1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thừa Thiên - Huế:

Làng bánh in “tiến vua uống trà” vào Tết

(Dân trí) - Cứ vào cuối năm, làng bánh in với hơn 30 hộ ở phường Kim Long, TP Huế lại nhộn nhịp với mùi thơm phức của bánh in đậu xanh, nếp trắng. Món bánh in này có tuổi đời trên mấy trăm năm, xưa kia là bánh dâng vua uống trà dịp Tết.

Theo những người già ở làng này kể lại, bánh in đã có từ đời các vua xưa lắm, cách đây mấy trăm năm. Lúc ấy gần Tết Nguyên đán, bên chén trà nhạt vua bỗng thấy thiếu thiếu thứ gì, sẵn ngay các bô lão làng Kim Long đang đứng gần, vua bèn sai: “Vùng các ngươi vốn sẵn khéo tay, nay ta sai về làm thứ gì đó vừa rẻ lại vừa ngon để ta uống với trà”.

 

Các bô lão về suy nghĩ qua ngày này đến ngày khác, nghĩ ra cách: làng có trồng nhiều đậu xanh, nên kết hợp với đường cát để làm một thứ bánh nhỏ nhắn cho vua ăn mà có đủ chất dinh dưỡng và quan trọng nhất là rẻ. Sau vài tuần chế biến, chiếc bánh đậu xanh xinh xắn có in hình chữ “THỌ” với ý nghĩa chúc vua trường thọ đã ra đời. Vua ăn vào hài lòng, ban thưởng cả làng và ra chỉ phải lưu giữ nghề cho đến muôn đời sau.

 

Cho đến nay, nghề  làm bánh in ở đây đã trải qua mấy trăm năm. Hiện đã có thêm nhiều thứ bánh khác có tên, hình dáng khác nhau nhưng vẫn một hương vị chủ đạo là đậu xanh và đường như: bánh hột sen, bánh tháp, bánh ngũ sắc… Hiện người dân đã kết hợp thêm hương vị mới như nếp: bánh nếp; nếp-dừa-mè: bánh măng; nếp-bột tro-đậu xanh: bánh ít đen…

 

Loại bánh in đậu xanh (xưa nhất), người làm phải qua các công đoạn là đãi đậu - nấu đậu - đánh đậu -giã đậu - in bánh - sấy bánh - gói bánh bằng giấy bóng. Một ngày nếu làm nhiều có thể được 5-10 bao bánh (1 bao bánh có 30 gói bánh; 1 gói bánh có 100 cái bánh in) với trị giá 900 ngàn đồng/bao (trung bình 1 cái bánh 300 đồng).

 

Nay, bánh in thơm nức đậu xanh được thờ trên bàn thờ tổ tiên ngày cũng Tất niên hay để trong các hộp mứt mời bạn ngày tết. Bánh tháp được kết từ hàng trăm bánh in nhỏ dùng thờ Phật. Bánh nếp có khắc hình hoa sen ăn thơm, dẻo thường được đặt trên các bàn cúng tối 30, bánh măng mắc nhất nên đặc biệt được dùng để đãi khách sang, bạn hiền ngày Tết…

 

Tựu chung, tất cả  loại bánh ở làng bánh in Kim Long đều hướng đến ngày Tết, phục vụ việc thờ cúng và đãi khách. Do giá trị rẻ nên được rất nhiều người ưa chuộng. 

 

Mời bạn đọc cùng PV tham quan một vòng làng làm bánh in xưa tại Kim Long, phường Kim Long, TP Huế nhân dịp Xuân về.

 
Làng bánh in “tiến vua uống trà” vào Tết  - 1

Công đoạn đầu tiên là đãi đậu xanh ngon

Làng bánh in “tiến vua uống trà” vào Tết  - 2

Khuôn in bánh có hình chữ THỌ

Làng bánh in “tiến vua uống trà” vào Tết  - 3

In bánh

Làng bánh in “tiến vua uống trà” vào Tết  - 4

Bánh nếp có khắc hình hoa sen tượng trưng cho đạo Phật

Làng bánh in “tiến vua uống trà” vào Tết  - 5

Bánh măng có giá cao làm từ nếp-mè-dừa-đường

Làng bánh in “tiến vua uống trà” vào Tết  - 6

Một ngày một nhân công giỏi có thể làm được 10 xề (đơn vị tính chỗ đặt bánh, 1 xề chứa 500 cái bánh in)

Làng bánh in “tiến vua uống trà” vào Tết  - 7

Gói bánh

Làng bánh in “tiến vua uống trà” vào Tết  - 8

Bánh in đã thành hình

Làng bánh in “tiến vua uống trà” vào Tết  - 9
Gói bánh thành phẩm.
 

Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm