1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Làng điểm chỉ thời @

(Dân trí) - Trong số 534 nhân khẩu ở làng Cao Bình (Hồng Tiến, Kiến Xương, Thái Bình) thì phân nửa mù chữ. Ông chủ tịch xã kể câu chuyện cười ra nước mắt: “Mọi người ở đây điểm chỉ quen đến nỗi ở sổ vay nợ ngân hàng và giấy đăng ký kết hôn cũng toàn... điểm chỉ”.

Lớp học ở “phao số 0”

 

Có lẽ người hiểu về ngôi làng thất học này nhất  là thầy giáo Trần Văn Chương. Năm nay 57 tuổi, ông đã có hàng chục năm gắn bó với ngôi làng này. Thậm chí, hơn 5 năm trời, ông từng thực hiện sống “3 cùng” với người dân nơi đây: cùng ăn, cùng ngủ để... cùng học.

 

Cao Bình là làng chuyên nghề sông nước. Người dân đi sông, đi biển từ tấm bé nên phần lớn không được học hành. Cách đây gần hai chục năm, tình trạng mù chữ cao nhất ở Cao Bình đã trở thành “điểm nóng” của Thái Bình về giáo dục. Chính vì vậy, năm 1990, Phòng giáo dục huyện Kiến Xương cử thày giáo Chương về tổ chức các lớp học xoá mù chữ kiểu bình dân học vụ.

 

Suốt 5 năm trời, ông theo người dân Cao Bình lênh đênh khắp các vùng biển từ Hải Phòng đến Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh, thậm chí ra tận... phao số 0 để giúp người dân xoá mù. Và với chương trình giảng dạy tự soạn, học 3 ca, trong 5 năm đó ông đã cải thiện cơ bản tình hình ở đây.

 

Thày giáo Chương nhớ lại cái thời “hoàng kim” ở Cao Bình và cũng là một thời khó quên với ông: “Tôi tổ chức 3 ca học, sáng dạy các em nhỏ, chiều dạy các cụ già, tối dạy cho lứa thanh niên. Lớp học được mở trên thuyền, sạp được dựng lên làm bảng, cả thày lẫn trò bò lê bò càng vừa dạy vừa học. Có thể nói là “nằm bục” để giảng chứ không phải là đứng bục nữa”.

 

Lăn lộn với người dân, ông nắm rõ từng thói quen của người Cao Bình: “Dường như họ luôn mơ ước được đổi đời bằng nghề  đánh bắt cá. Họ cố câu cho được những con cá thủ vàng, một loại cá quý hiếm, bong bóng dùng để làm chỉ khâu tự hoại trong y tế. Vì thế, lưới của họ là loại có mắt to và phải đi thật xa với thời gian dài, bụng dạ nào nghĩ đến sự học”.

 

Theo lời thày giáo Chương, không phải chính quyền không quan tâm, nhưng do tập quán sinh hoạt của người dân nơi đây nên tình trạng thất học ở làng này rất khó khắc phục. Ông Chương kể: “Chúng tôi phối hợp với chính quyền xã, đưa một số cháu nhỏ lên bờ để trọ học, nhưng rất ít em trụ lại được. Có 1001 lý do để bỏ học. Nhớ bố mẹ: bỏ; không quen dùng nước hồ ao nên đau mắt: bỏ...”.

 

Biết chữ cũng điểm chỉ

 

Ông Đỗ Đức Cảnh, chủ tịch xã Hồng Tiến khẳng định như vậy khi đề cập đến tình trạng dân làng Cao Bình toàn... điểm chỉ khi cần phải ký. Theo lời ông Cảnh, dường như việc điểm chỉ đã trở thành thói quen đối với dân làng Cao Bình. Trong những sổ vay ngân hàng hay những giấy kết hôn thấy toàn... điểm chỉ.

 

“Chúng tôi sẽ không cho những người biết ký... điểm chỉ nữa”, ông Chủ tịch xã khẳng định như vậy và giải thích: “Vì có người dù biết chữ nhưng họ vẫn điểm chỉ, có lẽ họ... lười ký và cũng có thể do thói quen”.

 

Thói quen điểm chỉ của người dân Cao Bình xuất phát từ nguyên nhân người dân không biết chữ. Sau nhiều năm phấn đấu xoá mù, kết quả một cuộc điều tra cách đây 2 tháng mà ông Chủ tịch xã thông báo khiến chúng tôi giật mình. Trong số 534 nhân khẩu của làng thì có gần 47% người mù chữ, độ tuổi mù chữ cao nhất là trên 47 tuổi. Cả làng có 58 người ở độ tuổi này thì chỉ 10 người biết... ê, a. 53/96 người ở độ tuổi từ  27 đến 36 không biết chữ. Thậm chí, số thanh niên đang ở độ tuổi đẹp nhất (từ 20-26 tuổi) cũng có tới... 33 người mù chữ.

 

Ông Cảnh cho biết, xã đã cố gắng vận động nhân dân đi học, tổ chức các lớp bổ túc nhưng lượng người tham gia rất ít, có năm chỉ được... 5 người.

 

Tình trạng mù chữ ở Cao Bình đã để tiếng xấu cho xã Hồng Tiến nói riêng và Thái Bình nói chung. Ông chủ tịch xã cho  biết, để giải quyết triệt để tình trạng mù chữ ở đây, từ năm 2000 xã đã qui hoạch và giải quyết đất ở cho 41/105 hộ dân trong làng. Hiện nay, xã cũng đã xin huyện và tổ chức bốc thăm, bán đất với giá rẻ (5 triệu đồng/100 m2) cho 24 hộ nữa. “Chúng tôi đang cố gắng để hết 2007 sẽ giải quyết cho tất cả dân Cao Bình đều có đất”, ông chủ tịch xã khẳng định.

 

Cái chữ đã nặng hơn con cá

 

Gọi là “làng” Cao Bình nhưng chỉ có vài chục nóc nhà. Hầu hết họ đều sống dưới thuyền. Chúng tôi làm quen với vợ chồng anh  Nguyễn Văn Ơn khi họ đang cùng một số người dân “cơi nới” con thuyền làm bằng bê tông rộng chưa đến 10 m2. Anh Ơn năm nay 27 tuổi, đã lập gia đình và có con trai 3 tuổi, anh cũng thuộc diện “không biết ký”. Anh tâm sự: “Cuộc sống của chúng tôi quá khó khăn, suốt ngày lênh đênh sông nước nên chẳng có điều kiện học hành. Biết là mù chữ sẽ khổ nhưng không biết làm thế nào”.

 

Có lẽ đã thấu nỗi khổ của người không biết chữ nên vợ chồng anh quyết cho con ăn học. Chị Nguyễn Thị Thương, vợ anh Ơn, một trong số ít người dân ở làng này học hết lớp 9 khẳng định chắc nịch: “Bố đã mù chữ rồi nên con không thể mù chữ nữa, vợ chồng em sẽ cho con học đến nơi đến chốn”.

 

Cao Bình là một làng  theo đạo Thiên Chúa. Có lẽ  đã nhận ra tầm quan trọng của “cái chữ” đối với dân làng nên xứ đạo cũng đã tổ chức các lớp học xóa mù cho trẻ em. Cứ đến sáng thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, sơ Nhiên và sơ Lan lại “lên lớp”, dạy chữ cho  những cháu chưa có điều kiện đến trường.

Cho dù hiện tại, Cao Bình vẫn là “điểm nóng” với số người không biết chữ cao chất ngất. Nhưng tôi tin với sự thay đổi nhận thức có sự hỗ trợ của chính quyền và xứ đạo, một ngày gần đây nhất, những ngón tay vốn quen điểm chỉ sẽ cầm bút, chững chạc ký lên giấy những cái tên đẹp đẽ mà cha mẹ đặt.

 

Rời Cao Bình, bài  thánh ca văng vẳng từ nhà thờ đạo do tốp ca nhí của xứ đạo thực hiện như khẳng định sự quyết tâm của chính quyền và người dân xứ đạo này. Rồi đây, con cá sẽ không còn nặng hơn cái chữ được nữa.

 

Đức Hòa