1. Dòng sự kiện:
  2. Quốc hội họp bất thường lần thứ 9
  3. Metro số 1 TPHCM

Lao đao làng nghề mắm tôm, nem chua

(Dân trí) - Cùng với nỗi lo đối phó với dịch tiêu chảy cấp ngày càng lan rộng, nhiều hộ sản xuất ở Thanh Hoá đang thắt ruột xót xa khi bị cắt đi nguồn thu nhập chính. Lý do là vì hai loại đặc sản của vùng, là nem chua và mắm tôm, đã bị cấm sử dụng bởi có liên quan đến dịch bệnh.

Tiêu điều làng nghề mắm tôm

 

Nhíu đôi mắt thâm quầng do mất ngủ mấy đêm liền, ông Phạm Đăng Quyền, Phó giám đốc Sở Y tế Thanh Hoá cho biết: “Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có 65 ca mắc tiêu chảy cấp, trong đó có 6 trường hợp cho kết quả dương tính với phẩy khuẩn tả.

 

Dịch bệnh đã đến thời điểm lây lan phức tạp, toàn bộ đội ngũ cán bộ y tế tỉnh được lệnh phải căng sức ngày đêm lo thuốc men, chuẩn bị giường bệnh và phương án điều trị khi dịch lan rộng thêm”.

 

Nguyên nhân gây dịch cũng đã được xác định, chủ yếu do ăn uống mà ra. Ngoài rau sống và nguồn nước, mắm tôm và nem chua - hai loại đặc sản nổi tiếng của Thanh Hóa - ngay lập tức bị “khép tội” là những loại thức ăn có nguy cơ cao, cần loại bỏ trong thực đơn ăn uống hàng ngày của mọi người dân.

 

Thôn Thượng Hải, xã Hải Thanh (huyện Tĩnh Gia) - một trong những nơi có số hộ sản xuất mắm tôm nhiều nhất tỉnh, mấy ngày trước vẫn còn nhộn nhịp xe cộ ra vào nay bỗng vắng vẻ, buồn thiu. Kể từ khi mắm tôm bị “kết tội” là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm, thì loại thực phẩm này đã bị phong toả nghiêm ngặt.

 

Bà Vũ Thị Cảnh, một hộ sản xuất mắm tôm từ nhiều năm nay cho biết: Tất cả các hộ sản xuất trong thôn đều lâm vào cảnh chết đứng vì hàng tấn mắm tôm đã chín mà không thể đưa đi tiêu tiêu thụ. Xe chở hàng ra Hà Nội và các tỉnh khác rồi cũng  phải quay trở lại vì không ai dám nhận.

 

“Toàn bộ vốn liếng chúng tôi đã đổ ra để mua moi làm mắm, nay bị niêm phong chờ xử lý. Từ mấy ngày nay, đã có vài đoàn cán bộ y tế về thôn lấy mẫu đem thử mà có thấy gì đâu. Mắm của chúng tôi có phải là thủ phạm gây ra dịch bệnh đâu vậy mà vẫn bị cấm đoán. Nếu cứ kéo dài tình trạng này ối nhà sạt nghiệp”- bà Cảnh lo lắng.

 

Phó giám đốc Sở Y tế Phạm Đăng Quyền cũng cho biết: Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng của tỉnh đã tiến hành làm xét nghiệm 50 mẫu mắm tôm lấy ở 3 nơi: Tĩnh Gia, Hậu Lộc và TP Thanh Hoá nhưng chưa phát hiện mẫu nào có chưa phẩy khuẩn tả. Ngày 1/11, đoàn thanh tra của Bộ cũng về lấy mẫu Hoằng Hoá và Tĩnh Gia - hai địa phương đang có dịch. Kết quả, các mẫu mắm tôm này cũng không có vi khuẩn gây bệnh. Mắm tôm không phải là thủ phạm. Thậm chí, người ta còn lấy mẫu mắm tôm pha loãng cấy vi khuẩn tả để xem điều kiện phát triển của chúng.

