1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Làng “bán gạo, xẻ đất” để chơi… kèn Tây

“Ngồi rách chiếu để học thổi kèn, chơi nhạc”- đó là câu cửa miệng của người dân mỗi khi nhắc đến các “nghệ sĩ” lão nông tri điền chân chất ở làng Báo Đáp (Nam Định). Nhiều gia đình nông dân bán thóc, thậm chí xẻ đất, bán nhà lấy tiền mua nhạc cụ để học.


Làng “bán gạo, xẻ đất” để chơi… kèn Tây - 1

Nhạc sĩ" Điềm cùng bộ sưu tập kèn và những bản nhạc do ông tự sáng tác
 
 

Những lão nông - nghệ sĩ

 

Bước qua cổng làng Báo Đáp cổ kính rêu phong, xã Hồng Quang (huyện Nam Trực, Nam Định), đi trên con đường lát gạch đỏ đã lụi màu vì thời gian, là những người khách mới đến đây, chúng tôi không khỏi lạ lẫm khi nghe đâu đó giữa làng quê ngân lên những nốt nhạc du dương từ những chiếc violon, organ.

 

Không chỉ nổi tiếng với nghề làm đèn ông sao từ bao đời nay, làng Báo Đáp giờ đây còn nổi tiếng với nghề chơi kèn Tây. Điều đáng nói, những “nghệ sĩ” này chính là những lão nông. Ngày thường, họ là những lão nông tri điền thực thụ. Vào những dịp lễ, hội hay những buổi thánh lễ nhà thờ, họ xắn tay áo lên vào chỉ trong nháy mắt, trở thành những nghệ sĩ thổi kèn Tây đầy chuyên nghiệp.

 

“Nhạc sĩ Điềm” - Đội trưởng nhạc kèn Tây làng Báo Đáp, rành các loại nhạc cụ Tây chẳng kém gì một nhạc sĩ thực thụ.

 

Ông kể: "Từ nhỏ tôi đã được Cha xứ ở Báo Đáp chỉ dạy kèn Tam - môn. Biết chơi món này tốn hơi, đuối sức nhưng tôi vẫn kiên trì tập. Đam mê quá nên giờ nhạc đã thành món ăn tinh thần không thể thiếu".

 

Tập dần thành đam mê, chiều nào ông cũng lôi cái xe đạp cọc cạch lên thành phố Nam Định tìm tài liệu, tự mày mò đọc sách dạy nhạc lý ở thư viện.

 

Trong căn nhà của ông Điềm có đầy đủ bộ sưu tập kèn. Ông hồ hởi khoe với chúng tôi hơn 17 bộ kèn Tây, từ chiếc Clarinet, Trumpet, đến Cooc-lê... Có chiếc chỉ nhỏ bằng cái chén, có cái to như cái nia. Ông chơi tất cả đều thuần thục.
 
Làng “bán gạo, xẻ đất” để chơi… kèn Tây - 2

Một lớp học nhạc ở làng Báo Đáp

 

Đặc biệt hơn, là ông Điềm chưa qua bất kì một trường lớp nào về âm nhạc, nhạc cụ, mà chỉ nghiên cứu qua tài liệu, và... nghe lỏm ở các buổi hát thánh ca. Ông còn sáng tác được rất nhiều bản nhạc phục vụ cho các buổi thánh lễ trong Giáo xứ...

 

Cùng thời học “nhạc đất” với ông Điềm còn có ông Phương, ông Phố, ông Suý... Cho đến nay, những người này đều giữ những vị trí chủ chốt trong đội kèn Tây.

 

“Tôi mới nhận chức nhạc trưởng đội kèn Tây của làng thôi, trước đây là ông Phó (Nguyễn Văn Phó), nhưng giờ ông ấy già yếu rồi nên giao cả cho tôi” - ông Điềm tâm sự.

 

Kể từ khi được giao trọng trách “nhạc trưởng”, ông Điềm trở thành “thầy đồ” kèn Tây của làng Báo Đáp. Được mệnh danh là “nghệ sĩ” tài ba nhưng ông vẫn “đói”, vì các lớp dạy nhạc kèn Tây của ông đều miễn phí cho bà con.

