“Lách luật” để lấy đất trồng lúa khai thác vàng?
(Dân trí) - Trong khi người dân thôn Khắc Kiệm, xóm Xuyên Sơn (xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên) đang gửi đơn tới bộ ngành liên quan đòi lại ruộng trồng lúa 2 vụ/năm thì HĐND tỉnh Thái Nguyên lại ban hành nghị quyết chuyển đổi đất trồng lúa tại đây sang khai thác mỏ vàng sa khoáng (?!).
Như Dân trí đã phản ánh, nhiều người dân sinh sống tại thôn Khắc Kiệm, xóm Xuyên Sơn (xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên) đã gửi đơn tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị làm rõ việc lấy cả cánh đồng trồng lúa 2 vụ/năm của gần trăm hộ dân, hàng trăm nhân khẩu cấp cho doanh nghiệp khai thác vàng gây bức xúc dư luận địa phương.
Người dân phản ánh, bao năm nay phải gồng mình gánh chịu nước thải gây ô nhiễm từ 8 máng tuyển rửa vàng sa khoáng chạy suốt ngày đêm. Nước thải này chạy thẳng ra suối, ngấm vào ruộng đồng khiến người dân không thể lấy nước trồng cây, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Việc tỉnh Thái Nguyên cấp phép cho Công ty Thăng Long toàn bộ diện tích đất trồng lúa khiến nhiều năm nay nhân dân phải sống trong cảnh phập phồng, bất an chẳng biết khi nào mất ruộng. Gần 10 năm qua cánh đồng lúa Khắc Kiệm được cấp cho doanh nghiệp nhưng không triển khai bồi thường cho người dân.
Khi những kiến nghị trên chưa được xem xét giải quyết thì mới đây (8/12), HĐND tỉnh Thái Nguyên lại ban hành Nghị quyết số 25/NQ-HĐND về việc thông qua kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm 2018 và kế hoạch sử dụng đất năm 2019 trên địa bàn tỉnh, trong đó chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất khai thác khoáng sản của Dự án Mỏ vàng sa khoáng Khắc Kiệm thành công trình, dự án đã được phê duyệt bổ sung, chuyển tiếp trong năm 2018 (tại Phụ lục 01, số thứ tự 306) với diện tích đợt 1 là 10 ha, trong đó đất trồng lúa là 8 ha.
Trong năm 2019 tiếp tục sử dụng 8ha đất trồng lúa (Phụ lục 06, số thứ tự 15) chuyển mục đích sang khai thác mỏ sa khoáng và công trình phụ trợ (Đợt 2).
Như vậy tổng diện tích chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khai thác khoáng sản của Dự án Mỏ vàng sa khoáng Khắc Kiệm trong 2 đợt theo Nghị quyết số 25/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Thái Nguyên là 16 ha.
Đáng chú ý, Khoản 1, Điều 58 Luật Đất đai 2013 quy định, đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản sau đây: Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 ha đất trồng lúa trở lên; từ 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên; Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa; dưới 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.
Mặt khác, Giấy phép khai thác khoáng sản số 799/2009 của UBND tỉnh Thái Nguyên được cấp phép cho Công ty Thăng Long với diện tích là 42,09 ha, trong đó diện tích khu vực khai thác trên 34 ha đất trồng lúa 2 vụ thuộc cánh đồng Khắc Kiệm. Đến ngày 28/1/2015, UBND tỉnh Thái Nguyên mới thực hiện cấp Giấy chứng nhận đầu tư chứng nhận Công ty Thăng Long thực hiện dự án đầu tư khai thác mỏ vàng sa khoáng khu vực Khắc Kiệm và công trình phụ trợ với quy mô 56,09 ha; trong đó diện tích khu vực khai thác khu vực Khắc kiệm là 34,09 ha đất trồng lúa 2 vụ.
Vì thế hiện nay đang có nhiều ý kiến cho rằng, Nghị quyết số 25/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Thái Nguyên đã “lách luật” để chuyển đổi diện tích đất trồng lúa của người dân sang khai thác sa khoáng. Việc này lại được diễn ra trong bối cảnh, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, xác minh làm rõ các nội dung liên quan đến việc buông lỏng quản lý để doanh nghiệp khai thác vàng sa khoáng và xây dựng nhiều công trình trái phép trên hàng chục ha rừng đặc dụng Thần Sa. Mới đây, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhưng nội dung cụ thể chưa được tỉnh Thái Nguyên công khai.
Thế Kha