khỏe” nhờ sản xuất mặt hàng này, còn có chừng ấy con người được đảm bảo đời sống nhờ chuyên làm nghề giã moi cung cấp cho các lò mắm.

 

Những ngày cuối năm 2007, khi các phương tiện thông tin đại chúng “ầm ĩ” thông báo mắm tôm là “thủ phạm” chính gây ra dịch tiêu chảy cấp; các cơ quan chức năng ra lệnh cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán, sử dụng mắm tôm; nhiều hộ dân làm mắm ở Hậu Lộc lâm vào cảnh khó khăn.

 

Ngoài việc bị cắt mất nguồn thu chính, họ còn đối diện với khoản nỡ lãi đầu tư cho kinh doanh và một mối hoang mang về “số phận” của làng nghề. Sau gần 2 tháng, “lệnh cấm” được bãi bỏ, bà con “thở phào” và lập tức bắt tay vào sản xuất trở lại. Nhưng do sự lo xa của người tiêu dùng, thị trường mắm tôm vẫn lâm vào cảnh ế ẩm, lượng xuất bán chỉ bằng một phần nhỏ so với trước.

 

Càng lo lắng hơn khi thời gian gần đây, lại lác đác thông tin có người nhập viện vì tiêu chảy cấp.

 

Vượt “cơn bĩ cực” bằng cái tâm của nghề

 

Tại gia đình ông Nguyễn Văn Lâm ở thôn Nam Vượng (Ngư Lộc), hàng chục bể mắm đầy ắp đang được công nhân sơ chế. Ông Lâm cho biết: “Nghề sản xuất, chế biến mắm tôm của gia đình đã có từ lâu. Còn nhỏ tôi đã thấy các cụ làm mắm tôm để bán buôn cho các thương lái ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng... Hiện mỗi năm gia đình tôi chế biến 150 - 200 tấn mắm các loại.

 

Khi mắm tôm bị quy là “thủ phạm” của dịch tiêu chảy cấp, gia đình tôi đã bán đổ bán tháo gần 50 tấn mắm dự trữ, lỗ hơn 20 triệu đồng. Tôi tưởng đã mất nghề gia truyền, nhưng khi mắm tôm được “minh oan”, tôi lại đầu tư dụng cụ, sản xuất nghiêm ngặt theo đúng quy trình an toàn”.

 

Cũng như gia đình ông Lâm, gia đình bà Phạm Thị Tịnh ở thôn Thắng Tây cũng vừa qua đợt lao đao. Khi dịch tiêu chảy cấp đang hành hoành, cơ sở sản xuất của gia đình bà đã bị “bêu” tên trên báo chí.

 

Bà Tịnh cho chúng tôi xem công văn của Sở Thủy sản Thanh Hóa ký ngày 7/11/2007, kèm theo kết quả kiểm tra chỉ tiêu vi sinh gây bệnh qua xét nghiệm 16 mẫu mắm tôm (trong đó có 3 mẫu của gia đình bà) của Trung tâm Chất lượng An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản vùng I. Kết luận ghi: “Tất cả các mẫu mắm qua xét nghiệm đều có chỉ tiêu về vi sinh gây bệnh dưới mức giới hạn cho phép và âm tính”. Bà tin phương thức làm ăn chân thật sẽ giúp gia đình bà qua được giai đoạn khó khăn này.

 

Thực tế cho thấy, Ngư Lộc là một trong những xã chịu tổn thất nặng nề nhất sau “sự kiện mắm tôm”. Thời gian này, tình hình sản xuất và kinh doanh mắm tôm của hàng trăm hộ dân ở các làng ven biển đang từng bước ổn định trở lại. Hàng ngày, đường làng vẫn rộn ràng những chuyến xe chở các loại mắm đều đặn vào Nam, ra Bắc.

 

Ông Nguyễn Trọng Dưỡng, Chủ tịch UBND xã, trao đổi với chúng tôi: Toàn xã có gần 100 hộ làm nghề chế biến và kinh doanh mắm tôm, trong đó có 50 hộ kinh doanh quy mô lớn. Bình quân hàng năm Ngư Lộc cung cấp cho thị trường trên 3.000 tấn mắm các loại, gồm mắm tôm, mắm chua, mắm tép… với doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm.

 

Sự đình đốn của nghề làm mắm tôm thời gian qua đã ảnh hưởng đáng kể đến đời sống của nhiều hộ dân. Ngoài thiệt hại về kinh tế, dịch tiêu chảy cấp còn khiến sản lượng mắm của xã sụt giảm nhiều so với các năm trước vì thời điểm cấm sản xuất, sử dụng mắm tôm trùng với vụ khai thác moi của dân đi “giã”.

 

Xã đã tăng cường công tác tuyên truyền bằng cách phát tờ rơi cho các hộ sản xuất thực hiện đúng quy trình để đảm bảo ATVSTP và cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, từng bước xây dựng thương hiệu “mắm tôm Diêm phố”. “Hy vọng với cách làm này, chúng tôi sẽ nhanh chóng thoát khỏi giai đoạn khó khăn hiện nay”, ông Dưỡng cho biết.

 

Nguyễn Duy - Nguyễn Dũng