1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Làm việc cả thứ Bảy, công nhân nghỉ hưu muộn hơn công chức… 8 năm!

(Dân trí) - Đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nhận định, cán bộ công chức đã được áp dụng chế độ làm việc 40 giờ, tức 5 ngày/tuần 20 năm nay nhưng người lao động ở khối doanh nghiệp hiện vẫn đang phải làm 48 giờ, tức 6 ngày/tuần. Tính ra, người làm việc ở khu vực doanh nghiệp phải làm thêm 8 năm 4 tháng so với công chức mới được nghỉ hưu.

Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Lê Đình Quảng nêu vấn đề trên tại hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) do UB Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức tại TP.Thanh Hoá, ngày 1/7.

Bất bình đẳng giữa lao động khu vực công và tư

Làm việc cả thứ Bảy, công nhân nghỉ hưu muộn hơn công chức… 8 năm! - 1

Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Lê Đình Quảng phát biểu tại hội thảo 

Nhận xét chung về dự thảo Bộ luật sửa đổi, ông Lê Đình Quảng cho rằng, dù có tới 162 điều được sửa cũng khó tìm thấy những điểm có lợi hơn cho người lao động so với luật hiện hành trong khi nguyên tắc số một cần đảm bảo là phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, bên yếu thế hơn trong quan hệ lao động. Rà soát toàn bộ dự thảo Bộ luật, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chỉ thấy một nội dung là đề xuất mở rộng hơn quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động.

Thời gian qua, khi dự thảo Bộ luật được đưa ra lấy ý kiến tại Quốc hội lần đầu, người lao động còn phản ánh tới Tổng liên đoàn về lo ngại khi chỉ thấy bàn việc tăng giờ làm thêm, tăng tuổi nghỉ hưu.

Không phản ứng mức đề xuất nới trần số giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ lên mức 400 giờ/năm nhưng Phó Trưởng ban Quan hệ lao động của Tổng liên đoàn đề xuất phải duy trì quy định về giới hạn số giờ làm thêm trong tháng. Theo ông Lê Đình Quảng, có thể nới hơn nữa giới hạn làm thêm tối đa 30 giờ/tháng nhưng không nên bỏ trần quy định này để tránh tình trạng sử dụng “vắt sức” người lao động để làm thêm giờ trong một khoảng thời gian dài liên tục.

Ông Quảng nhấn mạnh: “Quy định phải chống được sự lạm dụng chính sách làm thêm, để việc làm thêm đúng với bản chất là nhằm bù đắp sự thiếu hụt lao động đột xuất, nhằm tạo sự linh hoạt, tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các nước… chứ không phải ngày nào cũng tăng ca, tháng nào cũng làm thêm, doanh nghiệp lợi dụng việc tăng giờ làm thêm để trả lương thấp, buộc người lao động không có lựa chọn nào ngoài việc phải “tự nguyện” làm thêm giờ mới có thu nhập để đủ trang trải cuộc sống. Phải nói rõ nhà nước không khuyến khích việc làm thêm”.

Đại diện Tổng liên đoàn lao động cũng đề cập, hiện nay, quy định về giờ làm việc chính thức trong khu vực doanh nghiệp của Việt Nam rất cao (48 giờ, tức 6 ngày làm việc/tuần), nghỉ lễ tết thấp so với các nước. Ông Quảng dẫn chứng, trong khi người Việt làm việc 48 giờ/tuần, nghỉ lễ 10 ngày/năm, nghỉ phép khởi điểm 12 ngày/năm thì Indonesia chỉ làm 40 giờ/tuần, có 20 ngày nghỉ lễ/năm, Hàn Quốc có 17 ngày nghỉ lễ, và 15 ngày nghỉ phép khởi điểm/năm…

Đề xuất giảm giờ làm việc chính thức cho người lao động khu vực doanh nghiệp đã nêu ra từ lâu nhưng không có hồi âm trong khi khu vực công, cán bộ, công chức đã thực hiện việc làm 40 giờ, tương đương 5 ngày/tuần từ hơn 20 năm nay.

“Điều đó cho thấy sự bất bình đẳng không hề nhẹ giữa khu vực công và tư hiện nay. Tính thời gian làm việc cả đời thì một người làm trong khu vực doanh nghiệp sẽ phải làm nhiều hơn 8 năm 4 tháng so với cán bộ, công chức mới được nghỉ hưu. Chúng tôi không mong giảm được xuống mức 40 giờ/tuần như công chức nhưng mong giảm còn 44 giờ/tuần. Điều kiện kinh tế xã hội hiện đã đủ chín để bàn vấn đề này một cách nghiêm túc” – ông Quảng nhận định.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm thường trực UB Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi xác nhận, quan điểm của cơ quan nhà nước luôn là khuyến khích giảm giờ làm cho người lao động nhưng việc này cần tính toán những tác động thực tế.

