Thanh Hóa:

Làng chép vàng "chạy nước rút" trước giờ ông Táo chầu trời

(Dân trí) – Cận ngày Tết ông Táo, làng Tân Cổ (Quảng Tân, Quảng Xương, Thanh Hóa) lại rộn ràng với người người tấp nập về đây mua cá ông Táo.

Trong làng Tân Cổ nhà nào cũng có ít nhất 1 cáo ao để làm nghề truyền thống nuôi cá chép vàng.
Trong làng Tân Cổ nhà nào cũng có ít nhất 1 cáo ao để làm nghề truyền thống nuôi cá chép vàng.
 
Làng Tân Cổ có một nghề truyền thống tín ngưỡng của người Việt, đó là nghề bán cá ông Công ông Táo. Người dân trong làng này không còn nhớ nổi truyền thống này có từ khi nào chỉ biết đến đời ông bà rồi bố mẹ họ đến họ cũng theo cái nghề ấy. Bởi thế ở làng này hầu hết nhà nào cũng có ao, ít nhất cũng có 1 ao, nhiều tới 3-4 cái ao, ao to, ao nhỏ để nuôi cá giống, đặc biệt là cá ông Công, ông Táo. Làng có 100 hộ với trên 250 nhân khẩu và hầu như 80% là đều làm cái nghề truyền thống này.
 
Năm nào cũng thế, cứ đến cận ngày Tết ông Công ông Táo, làng Tân Cổ lại rộn ràng hẳn lên. Người người ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh tìm đến để mua phương tiện tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời.
 
Cá ông Táo đang được vớt lên để mang đi bán
Cá ông Táo đang được vớt lên để mang đi bán

Người làng Tân Cổ nuôi cá ông Táo không chỉ để kiếm thêm thu nhập mà còn là nét văn hóa tâm linh tín ngưỡng của làng. Nét văn hóa mà theo các cụ cao niên trong làng thì dù cuộc sống có đổi thay, dù thời gian có trôi đi, nghề truyền thống này cũng không thể để mất đi được. Phải giữ nó như lưu giữ “hồn làng”.

Anh Lê Hữu Thuận, một chủ trang trại cá ông Táo cho hay: “Trước đó, từ đời ông bà tôi rồi bố mẹ tôi đều làm nghề này, đến đời chúng tôi cũng vậy, cũng đã mấy chục năm rồi. Gia đình tôi lúc đầu thì tự nuôi rồi bán ra nhưng dần dần cứ đến dịp này chúng tôi lại đi gom ở các hộ gia đình trong làng rồi bán buôn lại cho khách ở ngoại  tỉnh. Khách ở khắp các nơi như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định... đều về đây lấy. Họ mang cả ô tô về chở hàng chục tấn đi”.
 
Một trang trại cá gấp rút kiểm hàng cho ngày buôn bán cuối cùng trước tết ông Công.
Một trang trại cá gấp rút kiểm hàng cho ngày buôn bán cuối cùng trước tết ông Công.
 
Cũng theo ông Thuận thì ngay từ đầu tháng chạp, họ đã đến đặt mua rồi. Năm nào đến ngày cũng “cháy hàng” nên bây giờ họ phải đặt trước hơn nữa đến cận ngày giá cũng tăng vọt lên rất nhiều.

Năm nay, giá cá ông Táo cũng tăng lên đáng kể. Cách đây mấy ngày chỉ khoảng 90.000đ/kg nhưng đến thời điểm này giá cá ông Táo đã lên đến 150.000đ/kg. Mỗi vụ cá cuối năm, các gia đình thu nhập ít nhất cũng cả chục triệu đồng. Nhiều gia đình ở đây giàu lên nhờ nghề này. Những cái Tết ấm no của người dân cũng nhờ vào “ngày ông Công, ông Táo”.

Nguyễn Thùy