 

Học sinh của ông đủ các lứa tuổi, nhỏ thì 5-6 tuổi cho đến các già làng. Lớp học của thầy đồ học đều đặn vào các buổi trong tuần, suốt từ chiều muộn cho đến tối đêm, vì niềm say mê âm nhạc của bà con, ông Điềm không ngại khó, ngại khổ. Tính đến nay, ông Điềm cùng đội nhạc đã duy trì được 4 lớp nhạc.

 

“Ngày mới lập lớp học, dân làng tới học chật kín cả sân vườn, ngồi rách cả chiếu chỉ để học thổi kèn, chơi nhạc... ” nghệ sĩ Điềm cười.

 

Cái tiếng của nghệ sĩ chân đất này vang xa tới mảnh đất cằn Quảng Trị, Quảng Nam... cho tới Bắc Hà - Lào Cai, nhiều người tìm tới tận nhà ông mời ông về dạy cho con em mình.
 
Làng “bán gạo, xẻ đất” để chơi… kèn Tây - 3

Cây đàn piano trị giá 40 triệu đồng mà gia đình anh Dư đã phải bán đất đi để mua

 

“Xẻ đất, dỡ nhà mua... đàn piano” 

 

Năm 2005, “trường nhạc làng” ra đời với 15 học viên, cho tới năm 2008 thì tăng lên 40 viên, cao điểm nhất là những tháng hè, vì thời gian này các em học sinh được nghỉ học nên các lớp học nhạc thường rất đông, tăng theo từng ngày.

 

Tới 70% đàn ông trong làng Báo Đáp biết sử dụng một loại kèn Tây nào đó. Tuy nhiên làng có khoảng 40-60 người là chơi giỏi kèn Tây như những nghệ sĩ, họ được biên chế vào đội kèn Tây do ông Nguyễn Tri Phương làm đội trưởng. Trong số đó, có tới 25 thành viên đội là những học sinh còn đang đi học, tuổi từ 13-16.

 

Với niềm mong ước thỏa mãn niềm đam mê của con cháu, người dân Báo Đáp đã gửi gắm con em mình cho những “nghệ sĩ” như ông Điềm, ông Phó, ông Phương...Ở đây, những "nhạc sĩ" này không chỉ dạy các em kèn Tây, mà còn dạy cả violon, piano, organ, tam thập lục, đàn tranh, đàn nguyệt.

 

Ngày trước, chúng tôi có được dạy bài bản đâu, cứ thấy hay hay thì học, các cụ biết tý nào dạy tý ấy, còn đâu thì tự mày mò”, ông Phó tâm sự. Bây giờ dạy các cháu phải dạy theo quy củ, bài bản, học “nhạc đất” xong mới dạy nhạc cụ, rồi làm quen với các bản nhạc...

 

Các thế hệ dân làng Báo Đáp từ bé đã đam mê âm nhạc nên giờ đây họ không tiếc công, tiếc của cho con em mình đi học. Nhiều gia đình bán thóc, bán gạo đi, thậm chí xẻ đất, bán nhà lấy tiền mua chiếc đàn piano trị giá hàng chục triệu đồng cho con mình học. 
 
Làng “bán gạo, xẻ đất” để chơi… kèn Tây - 4
Một em nhỏ ở làng tỏ ra rất thành thục với loại kèn Tây như thế này

 

"Cách đây gần chục năm, tôi với ông nhà bàn nhau bán mảnh đất sau vườn đi, gom tiền mua lại cái đàn piano với giá gần 40 triệu cho thằng Dư học. Giờ cháu nó đang là giáo viên dạy nhạc ở trường cấp 2 trong xã” - bà Hoan, một người dân trong làng Báo Đáp tự hào kể lại. 

 

Dù cuộc sống của người dân Báo Đáp còn nghèo, nhưng họ vẫn luôn lạc quan yêu đời vì có trong mình tình yêu âm nhạc, yêu lời ca tiếng hát. Dứt đôi tay ra khỏi cái cuốc, cái cày là họ ôm lấy cây đàn, say sưa ngân lên những bản nhạc du dương, êm đềm và thanh bình. Chính điều này làm nên nét độc đáo của một ngôi làng độc nhất vô nhị ở VN - "làng kèn Tây" - như người ngoài vẫn gọi.

 

Theo Vũ Quang- Vũ Hồng 

Bee.net.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm