1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Làng chài mỏi mòn chờ tái định cư

(Dân trí) - Hàng chục năm nay, hơn 70 hộ dân làng chài (xóm 16, Hưng Long, Hưng Nguyên, Nghệ An) mong ngóng từng ngày được tái định cư. Thế nhưng ước mơ có mảnh đất cằm dùi càng xa vời hơn bao giờ hết dù sông đang “nuốt” làng từng ngày.

Làng chài mỏi mòn chờ tái định cư
Hàng chục năm qua, người dân làng chài xóm 16 xã Hưng Long (Hưng Nguyên, Nghệ An) vẫn chưa thôi ước mơ được lên bờ

Dân “ngụ cư” trái phép

Gần 40 trên tổng số 70 hộ dân thuộc làng chài Nghĩa Sơn (tên cũ của xóm 16 hiện nay) tự trào về cái sự ở của mình như thế. Cái tự trào đắng chát, bất lực của những năm tháng dài mòn mỏi được tái định cư. Với họ, có được một mảnh đất dựng cái nhà con con đặng cho con cháu có chỗ ổn định mà học hành thật khó như lên trời.

Xóm chài này có từ lâu lắm rồi, từ cái thủa người dân chài thấy cái doi đất nhoi ra bên hữu ngạn sông Lam này nên vào cắm sào, dừng thuyền lập làng. Thế mà, trải qua mấy cuộc bể dâu, mấy đời người sống lênh đênh tìm bờ và chết không có nơi chôn cất nhưng đến nay con cháu của họ vẫn chưa có lấy một mảnh đất mà ở. Ước mơ được lên bờ đã cháy từ thế hệ này qua thế hệ khác và đến những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước đã được thổi bùng lên khi Thủ tướng Phan Văn Khải trong một chuyến thăm Nghệ An đã chỉ đạo chính quyền địa phương phải tổ chức tái định cư cho người dân vạn chài sông Lam để họ có nơi sinh sống ổn định. Niềm hy vọng thắp lên rồi cứ lụi dần theo năm tháng.

Làng chài mỏi mòn chờ tái định cư
Ông Lưu Văn Thông - Xóm trưởng xóm 16: "Dân chài chúng tôi chờ cả chục năm nay rồi mà không thấy dự án tái định cư cho mình được triển khai"

Ông Lưu Văn Thông (SN 1954) xóm trưởng xóm 16 chua chát nói: “Hồi đó nghe nói sắp được lên bờ, dân chài mừng lắm. Năm 2003, người ta đến đo đạc đất đai, kẻ vẽ đường đi rồi xây dựng cả hệ thống thoát nước. Làng mới được xây dựng ngay sau làng cũ thôi, nhưng được tôn cao lên 1m để chống ngập úng khi lũ. Ấy là tôi đi đo đạc với người ta, nghe người ta nói rứa”. Rồi ông xóm trưởng cũng như mấy chục hộ dân làng chài cứ sống thấp thỏm với cái dự án tái định cư cho mình. Nhưng hỡi ôi, càng đợi, tái định cư lại chẳng thấy đâu. “Chờ mãi, chờ mãi không thấy dự án tái định cư rục rịch chi cả chúng tôi đi hỏi khắp xã, khắp huyện. Cuộc tiếp xúc cử tri cấp mô chúng tôi cũng chỉ đề đạt mỗi nguyện vọng đó nhưng cũng chẳng thấy ai trả lời cho dân. Vừa rồi, tiếp xúc cử tri HĐND xã, chúng tôi hỏi, họ chẳng dám trả lời nữa, chỉ bảo “dự án chắc khó triển khai”, ông buồn bã nói.

Ông Thông là 1 trong số 30 hộ dân ở làng chài này đã được cấp Giấy CNQSD đất bởi đất của ông do bố mẹ để lại. Đến lượt các con ra riêng thì ông cũng đành chịu. Mảnh đất con con này chẳng thể chia năm xẻ bảy ra để mỗi người một mảnh. 4 người con của ông đứa sống hẳn trên thuyền, đứa đánh liều dựng một căn nhà trên đất trống ven bờ sông. Căn nhà của anh Lưu Văn Linh, con trai ông Thông, như cái hộp diêm, hẹp bề ngang, chỉ đủ kê cái giường. “Mình ở trái phép trên đất Nhà nước, cũng chẳng dám xây dựng nhà cửa chi cả. Xã mời họp lên họp xuống, bắt dỡ mấy lần rồi nhưng dỡ nhà đi thì lại phải xuống thuyền ở. Mình chịu được chứ học hành của con cái thì tính răng. Thôi đành làm lì mà sống. Họ bảo, cuối tháng 8 này không tự dỡ, họ sẽ cho người đến “giúp”.