 

Mới đây nhất, các chuyên gia y tế đã đưa ra kết luận khuẩn tả tìm thấy trong rau sống và nước chứ không phải là môi trường mặn như mắm tôm.

 

Dù đã được “minh oan”, nhưng mắm tôm Thanh Hoá vẫn cứ phải chịu thiệt. Hàng trăm tấn mắm đang chờ được tiêu thụ vẫn im lìm dán giấy niêm phong, mà có mang đi bán cũng chẳng ai dám dùng. Muốn được thị trường chấp nhận trở lại, có lẽ những hộ sản xuất mắm tôm ở xứ Thanh phải nhờ đến Bộ Y tế!

 

Nem chua cũng chung số phận

 

Ở Thanh Hoá, không chỉ những hộ sản xuất mắm tôm thắt ruột xót xa vì công ăn việc làm bị đình trệ mà những cơ sở sản xuất nem chua nằm rải rác trên toàn tỉnh cũng chịu chung số phận.

 

Từ nhiều ngày ngày nay, trên toàn bộ hệ thống phát thanh liên tục phát đi những khuyến cáo về dịch bệnh tiêu chảy. Một trong những món ăn được coi là thực phẩm có nguy cơ cao, dễ gây bệnh chính là món nem chua. Tất cả những hộ sản xuất loại thực phẩm này trên địa bàn đã nhận được yêu cầu tạm ngừng sản xuất.

 

Cơ sở Thanh - Hùng (33 Tân An - Phường Ngọc Trạo - TP Thanh Hoá) vài ngày trước nem chua chất đầy nhà, khách mua buôn, mua lẻ nhộn nhịp từ sáng đến tối nay vắng tanh; vài cọc nem tròn, nem dài mắm khuất ở góc nhà, chẳng ai buồn đụng đến.

 

Chị Lê Thị Thanh, chủ cơ sở cho biết: Trước khi có dịch, riêng cửa hàng nhà chị mỗi ngày cũng tiêu thụ ngót nghét 5 nghìn chiếc nem lẻ, cộng với khoảng 7 nghìn chiếc vận chuyển ra Hà Nội, đổ buôn cho các quán nhậu. Vậy mà từ khi phát dịch, sản lượng tiêu thụ sụt giảm thê thảm, mỗi ngày cơ sở chị chỉ sản xuất cầm chừng chưa đến chục cân thịt mà vẫn ế chỏng chơ.

 

Cách cơ sở nhà chị Thanh không xa, cửa hàng chuyên kinh doanh nem chua của hộ gia đình chị Mai Thị Đông cũng rơi vào cảnh tương tự, chị và người nhà đang lặng lẽ dọn hàng mặc dù trời mới về chiều. “Cả ngày nay, ngồi mỏi người mà chỉ bán được vài chục cặp nem chua cho khách quen. Mới mấy ngày trước, hàng lấy về không kịp bán, đến phải đóng cửa hàng hoặc chuyển sang bán cái gì khác nhằm duy trì cuộc sống thôi!”- chị Đông than thở.

 

Nhiều hộ sản xuất nem chua truyền thống cũng cho biết, không chỉ lượng khách mua tại chỗ sụt giảm nhiều, thị trường có sức tiêu thụ rất lớn là Hà Nội cũng đã bị gián đoạn. Hàng chuyển lên cũng bị trả về do ít người dám ăn.

 

Theo BS Hà Đình Nghi, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hoá, kể từ khi phát có dịch tiêu chảy cấp xảy ra, nem chua đã bị nhiều người tẩy chay. Tuy không bị nghiêm cấm gắt gao như mắm tôm, nhưng do nguồn cầu giảm sút nghiêm trọng nên các hộ sản xuất cũng chỉ còn hoạt động  rất cầm chừng, thậm chí có cơ sở tạm chuyển sang làm giò, chả bán nhằm duy trì nguồn thu nhập.

 

P. Thanh