DNews

Làm gì để bảo vệ bản thân khi bị tấn công trên đường phố?

An Huy

(Dân trí) - "Khi côn đồ hành hung, người bị gây hấn cần tránh xa tầm tấn công bằng cách bỏ đi, hô hoán mọi người xung quanh can thiệp thay vì lao vào ẩu đả", Đại tá Nguyễn Cảnh Thìn hướng dẫn.

Làm gì để bảo vệ bản thân khi bị tấn công trên đường phố?

Thời gian qua, tại TPHCM và một số tỉnh, thành phố liên tục xảy ra tình trạng người tham gia giao thông xô xát sau va chạm nhẹ trên đường. Nhiều người gây ra vụ việc đã bị cảnh sát khởi tố, bắt tạm giam. Tuy nhiên, các hành vi này chưa giảm, còn liên tục tiếp diễn.

Điển hình, ngày 18/12/2024, ông T. (50 tuổi) nhắc tài xế Quách Minh Nhựt (33 tuổi, ngụ quận 6) đậu xe gây ùn tắc trước Bệnh viện Từ Dũ (quận 1), đã bị tài xế này hành hung; tối 30/12/2024, Lê Văn Hiền (36 tuổi, quê An Giang) đánh dã man ông N.T.B. (SN 1986) sau va chạm giao thông trên đường Mỹ Phước Tân Vạn (Bình Dương) khiến nạn nhân chết não, tử vong .

Để làm rõ nguyên nhân sâu xa dẫn đến các hành vi bạo lực đường phố và nạn nhân cần làm gì để bảo vệ bản thân, phóng viên Dân trí có cuộc trao đổi với Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát Nhân dân.

Đối phó khi bị tấn công

Đại tá Đỗ Cảnh Thìn cho biết, va chạm trên đường dẫn đến xung đột một phần do thái độ của nạn nhân. Thái độ ứng xử rất quan trọng, tất nhiên cũng có thành phần hung hăng, bất chấp tất cả.

Trường hợp như vậy, những người trong cuộc trước hết phải xác định tâm thế giải quyết mâu thuẫn trên cơ sở luật pháp và văn minh. Lời nói, hành vi, cử chỉ, thái độ của họ cũng phải phù hợp.

Làm gì để bảo vệ bản thân khi bị tấn công trên đường phố? - 1

Người đàn ông cầm dao hành hung tài xế shipper trên đường Phạm Hồng Thái, quận 1, ngày 2/1 (Ảnh: Cắt từ clip).

"Thôi được rồi, chuyện này đúng sai thế nào, anh cứ bình tĩnh. Chúng ta có thể thương lượng trên quy định pháp luật, tôi sẵn sàng hợp tác với anh. Nếu giải quyết vấn đề mà xúc phạm nhau sẽ không được", Đại tá Thìn hướng dẫn cách ứng xử khi xảy ra va chạm.

Theo vị chuyên gia, va chạm xe trên đường, một trong hai phía có cái nhìn, câu nói thách thức hoặc thái độ không hợp tác sẽ dễ dẫn đến xung đột. Đầu tiên, mọi người cần có thái độ phù hợp, tránh những gì mang tính kích động, thách thức. Việc cãi nhau, ẩu đả sẽ không giải quyết được vấn đề, nhiều khi để lại hậu quả đáng tiếc cho các bên liên quan.

Mọi người cần có thái độ văn minh, kiềm chế trên cơ sở tôn trọng luật pháp và sự hiểu biết. Trường hợp bị côn đồ hành hung, người dân bảo vệ bản thân bằng cách tránh xa khỏi tầm tấn công đó. Chúng ta có thể bỏ chạy, hô hoán, kêu gọi mọi người xung quanh can thiệp thay vì lao vào ẩu đả.

Trường hợp tự vệ, nạn nhân cũng phải thực hiện, nhưng với tinh thần tìm đường thoát khỏi vòng nguy hiểm, tránh hậu quả. Đồng thời, nạn nhân có thể kêu gọi người xung quanh trợ giúp để bảo vệ bản thân. Sau đó, trên cơ sở hành vi, cơ quan chức năng sẽ xử lý người hành hung.

Thay vì lao vào tranh cãi, đụng chạm, mọi người cần có thái độ mềm mỏng, hợp tác thiện chí trên cơ sở luật pháp, sẽ hạn chế rất nhiều các trường hợp xô xát trên đường phố hiện nay.