“Nếu Tổng liên đoàn có những lý lẽ thuyết phục, để cả giới thợ và giới chủ cùng đồng thuận, ban soạn thảo luật sẵn sàng tiếp thu đề xuất này” – ông Lợi nói.

Về tiền lương làm thêm giờ, ông Quảng phân tích, Điều 99 dự thảo Bộ luật giữ nguyên như quy định hiện hành (làm thêm trong ngày thường, tiền lương ít nhất bằng 150%, ngày nghỉ hàng tuần, ít nhất là 200%, ngày nghỉ lễ, tết… ít nhất bằng 300%). Ông Quảng đề nghị quy định chi trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động theo luỹ tiến, ví dụ giờ làm thêm trong ngày thường ít nhất bằng 150% cho 2 giờ làm thêm đầu tiên, 200% cho giờ làm thêm thứ 3, 250% cho giờ làm thêm thứ 4…

Lãnh đạo UB Về các vấn đề xã hội bày tỏ sự tán đồng với quan điểm tính tiền lương làm thêm luỹ tiến theo giờ cho người lao động.

Tự đóng sập cơ hội bằng quy định tăng tiền lương làm thêm?

Làm việc cả thứ Bảy, công nhân nghỉ hưu muộn hơn công chức… 8 năm! - 2

Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi hoạt động tham vấn phục vụ cho quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) sau vòng thảo luận lần đầu tại Quốc hội kỳ họp 7.

Ở hướng phản biện ngược lại, Giám đốc Văn phòng ban đại diện giới sử dụng lao động - VCCI Trần Thị Lan Anh phân tích, chỉ “tính toán” cho người lao động sẽ gây áp lực lớn đối với các doanh nghiệp sử dụng lao động. Thực tế, tới 98% doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực còn rất thấp kém so với doanh nghiệp FDI nhưng lại là khu vực tạo việc làm, sử dụng lao động lớn nhất.

Việt Nam mới gia nhập CPTPP, gần nhất là hoàn thành ký kết EVFTA, những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, rất lớn. Tham gia vào những sân chơi quốc tế này, Việt Nam phải tự tăng tiêu chuẩn về điều kiện lao động lên, nghĩa là tăng chi phí cho doanh nghiệp. Để tận dụng cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn này, người lao động và người sử dụng lao động cùng phải chia sẻ, cân đối hài hoà lợi ích.

“Đừng tự đóng sập ngay cơ hội làm thêm, có thêm việc làm, hợp đồng, đơn hàng, có thêm thu nhập bằng quy định tăng liền lương giờ làm thêm. Thực tế, nếu “ép” quá, phía doanh nghiệp cũng sẽ phát sinh nhiều cách ứng phó, lách luật để phải tăng chi phần này thì lại kéo hụt, bù đắp ở phần khác. Như vậy, thực tế người lao động cũng không được hưởng lợi nhiều hơn” – bà Lan Anh cảnh báo.

Đại diện từ VCCI cho biết, hàng năm, tại các diễn đàn doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp đều đề xuất tăng thời giờ làm thêm tối đa của người lao động thậm chí lên đến 500 giờ/năm chứ không chỉ ở mức tối đa 400 giờ/năm như dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi đưa ra.

Qua khảo sát, theo dõi ở các địa phương, thực tế, một bộ phân không nhỏ người lao động cũng mong muốn được nới rộng khung thoả thuận làm thêm giờ để tạo điều kiện cho họ nâng cao thu nhập.

Theo đánh giá của chuyên gia VCCI, một số điều khoản quy định chi tiết trong dự thảo Bộ luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đã hạn chế những điểm mới, tiến bộ được chủ trương xây dựng. Bà Lan Anh dẫn chứng, quy định tại điểm d, khoản 4 Điều 5 “tiền lương mỗi giờ làm thêm từ 200 giờ đến 400 giờ phải bằng mức tiền lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết” không hợp lý bởi người sử dụng lao động chỉ được phép để người lao động làm thêm trên 200 giờ trong những trường hợp rất “ngặt nghèo”, là những trường hợp bất khả kháng, sự cố khẩn cấp… mà lại quy định tiền lương phải trả khi đó là 400% (mức quy định lương làm thêm giờ trong ngày nghỉ lễ, tết) thì gây khó khăn rất lớn cho người sử dụng lao động.

Về việc tăng tuổi nghỉ hưu, phía VCCI khuyến nghị, nếu có thay đổi thì nên thay đổi ở khối hành chính sự nghiệp trước khối sản xuất bởi đặc thù ngành nghề khác nhau, sức lao động cũng khác nhau. Theo đánh giá điều tra ở khối doanh nghiệp sản xuất, người công nhân đều không muốn kéo dài độ tuổi nghỉ hưu mà muốn giữ nguyên như hiện tại.

P.Thảo