1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Ký ức về Trường nữ trinh sát đặc biệt tuyển những cháu gái tuổi 12-15

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Bộ Công an giao ông Trần Quốc Hương - Cục trưởng Cục Kỹ thuật Nghiệp vụ tuyển chọn các cháu gái từ 12 đến 15 tuổi ở miền Bắc để đào tạo công tác thông tin với tên gọi "Trường nữ trinh sát đặc biệt".

Sáng 19/10, Ban liên lạc Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Bộ Công an tổ chức gặp mặt các nữ công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2022).

Dự và phát biểu khai mạc cuộc gặp mặt, Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Lai - Trưởng Ban liên lạc Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước - khẳng định, những đóng góp của các nữ chiến sĩ công an giai đoạn này là vô cùng quan trọng, góp phần thắng lợi vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ký ức về Trường nữ trinh sát đặc biệt tuyển những cháu gái tuổi 12-15 - 1

Thiếu tướng Phan Văn Lai phát biểu tại cuộc gặp mặt. (Ảnh: Nguyễn Dương).

"Tôi xin kính chúc các chị lãnh đạo của các đơn vị dồi dào sức khỏe và luôn xứng danh là những cán bộ nữ anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang", Thiếu tướng Phan Văn Lai chúc mừng.

Tại cuộc gặp mặt, Thượng tá Nguyễn Thị Hải - Ủy viên Ban liên lạc Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước - cho biết, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ Công an đã chi viện hơn 11.000 cán bộ công an ưu tú cho chiến trường miền Nam. Sự chi viện đó làm cho an ninh miền Nam lớn mạnh, đủ sức đánh thắng thế lực thù địch, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

"Với thành tích đặc biệt xuất sắc đó, ngày 1/9/2020, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" cho lực lượng công an nhân dân chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong chiến công đặc biệt xuất sắc đó có đóng góp của chị em phụ nữ, mà hôm nay các chị em đang ngồi đây dự cuộc gặp mặt sâu nặng nghĩa tình này", Thượng tá Nguyễn Thị Hải nhấn mạnh.

Nhớ lại thời kỳ khói lửa, Thượng tá Nguyễn Thị Hải chia sẻ thêm, các chị em tình nguyện xung phong "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" khi tuổi còn rất trẻ, có chị chỉ 15 tuổi như chị Minh và nhiều chị đang có mặt tại đây. Thất bại trong chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", từ năm 1965, Mỹ ráo riết thực hiện "Chiến tranh cục bộ". 

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Bộ Công an giao cho ông Trần Quốc Hương (ông Mười Hương, cố Bí thư Trung ương Đảng, Nhà chỉ huy tình báo xuất sắc tại chiến trường miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ), lúc đó là Cục trưởng Cục Kỹ thuật Nghiệp vụ tuyển chọn các cháu gái từ 12 đến 15 tuổi ở miền Bắc để đào tạo công tác thông tin với tên gọi "Trường nữ trinh sát đặc biệt", "Trường y", mỗi học viên được tạo ra một lý lịch giả cài cắm vào các địa điểm để giữ liên lạc khi địch tấn công ra miền Bắc. Nhưng do tình huống đó không xảy ra, các chị em xung phong chi viện cho chiến trường miền Nam khi tuổi mới 15, 16.

"Chị Minh kể lại khi ông Võ Chí Công yêu cầu Bộ Công an cho tôi 2 báo vụ đi vào miền Nam chiến đấu thì chị Minh và chị Oanh vừa được huấn luyện xong lớp "Trinh sát đặc biệt" được cử đi mà chưa được rèn luyện hành quân chiến đấu. Trên đường hành quân vào Trường Sơn không đeo nổi ba lô cùng máy móc. Bác Võ Chí Công phải nhờ các bảo vệ mình mang hộ ba lô và nói "Cậu mang hộ con gái tớ cái ba lô đi, trông nó không đi nổi nữa rồi". Thế rồi các chị vẫn đi tới chiến trường, vẫn công tác chiến đấu kiên cường", Thượng tá Nguyễn Thị Hải kể lại.

Ký ức về Trường nữ trinh sát đặc biệt tuyển những cháu gái tuổi 12-15 - 2

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Các cán bộ y tế chi viện vào miền Nam từ năm 1969 chủ yếu là chị em phụ nữ cũng phải vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn trong chiến trường để giành giật sự sống cho đồng đội.

Khi đó các y, bác sỹ dùng nẹp tre thay cho nẹp bột cố định phục hồi chức năng; dùng nilon hứng nước mưa trưng cất, pha chế thành dịch truyền; dùng cây cỏ trong rừng làm thuốc chữa bệnh; lấy máu đồng đội trong chiến trường truyền cho những bệnh nhân nguy kịch;...

Ban liên lạc cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước đi vào hoạt động từ năm 1997, số hội viên cán bộ nữ có 36 người. Được sự quan tâm của Ban liên lạc, hoạt động của các nữ cán bộ bắt đầu từ năm 2007 đến nay. Về độ tuổi, nữ cán bộ ít nhất là 70, cao nhất là gần 80 tuổi; có 6/36 nữ cán bộ mang quân hàm thượng tá và đồng lương tạm ổn theo mặt bằng xã hội, còn chủ yếu là cấp hàm thấp, lương thấp; có 8 nữ cán bộ có hoàn cảnh khó khăn cần được quan tâm; 4 nữ cán bộ bị chất độc da cam, có người thiếu may mắn không có thiên chức là vợ, làm mẹ.

Hòa bình lập lại các chị em tiếp tục cống hiến cho đất nước cho đến khi nghỉ hưu. Các chị còn khắc phục điều kiện sức khỏe, gia đình, nêu cao tấm gương nữ công an chi viện chiến trường miền Nam, tích cực tham gia công tác xã hội ở nơi cư trú.

Ký ức về Trường nữ trinh sát đặc biệt tuyển những cháu gái tuổi 12-15 - 3

Thiếu tướng Đào Trọng Hùng phát biểu tại cuộc gặp mặt. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Ghi nhận những đóng góp to lớn của các nữ cán bộ công an, phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đào Trọng Hùng - Phó Ban liên lạc công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhấn mạnh: "Là những cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước, hơn ai hết chúng tôi - những người nam giới chi viện vào chiến trường hiểu rõ những chiến công cũng như vất vả, chịu đựng của chị em trong chiến trường ác liệt. Tôi trân trọng chia sẻ và khâm phục các chị, những tấm gương nữ công an nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chiến công của các chị là điểm sáng làm đẹp thêm thành tích đặc biệt xuất sắc của lực lượng công an nhân dân chi viện anh hùng".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm