1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Kỹ sư Hồ Quang Cua - Từ cây lúa lạ đến giống gạo ngon nhất thế giới

(Dân trí) - Những năm qua, người tiêu dùng trong nước rất ấn tượng với thương hiệu gạo thơm Sóc Trăng (ST) của kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các cộng sự. Đặc biệt hơn, gạo mang thương hiệu ST của ông đã chinh phục đỉnh cao trong làng gạo ngon thế giới.

Kỹ sư Hồ Quang Cua sinh ra ở xã nghèo thuần nông Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Tuổi thơ của ông gắn liền với ruộng đồng, làng quê.

Năm 1965-1967, ông là học sinh của trường Trung học Hoàng Diệu Ba Xuyên (nay là trường THPT Hoàng Diệu, Sóc Trăng). Sau khi học xong phổ thông, ông thi vào Khoa Nông nghiệp của trường Đại học Cần Thơ.

Năm 1978, tốt nghiệp kỹ sư ngành trồng trọt, Hồ Quang Cua háo hức trở về Sóc Trăng và công tác tại Phòng Nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên. Sau đó, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sóc Trăng cho đến lúc nghỉ hưu.

Từ năm 1991, kỹ sư Hồ Quang Cua tham gia nhóm nghiên cứu của Viện Lúa ĐBSCL và Đại học Cần Thơ sưu tập, thử nghiệm các giống lúa thơm cổ truyền của Việt Nam, Thái Lan và Đài Loan.

Cũng trong thời gian này, người kỹ sư của đất Sóc Trăng có ý tưởng làm lúa thơm cao cấp cho Việt Nam, mà trước hết là cho quê hương Sóc Trăng của mình.

Kỹ sư Hồ Quang Cua - Từ cây lúa lạ đến giống gạo ngon nhất thế giới - 1

Kỹ sư Hồ Quang Cua.

Kỹ sư Hồ Quang Cua kể, năm 1996, rất tình cờ khi trong một lần xuống đồng, ông phát hiện có những cây lúa lạ, gốc màu tím, hạt thon dài rất đẹp.

Vốn là người mê cây lúa, đang ôm ấp ước mơ nâng tầm cây lúa Sóc Trăng và là người có tư duy nhạy bén, khi thấy những cây lúa “không giống ai” đó, ông như người trúng số đặc biệt.

Từ sự tình cờ đó, công trình lai tạo, nhân giống với hàng loạt giống lúa thơm mang tên ST được ra đời. Có khoảng 1.050 cá thể đột biến đầu tiên được ông cùng các cộng sự thu thập và sau đó tiến hành trồng thử nghiệm, rồi cho lai tạo theo nhiều cách khác nhau để chọn những cá thể vượt trội nhất đưa vào sản xuất.

Ông nói: “Cách đây hơn 20 năm, Thái Lan công bố đã lai tạo được 2 giống lúa thơm không cảm quang mà họ gọi là hạt vàng. Tôi suy nghĩ tại sao họ làm được còn mình lại không?

Thế là trong đầu tôi suy nghĩ đến giống lúa thơm cho Việt Nam và đầu thế kỷ 21, nhóm nghiên cứu lúa Sóc Trăng được hình thành và tồn tại tới ngày hôm nay.

Công việc chúng tôi là vừa làm vừa học. Việc lai tạo giống tiến hành từ năm 2002, sau khi đã thu thập được tương đối đủ giống bố mẹ. Nếu lấy mốc tận mục sở thị 2 giống lúa thơm mới ở Bangkok ngày 1/5/1998 thì đã hơn 20 năm. Còn nếu lấy mốc ngày lai tạo để chọn ra ST24, ST25 thì cũng gần 12 năm”.

Kỹ sư Hồ Quang Cua - Từ cây lúa lạ đến giống gạo ngon nhất thế giới - 2

Kỹ sư Cua nhiều năm gắn bó với ngành nông nghiệp, trong đó có lúa gạo.

Năm 2017, tại Hội nghị quốc tế lần 9 về mua bán gạo do tổ chức The Rice Trader (Tổ chức thương mại gạo) tổ chức tại Ma Cao, trước các chuyên gia ẩm thực nổi tiếng của thế giới, gạo ST24 có những phẩm chất vượt trội như ngắn ngày, hạt gạo dài, trắng trong, dẻo cơm, thơm thoảng hương lá dứa... đã được chọn và vinh danh là một trong 3 loại gạo ngon nhất theo tiêu chuẩn gạo ngon thế giới và giải Nhất gạo ST24 hữu cơ tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ III - Long An năm 2018.

