Làm rõ điều kiện khai thác và thẩm quyền cấp phép máy bay không người lái

Hoài Thu

(Dân trí) - Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị làm rõ điều kiện khai thác bay và thẩm quyền cấp phép máy bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; nghiên cứu giao Chính phủ quy định chi tiết.

Tọa đàm "Thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không" được Ủy ban Quốc phòng - An ninh tổ chức ngày 9/8.

Việc quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ được quy định trong Dự thảo Luật Phòng không nhân dân, đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 7 và dự kiến thông qua tại kỳ họp 8 (tháng 10).

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Hải Hưng, tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ đang được sử dụng rộng rãi cho cả mục đích quân sự và dân sự.

Làm rõ điều kiện khai thác và thẩm quyền cấp phép máy bay không người lái - 1

Tọa đàm "Thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không" (Ảnh: Trọng Quỳnh).

Nhấn mạnh nội dung về quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ là nội dung quan trọng của Dự thảo Luật Phòng không nhân dân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị làm rõ khái niệm tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.

Các đại biểu dự tọa đàm nhận định quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ là nội dung khó, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, thẩm quyền và trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do vậy, cần nghiên cứu sâu, thận trọng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Quy định cũng cần có tính dự báo trong xu thế phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ và của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự và cả lĩnh vực dân sự.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị tiếp tục rà soát, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của Dự án Luật Phòng không nhân dân nói chung và về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ nói riêng.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ đã trở nên phổ biến không chỉ trong lĩnh vực dân sự, mà cả trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh.

"Tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ có thể tấn công bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Có phương tiện tàu bay không người lái dân sự được cải hóa, giao nhiệm vụ cho mục đích quân sự", ông Phương nói.

Làm rõ điều kiện khai thác và thẩm quyền cấp phép máy bay không người lái - 2

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Trọng Quỳnh).

Phó Chủ tịch Quốc hội  đề nghị xem xét kỹ các vấn đề liên quan đến cấp phép, đình chỉ chuyến bay, thông báo hoạt động bay… được quy định trong dự thảo luật.

Trong đó, ông đặc biệt lưu ý làm rõ điều kiện khai thác bay và thẩm quyền cấp phép tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; nghiên cứu giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.

Góp ý thêm, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát các hành vi bị nghiêm cấm để quy định trong dự thảo luật, tránh việc "lách luật", giảm thiểu tối đa chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.

Nhận thấy hiện chưa có hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí cho phương tiện bay không người lái, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, đây là vướng mắc đang gặp phải và điều này sẽ rất khó cho việc quản lý Nhà nước.

Vì vấn đề này thuộc trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Phương đề nghị Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.