Môi trường sống hình thành ý thức

Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm cho biết, nguyên nhân sâu xa các hành vi bạo lực là do nền tảng của sự nhận thức pháp luật, đạo đức, ý thức công dân. Nếu người tham gia giao thông nhận thức được hành vi, tuân thủ quy định pháp luật, trên cơ sở đảm bảo công bằng, sẽ không xảy ra các hành vi bạo lực.

Người dân cần thấy rằng, nếu sử dụng bạo lực giải quyết mâu thuẫn trái quy định pháp luật, đạo đức, xã hội thì phải trả giá bằng xử lý hình sự, hành chính, phạt tiền, bồi thường thiệt hại hoặc vướng vào vòng lao lý.

Hành vi xấu của họ sẽ bị xã hội lên án, tẩy chay. Bản thân họ có thể bị thương, bỏ mạng. Nếu phải đi tù, đồng nghĩa việc tương lai, sự nghiệp, uy tín, danh dự của bản thân và gia đình bị ảnh hưởng.

Làm gì để bảo vệ bản thân khi bị tấn công trên đường phố? - 2

Bà B., nhân viên gác chắn đường sắt bị người phụ nữ hành hung vì không đồng ý mở barie khi tàu lửa chuẩn bị đến (Ảnh: T.B.).

"Sử dụng bạo lực và hành động theo bản năng chỉ làm thỏa mãn tức thời nhu cầu về tâm lý. Nếu anh, chị kiềm chế được hành vi và các vấn đề nảy sinh, sẽ biến những cái bất lợi thành ứng xử có lợi, phù hợp hơn. Các kỹ năng đó nhiều người hiện không có và hành động theo bản năng nhiều hơn. Người dân ý thức được những điều này, rõ ràng trong ứng xử xã hội sẽ văn minh hơn", Đại tá Thìn nói.

Theo vị chuyên gia, áp lực trong cuộc sống đôi khi khiến con người thiếu sự kiềm chế. Chẳng hạn môi trường sống căng thẳng, xung đột, cạnh tranh… dù không phải lý do để bào chữa, rõ ràng tác động dẫn đến hình thành nhận thức, hành vi của họ.

Nếu môi trường sống văn minh, đối xử với nhau có văn hóa, ít cạnh tranh, xung đột… mọi người hiếm khi cư xử với nhau bằng bạo lực.

Vừa qua, cơ quan chức năng vào cuộc xử lý rất tốt những vụ xô xát trên đường phố do va chạm giao thông, dư luận xã hội cũng gây áp lực rất lớn. Tuy nhiên, ông Thìn cho rằng những điều trên vẫn chưa lan tỏa rộng và thật sự nghiêm. Nếu xử lý nghiêm khắc, kịp thời các hành vi vi phạm sẽ lan tỏa tính răn đe, ngăn ngừa nhiều hơn.

Chẳng hạn, khi Nhà nước tăng nặng mức xử phạt vi phạm giao thông, vài năm nữa, người dân sẽ hình thành một ý thức. Đầu tiên, họ sẽ chấp hành luật để tránh thiệt hại bản thân và tạo thói quen đi vào nề nếp.

Làm gì để bảo vệ bản thân khi bị tấn công trên đường phố? - 3

Một phụ nữ bị đánh ghen dã man trên đường ở TP Cần Thơ khuya 1/1 (Ảnh: Cắt từ clip).

Vừa qua cũng xảy ra một số vụ đánh ghen, mọi người chưa hiểu đánh ghen sẽ phá hoại chính cuộc sống của gia đình mình.

Theo thống kê, trên 90% sau các vụ đánh ghen công khai thì hầu hết gia đình tan vỡ, không gì níu kéo được. Bản thân người bị đánh ghen cũng tổn thương suốt đời về tinh thần. Nhiều người vướng vòng lao lý vì tội Làm nhục người khác, Cố ý gây thương tích.

Nếu họ nhận thức giải quyết chuyện tình cảm bằng văn hóa và dân sự thì sẽ đạt hiệu quả cao hơn thay vì sử dụng bạo lực. Phần lớn những vụ đánh ghen đều trả giá rất đắt về hạnh phúc gia đình, tinh thần và pháp luật.

"Những cảnh báo hiện nay chưa đến được nhiều người, đặc biệt đối với những người ít tiếp cận văn hóa, thông tin. Người ta chưa được cảnh báo, họ thấy những hành vi bạo lực rất bình thường. Khi xảy ra xung đột, họ sử dụng bạo lực để giải quyết và trả giá", Đại tá Nguyễn Cảnh Thìn cảnh báo.