Vào năm 2019, tại Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới (World's Best Rice do The Rice Trader) tổ chức trong khuôn khổ hội nghị Thương mại Gạo Thế giới lần thứ 11 tại Manila (Philippines) từ ngày 10 - 13/11, với sự tham gia của hơn 20 doanh nghiệp kinh doanh gạo quốc tế, Việt Nam cùng hàng trăm nhà xuất nhập khẩu gạo lớn trên thế giới đã quy tụ về đây tranh tài.

Kết quả, gạo ST25 của doanh nghiệp Hồ Quang (Sóc Trăng) đã xuất sắc vượt qua gạo Thái Lan, giành giải Nhất cuộc thi gạo ngon nhất thế giới 2019.

Kỹ sư Hồ Quang Cua - Từ cây lúa lạ đến giống gạo ngon nhất thế giới - 3

Gạo ST25 của nhóm cộng sự kỹ sư Hồ Quang Cua đạt gạo ngon nhất thế giới năm 2019. 

Kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết thêm, lần dự thi này, ông và các cộng sự mang 2 loại gạo ST24 và ST25 dự thi. Kết quả, cả 2 loại gạo này được Ban giám khảo chấm đồng điểm với nhau.

Vì vậy, các thành viên trong Ban giám khảo có chút phân vân nên sáng ngày 12/11/2019 (giờ Việt Nam), Ban giám khảo đã công bố giống ST24 là giống gạo ngon nhất thế giới năm 2019.

Tuy nhiên, đến tối ngày 12/11, Ban giám khảo lại có quyết định thay đổi chọn giống gạo ST25 là gạo ngon nhất tại hội thi lần này để công bố chính thức trên trang thông tin của mình (trtworldrice.com). Với kết quả này, chúng ta rất tự hào vì cả 2 giống ST24 và ST25 đều được đánh giá là loại gạo ngon nhất thế giới năm 2019.

Kỹ sư Hồ Quang Cua - Từ cây lúa lạ đến giống gạo ngon nhất thế giới - 4

Kỹ sư Hồ Quang Cua tặng biểu trưng gạo ngon nhất thế giới cho lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng.

Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, gạo thơm ST25 được nghiên cứu lai tạo từ năm 2008. Năm 2016, ST25 bắt đầu nổi tiếng tại các thị trường tiêu thụ gạo mạnh như chợ gạo Tân Trụ (tỉnh Long An), chợ gạo Bà Đắc (tỉnh Tiền Giang).

Gạo ST25 được bình chọn là gạo đạt chuẩn hạt dài, trắng trong, không bạc bụng, khi nấu cơm dẻo thơm, khi để nguội cơm vẫn ngon, không bị cứng.

Theo đánh giá của nhiều người, gạo ST25 là loại gạo thuộc nhóm hảo hạng trong thị trường gạo hiện nay. Đặc biệt, loại gạo này có hàm lượng đạm cao nên phù hợp với người mắc bệnh đái tháo đường, cả người già và trẻ em. Đây cũng là loại đặc sản nổi tiếng ở Sóc Trăng, được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Về đặc tính, ST25 là giống lúa cứng và cao cây (110cm - 115cm), lá xanh bền, lâu tàn nên nuôi hạt tốt, thân cứng nếu bón phân cân đối không đổ ngã. Giống lúa này không nhiễm bệnh sọc trong, đạo ôn lá và khoan cổ bông... Trong điều kiện thời tiết tốt, năng suất ST25 có thể đạt 8,5 tấn/ha, trung bình khoảng 6 - 7 tấn/ha.

Việc được vinh danh đứng đầu thế giới lần này khẳng định vị thế chất lượng gạo Việt Nam không thua kém gì các nước khác. Thậm chí có nhiều ưu điểm hơn như năng suất cao hơn, chống chịu với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, canh tác được nhiều vụ trong năm…

Gạo ST25 đã “đóng dấu” được tên tuổi của mình trong lòng các nhà khoa học, nhà nhập khẩu và các đầu bếp nổi tiếng thế giới, nhưng để trở thành một thương hiệu gạo Việt Nam mạnh trên thị trường thế giới vẫn còn không ít việc để làm.

Với thắng lợi này, ngành lúa gạo Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình trên thị trường quốc tế, đồng thời thể hiện năng lực sản xuất và quyết tâm xây dựng thương hiệu gạo Việt ra thế giới. Công lao này có sự đóng góp rất lớn của kỹ sư Hồ Quang Cua.

Không chỉ nghiên cứu lai tạo, nhân giống và quảng bá thương hiệu, kỹ sư Hồ Quang Cua còn tiên phong trong việc đưa chế phẩm sinh học vào quy trình sản xuất lúa thơm ST để sản phẩm không chỉ ngon mà còn an toàn cho người tiêu dùng và thân thiện với môi trường.

