1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lạ lùng bới đất tìm... "hải sản"

(Dân trí) - Sâm đất là tên gọi mà người dân ven biển Quỳnh Lưu (Nghệ An) vẫn thường dùng để chỉ loài hải sâm sống dưới lớp cát bùn ở các cửa sông, nơi con nước mặn - ngọt giao nhau.

Đây là loại thực phẩm tự nhiên mang lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân bởi những năm gần đây, giá trị dinh dưỡng của loài "hải sản" này được nhiều người biết đến. Tuy nhiên để sống được với nghề đào bắt sâm đất thì phải là những tay thợ săn thiện nghệ.

Chúng tôi tình cờ có dịp theo chân một nhóm phụ nữ ngụ tại thôn Tân Thắng, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, đi đào bắt sâm đất.

Chị Xuân đang tìm những hang sâm
Chị Xuân đang tìm những hang sâm

Chúng tôi đi theo chị Mai Thị Xuân (31 tuổi) tới chân cầu Trường Thọ thuộc địa phận xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu). Lúc này con triều đã ròng rặt, từng cồn đất lộ ra. Với hơn 15 năm kinh nghiệm đào bắt sâm đất, không khó để chị Mai Thị Xuân nhận ra các hang sâm.

Tìm được hang sâm, mọi người bắt đầu cuốc
Tìm được hang sâm, mọi người bắt đầu cuốc

Đó là những lỗ nhỏ có ụ bùn cát đùn lên xung quanh, chị Xuân quen gọi là “mà”. “Chỗ mô lắm lỗ, lắm “mà” thì sâm đất ở dày nhưng con nhỏ, muốn bắt được con to phải chọn chỗ thưa lỗ mà cuốc!”, chị Xuân chia sẻ kinh nghiệm.
Gần đó, chị Hồ Thị Lại (SN 1981) cũng đang một cuốc, một xô dáo dác đi tìm hang sâm lẫn trong các đám cỏ dại ven sông.
Những con sâm đã xuất hiện
Những con sâm đã xuất hiện
Những con sâm đã xuất hiện

Sau khi quan sát, chọn địa điểm, mọi người bắt đầu giáng cuốc. Việc này không đơn giản, vì sâm đất ở sâu từ 10 - 30 cm với nhiều hang hốc. Cúi gập người lấy đà cuốc dồn dập, chị Hồ Thị Quang cho biết, khi đã xuống nhát cuốc đầu tiên thì những nhát sau phải đào thật nhanh, vì chỉ cần nghe một tiếng động nhỏ là con vật này sẽ luồn sâu xuống dưới.
Đuôi của con sâm đất đầu tiên đã xuất hiện dưới nhát cuốc mạnh và sắc lẻm của chị Xuân. Chị nói: “Kinh nghiệm đoán biết đường đi của sâm còn tùy thuộc ở mỗi người, nhưng kỵ nhất là cuốc vào chính diện hang sâm vì lưỡi đào sẽ cắt đứt luôn mình nó. Để bắt được một con sâm đất ra khỏi hang cần phải hết sức khéo léo, khi đã nắm được đuôi sâm phải dùng đầu ngón tay cái và ngón tay trỏ bấm chặt rồi từ từ lôi ra.
Mừng quá, bắt được con sâm rồi
"Mừng quá, bắt được con sâm rồi"
Thành quả của một buổi đi bới sâm
Thành quả của một buổi đi bới sâm

Những con sâm đất có hình trụ thon dài. Khi cho vào thùng, nó co lại còn một nửa, mình to gần bằng ngón tay cái. Khi được rửa sạch lớp đất bám ngoài, những con sâm đất có màu nâu đỏ; là món ăn ngon và bổ dưỡng của người dân vùng ven biển Quỳnh Lưu. Sâm đất thường được xào với su hào, bắp cải hoặc củ chuối... 

Hiện nay tại Quỳnh Lưu, hải sâm vừa đào lên được bán với giá 150.000 đồng/kg, nhưng khá khan hiếm. Loại đặc sản này được rất nhiều người tìm mua để thưởng thức và làm quà cho người thân ở xa. Những chị “thợ săn sâm” nói trên cho biết mỗi ngày vác cuốc đi là có thể kiếm được 1-2 kg hải sâm, thu nhập không dưới 150 ngàn đồng. Chị Mai Thị Xuân cho biết, nếu chịu khó vào đến Diễn Châu, chị còn có thể thu được 500 ngàn đồng.

Xuyến Chi - Khánh Hồng