Làm gì để người Cần Thơ "trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch"
(Dân trí) - "Cần Thơ có kế hoạch xây dựng con người "trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch". Xin Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết cần làm gì để người Cần Thơ được như vậy?", đại biểu nêu câu hỏi.
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 11/12, HĐND TP Cần Thơ đã tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ Phạm Văn Hiểu đề nghị đại biểu HĐND phát huy tinh thần trách nhiệm của mình trước cử tri và nhân dân, bằng tâm huyết và tiếp thu những vấn đề mà cử tri gửi gắm, tích cực tham gia chất vấn để làm rõ và giải quyết những vấn đề bức xúc mà cử tri đặt ra.
"Các đại biểu nêu câu hỏi phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu. Người bị chất vấn trả lời đúng trọng tâm, trọng điểm, không nói dài, vòng vo, không nói quá nhiều về thành tích", ông Phạm Văn Hiểu nhấn mạnh.
Tại buổi chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Dũng - Trưởng ban Đô thị HĐND TP Cần Thơ - nêu việc UBND TP có kế hoạch 61 ngày 17/3/2021, xây dựng con người Cần Thơ "trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch". "Đến nay đã 4 năm thực hiện, xin hỏi bà con cử tri Cần Thơ cần làm gì để được một con người như vậy?", ông Dũng hỏi.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Sở VH-TT&DL Cần Thơ - cho biết, về xây dựng con người Cần Thơ đã có 10 tiêu chuẩn chung.
Ý nghĩa cụm từ "trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch" được ông Tuấn giải thích cụ thể với đại biểu.
Trí tuệ là người có nhận thức sâu sắc, suy xét thấu đáo các vấn đề về tự nhiên, xã hội có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến lĩnh vực chuyên môn, nghề nghiệp và đời sống.
Người Cần Thơ năng động là người có tính linh hoạt, sáng tạo và chủ động, có khả năng cùng cộng đồng góp phần xây dựng và phát triển thành phố văn minh, hiện đại.
Nhân ái là người biết yêu thương, tôn trọng con người, có lòng vị tha, giúp đỡ người gặp khó khăn, hoạn nạn, biết bảo vệ chân lý.
Hào hiệp là người có tinh thần cao thượng, vị tha, dũng cảm, quên mình vì việc nghĩa, hết lòng vì người khác, không toan tính thiệt hơn.
Người Cần Thơ thanh lịch là người có cuộc sống trong sáng, lịch thiệp, ứng xử thân thiện, văn minh phù hợp với thuần phong, mỹ tục, quy ước của cộng đồng.
Sau phần trả lời của Giám đốc Sở VH-TT&DL, chủ tọa kỳ họp hỏi đại biểu Dũng có đồng ý với ông Nguyễn Minh Tuấn không?
Đại biểu Dũng tranh luận lại: "Tôi hỏi đồng chí giám đốc sở, 4 năm nay đã làm được cái gì? Tôi hỏi rất cụ thể, chúng ta cần phải làm gì để người Cần Thơ "trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch"?
Sở đã tuyên truyền, vận động người dân và có những giải pháp cụ thể chưa? Tôi đề nghị Sở VH-TT&DL xây dựng chương trình cụ thể hơn để từ đó đẩy lùi tệ nạn xã hội, sự hung hăng bốc đồng của một số thành phần…".
Sau phần tranh luận của đại biểu Dũng, ông Phạm Văn Hiểu, chủ tọa kỳ họp, đề nghị Giám đốc Sở VH-TT&DL đưa vấn đề này vào nội dung tham mưu của Sở với lãnh đạo UBND TP.
"Tôi biết đây là đề tài khó, nhưng chúng ta phải làm thì sau này mới có kết quả. Bây giờ chúng ta đừng nói kế hoạch số mấy, văn bản số mấy nữa, mà từ bây giờ phải xây dựng chương trình cụ thể. Chúng ta cứ nói đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, vậy ai là người đẩy mạnh? Mình nói thì phải kèm giải pháp", Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ nhấn mạnh.
"Xương sống" có thoái hóa, "mạch máu" có tắc nghẽn không mà kinh tế phát triển chậm?
Đại biểu Dũng cũng nêu câu hỏi với Giám đốc Sở KH&ĐT: Hàng năm chúng ta đều đề ra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; hoạch định đường hướng phát triển kinh tế thế nào, cách làm ra sao để đạt kết quả cao?
Đại biểu Dũng cũng ví von, kế hoạch là "xương sống" và giải pháp thực hiện là "mạch máu". Xin hỏi Giám đốc Sở KH&ĐT, nhiều năm qua "xương sống" của chúng ta có bị thoái hóa chỗ nào không? "Mạch máu" có bị tắc nghẽn không mà kinh tế phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng của vùng.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Dũng, ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở KH&ĐT, cho rằng, cơ quan này đã xây dựng các giải pháp rất cụ thể, căn cứ trên sự chỉ đạo điều hành của lãnh đạo UBND TP. Tuy nhiên quá trình xây dựng kế hoạch không lường trước được các yếu tố gây bất lợi, đột biến và bất ngờ.
Về khách quan, do dịch Covid-19 xảy ra nên cả hệ thống phải cùng chống dịch, từ đó hàng sản xuất ra bị tồn kho, chi phí tăng cao, người lao động thất nghiệp.
Do dịch bệnh, các hoạt động đầu tư, xây dựng hạ tầng đều bị ảnh hưởng, bị giảm tiến độ, thời gian kéo dài, chi phí tăng, dẫn đến các công trình phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội không đạt tiến độ.
Về nguyên nhân chủ quan, ông Tâm nói quá trình triển khai thực hiện đôi khi chưa sát, chưa điều chỉnh kịp thời, hợp lý.
"Việc xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh chưa kịp thời, chưa triệt để cụ thể; công tác kiểm tra xử lý tồn động chưa chặt chẽ...; TP chưa thu hút được các dự án đầu tư lớn", ông Tâm giải thích.
Về chất vấn kinh tế có tăng nhưng chưa xứng tầm, ông Tâm cho rằng, làm kế hoạch và triển khai kế hoạch cũng có những thuận lợi và khó khăn, đặc biệt là các yếu tố khách quan như chiến tranh, dịch bệnh... từ đó chưa đưa ra được kế hoạch ứng phó kịp thời.
Bên cạnh đó, ngoài các vướng mắc phát sinh thì sự chủ động để hoàn thành công việc chưa đạt như mong muốn, dẫn đến tốc độ tăng trưởng chưa đột phá và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Cần Thơ.