Nhiều nông dân ở huyện Mỹ Xuyên mang ơn ông khi ông đã làm sống lại mô hình “con tôm ôm cây lúa” trên những vùng đất nuôi tôm kém hiệu quả tại huyện này và cho ra đời sản phẩm “gạo ngon - tôm sạch”.

Ông Cua còn tổ chức những cuộc hội thảo, tham quan đánh giá giống và những cuộc thi “cơm nào ngon hơn”, “cơm ngon thương hiệu Việt”,... nhằm quảng bá cho lúa thơm ST.

Lúa thơm ST đã góp phần đưa sản lượng lúa ở tỉnh Sóc Trăng có sự bứt phá ngoạn mục. Năm 2017, tổng sản lượng lúa toàn tỉnh đạt trên 2 triệu tấn; trong đó, lúa thơm và lúa đặc sản chiếm trên 50%; năm 2018, tổng sản lượng lúa đạt trên 2,1 triệu tấn; năm 2019, sản lượng lúa cũng đạt trên 2 triệu tấn, lúa đặc sản ước đạt trên 1 triệu tấn.

Cây lúa Sóc Trăng trở thành một trong những chỉ dẫn địa lý hấp dẫn về lúa thơm trong cả nước, vươn lên tốp đầu những tỉnh sản xuất lúa lớn nhất trong khu vực ĐBSCL, giúp hàng chục nghìn hộ dân thoát nghèo.

Kỹ sư Hồ Quang Cua tâm sự: “Việt Nam nổi tiếng với gạo thơm, giá rẻ so với gạo của các nước láng giềng như Thái Lan, Campuchia,… Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất lúa ở Việt Nam vẫn còn rất yếu.

Theo tôi, đây là cơ hội lớn để chúng ta sắp xếp lại mọi việc. Từ lâu, gạo thơm ST được người tiêu dùng tin chọn, thay thế cho các loại gạo của Thái Lan, Campuchia,...”.

Kỹ sư Hồ Quang Cua - Từ cây lúa lạ đến giống gạo ngon nhất thế giới - 5

Gạo ngon của Việt Nam có thể nói có dấu ấn rất lớn của kỹ sư - Anh hùng lao động Hồ Quang Cua.

Ông Trần Văn Chuyện- Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Những năm qua, thị trường có nhiều loại gạo ST nổi tiếng, giúp nhiều nông dân tăng thu nhập. Lần này gạo ST 25 đạt giải “Gạo ngon nhất thế giới” đã cho thấy đây là quá trình nghiên cứu đầy tâm huyết của kỹ sư Cua và các cộng sự.

Thành quả này đóng góp rất lớn cho việc xây dựng thương hiệu gạo của Sóc Trăng và gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế. Sóc Trăng đã và đang có nhiều dự án phát triển, mở rộng diện tích sản xuất lúa đặc sản, tập trung vào chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Tỉnh đánh giá rất cao đóng góp của kỹ sư Hồ Quang Cua cho ngành lúa gạo của địa phương”.

Tại lễ khen thưởng và tri ân “cha đẻ” gạo ST25 vừa qua, ông Trần Văn Chuyện- Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, trân trọng ghi nhận, biểu dương và chúc mừng kỹ sư - Anh hùng lao động Hồ Quang Cua, Tiến sĩ Trần Tấn Phương và Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương đã nghiên cứu, lai tạo thành công giống lúa ST25 vừa giành giải nhất cuộc thi gạo ngon nhất thế giới tại Hội chợ thương mại thế giới lần thứ 11 ở Philippine.

Đầu tháng 12/2019, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Sóc Trăng đã triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt nhiều thành tựu nổi bật, thể hiện rõ qua việc tăng diện tích cây lúa đặc sản, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái và đặc biệt mô hình tôm - lúa bền vững tại huyện Mỹ Xuyên và việc lựa chọn giống lúa ST sản xuất trên nền đất nuôi tôm, nâng cao chất lượng hạt lúa.

Bộ trưởng cũng đề nghị Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh chỉ đạo cơ quan chuyên môn của Bộ và tỉnh Sóc Trăng xây dựng được thương hiệu lúa - tôm cho tỉnh Sóc Trăng; đề nghị nhóm nghiên cứu của kỹ sư Hồ Quang Cua tiếp tục tham gia vào đề án lúa chất lượng cao của tỉnh.

Kỹ sư Hồ Quang Cua - Từ cây lúa lạ đến giống gạo ngon nhất thế giới - 6

Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng tặng Bằng khen cho nhóm nghiên cứu của kỹ sư Hồ Quang Cua.

