1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

TPHCM:

Làm việc sáng thứ 7: Sở ngành xin bỏ, thành phố xin giữ

(Dân trí) - Hầu hết các sở, ban ngành, quận huyện tại TPHCM đều cho rằng làm việc sáng thứ 7 không hiệu quả so với chi phí bỏ ra và xin bỏ chủ trương này. Nhưng báo cáo Chính phủ, UBND TP vẫn xin duy trì làm việc vào sáng thứ 7.

Lãng phí nhân lực và vật lực

 

Làm việc sáng thứ 7: Sở ngành xin bỏ, thành phố xin giữ - 1

Thực tế từ các sở, ngành cho thấy làm việc sáng thứ 7 tính hiệu quả không cao.
Theo báo cáo của UBND TPHCM gửi Chính phủ, khoảng 80% cơ quan, đơn vị thuộc TP đang thực hiện tổ chức làm việc sáng thứ bảy đều cho rằng làm việc sáng thứ bảy chưa đạt hiệu quả, gây lãng phí về mặt kinh tế - xã hội so với chi phí phát sinh để vận hành bộ máy.

 

Bình quân chi phí phát sinh cho buổi làm việc sáng thứ bảy tại các đơn vị chiếm khoảng 50 đến 80% mức chi cho ngày làm việc bình thường; trong khi đó, số lượng hồ sơ hành chính nhận giải quyết chỉ đạt khoảng 15%.

 

Cá biệt, có những thủ tục tại các cơ quan thuộc khối TP không nhận được hồ sơ nào từ lúc triển khai làm việc vào sáng thứ bảy đến nay; chẳng hạn như: thủ tục cấp giấy phép lưu hành cho xe quá khổ, quá tải, đào đường, đấu nối cống thoát nước... tại Sở Giao thông Vận tải; thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở và cấp phép xây dựng tại Sở Xây dựng...

 

Thực trạng tại Sở Xây dựng cho thấy: Sở này luôn bố trí khoảng 12 cán bộ phục vụ cho công tác làm việc vào sáng ngày thứ bảy, nhưng chỉ có khoảng 2 - 4 người dân đến giao dịch, có hôm chỉ có 1 người.

 

Để duy trì làm việc sáng thứ 7, Sở Tài nguyên & Môi trường phải bố trí 13 cán bộ, kinh phí phải trả mỗi năm là 88 triệu đồng, nhưng hầu như chẳng nhận hồ sơ nào. Trung tâm Tài nguyên - Môi trường và Đăng ký nhà đất cũng phải bố trí chừng ấy cán bộ, chi gần 177 triệu đồng/năm, nhưng trung bình mỗi ngày chỉ giải quyết 3 hồ sơ.

 

Kết  quả thu thập ý kiến các đơn vị cho thấy: hầu hết đều đề xuất chấm dứt việc tố chức làm việc sáng thứ bảy trên địa bàn TP như hiện nay. Cụ thể: 10/16 sở, ban ngành (62,5%), 17/24 quận - huyện (70,83%), 230/322 phường - xã - thị trấn (71,43%) đề nghị chấm dứt; chỉ khoảng 20% đơn vị đề nghị duy trì.

 

TP: làm việc sáng thứ 7 để tránh tồn đọng

 

Dù kết quả thực tế là kém hiệu quả song trong báo cáo gửi Chính phủ, UBND TPHCM vẫn đề nghị “duy trì thực hiện chế độ làm việc sáng ngày thứ bảy hàng tuần để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn TP cho tổ chức và công dân”.

 

UBND TP thừa nhận là: kết quả làm việc sáng thứ 7 cho thấy hiệu quả không tương xứng với việc tổ chức nhân lực, cơ sở vật chất vì số lượng người dân đến làm thủ tục hành chính rất ít so với ngày thường; Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu giải quyết hồ sơ dù ít hay nhiều cũng phải vận hành gần như toàn bộ bộ máy hoạt động của đơn vị.

 

Nhưng theo UBND TP thì “đặc thù của TPHCM là TP rất đông dân, khối lượng công việc lớn, thời gian qua thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần chưa bảo đảm chất lượng, hiệu quả, còn để xảy ra tình trạng tồn đọng trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức và công dân”. 

 

Do vậy, việc thực hiện làm việc sáng thứ 7 sẽ giảm áp lực phần nào việc quá tải này. Ngoài ra, TP cho rằng: “Quy định cơ quan nhà nước làm việc vào sáng thứ bảy tạo thuận lợi cho người dân về thời gian liên hệ giải quyết thủ tục hành chính khi có nhu cầu”.

 

Việc thực hiện làm việc sáng thứ 7 là do bộ máy công chức hiện có thực hiện, không tăng thêm biên chế. Cho nên, các cán bộ công chức hiện có trở nên quá tải, không thực hiện được quy định nghỉ bù một buổi khác trong tuần do không đủ người, chỉ có thể thực hiện việc trả lương bằng 200% ngày thường.

 

Phải làm thêm sáng thứ 7 mà không được nghỉ bù cũng ảnh hưởng đến quá trình học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ công chức. Trong khi đó, nhiều bộ phận chỉ lên công sở ngồi chơi.

 

Tùng Nguyên