Không có đất, người dân đánh liều dựng một căn lều dù biết làm thế là vi phạm pháp luật
Không có đất, người dân đánh liều dựng một căn lều dù biết làm thế là vi phạm pháp luật

Dù sao anh Linh vẫn có căn nhà đúng nghĩa mà chui ra chui vào. Còn lại, rất nhiều nhà dân chỉ được quây lại bằng những tấm gỗ tạp, đủ chu ra chui vào. Ông Phan Văn Dương - 67 tuổi cả đời lênh đênh trên sông, giờ cuối đời, con cái lấy chồng hết, hai ông bà già dựng một cái nhà gỗ tạp bé xíu trên bờ sông để ở. “Chắc người ta cũng không nỡ dỡ mất cái nhà của tôi mô cô nhỉ. Hai thân già, sống răng được dưới cái thuyền rách nát đó”. Ông nói thế nhưng ánh mắt thì buồn rười rượi, bởi ông biết, mình đang là “dân ngụ cư trái phép”. Đất Nhà nước, họ có quyền lấy. Nhưng dân chài nghèo như ông lấy mô ra tiền mà mua, mà mua cũng không có đất.

“Họ bảo, cứ dỡ nhà đi, khi mô có dự án tái định cư thì làm sau cũng được. Tui sống gần hết đời người rồi mà chưa thấy cái dự án đó về đây. Không biết có chờ được đến lúc đó không?”, ông lão buông một tiếng thở dài. Tiếng thở dài của con người gắn trọn đời mình với sông nước cứ như rơi vào thinh không, chỉ có tiếng sóng vỗ ì oạp vào bờ trả lời. Mơ được lên bờ nhưng lên bờ làm gì mà sống chính họ cũng chưa biết được. Mấy chục năm qua sống giữa bãi bồi trù phú nhưng họ nào có được một thước đất mà canh tác. “Cứ lên bờ cái đã, ít nhất cũng có cái chỗ ổn định cho con cái học hành. Bố mẹ sống lênh đênh cả đời trên sông nước, cái học cái hành cũng không đến nơi đến chốn, không lẽ đất nước đổi mới rồi, con cái làng chài cũng cứ phải chịu khổ mãi như ri.”, anh Linh thở dài.

Phấp phỏng đợi nước cuốn trôi

Trong khi hàng chục hộ dân chấp nhận vi phạm pháp luật để dựng một căn nhà đủ che mưa che nắng thì đến 10 hộ dân đã được cấp sổ đỏ hẳn hoi cũng đang phấp phỏng trước mùa mưa lũ đang tới gần. Cả một đoạn bờ sông đã bị nước ngoạm vào, lở sát đến bờ dậu nhà ông Nguyễn Văn Hải. Gần đó, nhà ông Nguyễn Đình Trọng và ông Lưu Xuân Cừ cũng đang đứng trước nguy cơ đổ ụp xuống sông khi xói lở đã “ăn” tới vườn. Đợt mưa lũ đầu tiên trong năm, sông bị nắn dòng chảy nên nước lũ vòng qua một đoạn bãi bồi, xói thẳng vào khu dân cư. Đoạn sạt lở dài hơn 500m, có những nơi bị nước xói thành hàm ếch, cao đến gần 3m. 

Không có đất, người dân đánh liều dựng một căn lều dù biết làm thế là vi phạm pháp luật
10 hộ dân làng chài đã được cấp giấy CNQSD đất cũng đang phấp phỏng trước mùa mưa lũ vì nước xói lở cả đoạn bờ sông dài

“Đây mới chỉ cơn lũ nhỏ thôi mà như thế này rồi đấy. Cứ đà ni, vào mùa lũ chắc cả đoạn ni bị bốc xuống sông luôn cô ạ”, ông xóm trưởng ái ngại thay cho các hộ dân. Và có lẽ cũng chẳng ở đâu như ở đây khi cả chục hộ dân chỉ mong tiếp tục sạt lở để được tái định cư vào nơi an toàn hơn. “Có sạt lở thì trên mới thấy chúng tôi khổ mà cho cái dự án tái định cư nhanh nhanh. Không lẽ họ đành lòng để chúng tôi sống trên miệng Hà Bá như ri?”, bà Phan Thị Lộc góp chuyện.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Hồng Sơn - Chủ tịch UBND xã Hưng Long - cho biết: “Trước mắt, chúng tôi đang làm thủ tục quy hoạch đất để di chuyển 3 hộ dân trong vùng sạt lở nguy hiểm vào tái định cư phía trong đê trước mùa mưa bão. 7 hộ còn lại cũng đang có kế hoạch di dời. Việc tái định cư cho 3 hộ dân cũng hết sức khó khăn vì hiện tại quỹ đất của xã cũng không còn”. 

Không có đất, người dân đánh liều dựng một căn lều dù biết làm thế là vi phạm pháp luật
Không có ở đâu như ở đây, người dân mong bờ sông sạt lở sâu hơn để chính quyền sớm tổ chức tái định cư cho mình

Khi nhắc về dự án tái dịnh cư cho người dân làng chài, ông Sơn lắc đầu: “Dự án thì có từ lâu rồi nhưng quyết định đầu tư thì chưa có. Người dân kêu nhiều lắm, xã cũng không biết làm sao ngoài việc kêu lên huyện, lên tỉnh nhưng trên vẫn chưa có câu trả lời cho người dân. Mỗi mùa lũ về, không chỉ người dân ngoài đó lo mà cán bộ xã chúng tôi cũng không thể ngồi yên được. Không có đất để ở, biết dân làm nhà trên đất Nhà nước là sai nhưng xã cũng chỉ phạt hành chính và yêu cầu họ tháo dỡ thôi. Dỡ nhà, dân biết ở vào đâu nên vẫn chưa thể xử lý kiên quyết được”.

Hoàng Lam