1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Làm 10 năm, công nhân kiệt sức

Môi trường lao động ô nhiễm độc hại. Số người mắc bệnh nghề nghiệp ngày càng tăng. Nhiều lao động không được khám sức khỏe định kỳ, không được mua bảo hiểm y tế. Những bữa ăn thiếu dinh dưỡng... đang bào mòn sức khỏe người lao động.

Nói về tình hình sức khỏe người lao động (NLĐ) hiện nay tại TPHCM, bác sĩ  Đỗ Khánh Dương - phó giám đốc Trung tâm Sức khỏe lao động môi trường (TTSKLĐMT) TPHCM  - không giấu được vẻ bức xúc: nhiều công nhân (CN) vào làm việc khi tuổi đời còn rất trẻ, thế nhưng chỉ sau khoảng chục năm phải làm việc trong môi trường không đảm bảo điều kiện vệ sinh lao động (tiếp xúc với hóa chất độc hại, bụi, nóng, ồn, hóa chất, máy móc không phù hợp…),  sức khỏe họ ngày càng cạn kiệt, phải đối mặt với nguy cơ ra khỏi nhà máy.

Theo bác sĩ Khánh Dương, bữa ăn của CN hiện nay cũng không phù hợp, đơn điệu, không đủ dinh dưỡng, thiếu rau xanh và không hợp vệ sinh. CN làm việc mệt quá không ăn được có khi phải bỏ bữa. Và thực trạng ở nhiều công ty, theo bác sĩ Khánh Dương, “thùng nước gạo to lên nhưng CN ngày càng gầy đi”.

Theo TTSKLĐMT TP, hiện nhiều CN vẫn đang phải làm việc trong môi trường không đạt tiêu chuẩn vệ sinh về tiếng ồn, tốc độ gió, nhiệt độ, ánh sáng, bụi… Qua đo kiểm môi trường, có nơi vượt tiêu chuẩn cho phép 27-43%. Về công tác quản lý sức khỏe NLĐ, qua kiểm tra 40 cơ sở sản xuất hóa chất, cao su, nhựa, dệt may, xây dựng, sản xuất giấy, chế biến gỗ… cho thấy còn 50% cơ sở chưa có tổ chức y tế, 77%  không tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho CN, 23% không tổ chức khám sức khỏe định kỳ…

Ngoài ra, qua khám sức khỏe cho 14.894 CN ở 40 cơ sở trong năm 2005, thì số người có sức khỏe loại 4, 5 (yếu và rất yếu) lên đến hơn 24%.

Chưa kể nhiều nơi CN làm việc không có thời gian nghỉ giữa ca. Có nơi được nghỉ ăn cơm nhưng không có chỗ nghỉ ngơi nên phải nằm vật vạ cầu thang, hành lang, thậm chí ngoài bãi cỏ trong khi trời thì nắng, quạt không có… nên không thể lấy lại sức để vào làm tiếp. Thậm chí có nơi cho CN nghỉ giữa ca ngay tại nơi sản xuất nhưng tắt hết quạt, đèn để.. tiết kiệm điện. CN mệt quá, nóng quá cũng không nghỉ được.

Không biết kêu ai!

Tại cuộc họp sơ kết sáu tháng đầu năm 2005 về công tác vệ sinh lao động, TTSKLĐMT thành phố cho rằng hiện nay vấn đề vệ sinh lao động, sức khỏe của NLĐ ở các khu chế xuất, khu công nghiệp gần như bị bỏ quên, không ai kiểm tra, quản lý. Trong khi môi trường lao động của CN ở khu vực này thường là độc hại nhưng sức khỏe CN không ai chăm sóc, bệnh nghề nghiệp cũng không có ai quản lý.

Một phó giám đốc  TTSKLĐMT đã bức xúc lên tiếng tại cuộc họp: “Trước năm 2003, công tác thanh tra vệ sinh lao động do Sở Y tế thành phố chịu trách nhiệm. Khi đi kiểm tra, nếu phát hiện những đơn vị nào cố tình vi phạm về vệ sinh lao động, chúng tôi còn có nơi để báo. Nhưng từ năm 2003 công tác này được giao cho bên lao động - thương binh & xã hội quản lý. Và đến nay, Sở Lao động - thương binh & xã hội thành phố vẫn chưa có biên chế nào cho thanh tra vệ sinh lao động.

Vì vậy, hiện nay dù phát hiện rất nhiều đơn vị cố tình vi phạm nhưng chúng tôi không biết kêu ai. Chúng tôi chỉ đi kiểm tra, nhắc nhở, rồi sau đó là đi phúc tra xem họ làm tới đâu. Rồi thôi, đánh trống bỏ dùi, để đấy. Vì không có quyền nên không có biện pháp chế tài nào cả”.

Chưa kể việc khám sức khỏe cho NLĐ trước khi vào làm việc cũng như khám sức khỏe định kỳ và bệnh nghề nghiệp đã qui định rõ phải là những cơ sở nhà nước từ tuyến quận huyện cho đến trung tâm y tế lao động ngành, tỉnh.

Thế nhưng, thực tế thì cơ sở y tế tư nhân, y tế phường xã cũng “nhảy” vào. Khám xong cũng chẳng thèm báo cho TSKLĐMT - nơi được Sở Y tế giao làm đầu mối quản lý sức khỏe NLĐ. Vì vậy mới xảy ra tình trạng rất nhiều nữ CN thấp bé, nhẹ cân nhưng vẫn phải làm việc trong môi trường lao động nặng nhọc, vận hành những thiết bị máy móc dành cho người châu Âu, tiếp xúc với hóa chất độc hại…

Đề nghị phạt nặng

Theo bác sĩ Khánh Dương, Bộ Y tế cần sớm ban hành tiêu chuẩn sức khỏe ngành nghề. Mỗi ngành nghề được tuyển NLĐ có sức khỏe phù hợp với ngành nghề ấy. Dựa vào việc phân loại sức khỏe, người ta phân công lao động hợp lý hơn.

Cơ quan chức năng khác cũng cần làm việc với nhà cung cấp suất ăn công nghiệp, người sử dụng lao động tổ chức bữa ăn có đủ chất dinh dưỡng cho CN. Nếu CN làm trong môi trường tiếp xúc độc hại phải có đồ bảo hộ riêng, có địa điểm thay đồ trước khi rời khỏi nơi làm việc để giảm bớt nguy cơ quần áo có hóa chất bám vào người CN. Xử phạt nặng những doanh nghiệp cố tình không cải thiện môi trường lao động, không quan tâm đến sức khỏe NLĐ.

Theo Lê Thanh Hà
Tuổi trẻ