Bà Trịnh Kim Tuyến (phu nhân của kỹ sư Hồ Quang Cua) cho biết, sau khi được công nhận là giống lúa/gạo ngon nhất thế giới, ST25 đã tạo sức hút mạnh mẽ trên thị trường trong nước, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán này, hầu như ngày nào bà cũng nhận hàng trăm cuộc điện thoại đặt hàng gạo ST25 nhưng không thể nào đáp ứng kịp thời. Đa số các đơn vị, doanh nghiệp mua với số lượng nhiều để làm quà Tết.

Việc gạo ST25 lên “ngôi vương” gạo ngon thế giới cũng đặt ra một vấn đề nan giải là đã có việc xuất hiện loại gạo “nhái” ST25. Người nội trợ chỉ cần ra chợ hỏi mua gạo ST25 là có ngay nhưng kiểu gạo “hồn Trương Ba, da hàng thịt”, vỏ ST25 nhưng ruột có khi là ST24 hoặc loại gạo khác na ná giống như ST25.

Trên mạng cũng có rao bán gạo ST25 với nhiều loại bao bì và giá khác nhau; thậm chí giá gạo ST25 được đẩy lên mức từ 35.000 đồng - 45.000 đồng/kg, trong khi gạo ST25 chính hiệu bán tại cơ sở của kỹ sư Hồ Quang Cua chỉ 27.000 đồng/kg.

Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, sở dĩ có tình trạng nhái sản phẩm gạo ST25 là do việc làm “giấy khai sinh” cho một giống lúa khá chặt chẽ, kéo dài khiến việc chứng nhận bản quyền cho một giống gạo mới cũng chậm. Vì chậm nên nhiều doanh nghiệp lợi dụng sơ hở chưa có chứng nhận “chủ quyền” với loại gạo mới để tung ra thị trường các loại gạo tương tự giống loại gạo đang hút hàng như ST25.

Kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết, hiện loại gạo ST25 chỉ có doanh nghiệp Hồ Quang Trí ở TPHCM cung cấp với số lượng có hạn và đến nay doanh nghiệp chỉ phân phối cho các đại lý chính thức thì rất khó có nhiều gạo ST25 để bán tràn lan trên thị trường.

Theo các chuyên gia về nông nghiệp, gạo ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới là cơ hội vàng cho thương hiệu gạo Việt Nam vươn ra thế giới. Tuy nhiên, cơ quan chức năng các địa phương cần mạnh tay hơn trong việc xử lý tình trạng vi phạm bản quyền các giống gạo ngon của Việt Nam.

Việc sản xuất và kinh doanh giống lúa nhái thương hiệu các giống lúa nổi tiếng, trong đó có giống ST25 sẽ gây những hậu quả là hạt gạo sẽ không ngon, không thơm như quảng cáo,... nên người tiêu dùng sẽ không tin và không mua giống lúa này để gieo trồng.

Với những đóng góp cho ngành Nông nghiệp, kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm nghiên cứu của ông đã nhận được 7 Huân chương Lao động của Chủ tịch nước, 2 giải thưởng Bông lúa vàng của Bộ NN&PTNT, đoạt hạng Nhất trong tất cả các cuộc thi trong nước, được Tổ chức Lương nông quốc tế (FAO) chứng nhận thành tựu.

Riêng cá nhân kỹ sư Hồ Quang Cua 2 lần vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề cử là đại biểu dự Vinh quang Việt Nam (năm 2014 và 2017). Năm 2011, ông được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và năm 2012 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.

Năm 2018, kỷ niệm 70 năm Bác Hồ ra lời kêu gọi “Thi đua yêu nước”, kỹ sư Hồ Quang Cua được chọn là một trong 70 gương mặt điển hình tiêu biểu của cả nước được vinh danh.

Năm 2013, ông về hưu nhưng không nghỉ mà vẫn tiếp tục gắn bó với cây lúa Sóc Trăng với việc thành lập 2 doanh nghiệp tư nhân chuyên về lúa gạo mang tên Hồ Quang và Hồ Quang Trí, nhưng chức danh Giám đốc ông giao phó cho 2 con trai là Hồ Quang Trung và Hồ Quang Trí, còn ông chỉ đảm nhận vai trò “ông cố vấn”. Con gái út của ông cũng đã học xong Đại học và hiện đang sinh sống, làm việc tại TPHCM.

Ông Hồ Quang Cua còn có một người em trai rất nổi tiếng trong lĩnh vực nuôi tôm ở Sóc Trăng là doanh nhân - Tiến sĩ kinh tế - Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới- ông Hồ Quốc Lực (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, Sóc Trăng).

Cao Xuân Lương