1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Kỳ lạ chuyện xuất khẩu khoai mì trộn cát!

Trên địa bàn hai huyện Tư Nghĩa và Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đang diễn ra cảnh tượng rất kỳ lạ, đó là người ta trộn cát vào khoai mì (sắn) lát để đưa vào Quy Nhơn (Bình Định) rồi xuất đi nước ngoài.

Khoai mì xắt lát lên ngôi?
 
Sẽ không ngoa khi cho rằng, cây khoai mì đang lên ngôi so với các loại nông sản khác ở Quảng Ngãi. Diện tích khoai mì từ chỗ “da beo”, đứng chen lẫn với cây mía, nay đã ngấp nghé 10.000 hecta.
 
Ngoài 2 nhà máy chế biến tinh bột khoai mì ở Tịnh Phong và Sơn Hải tiêu thụ khoai mì “bất kể giờ giấc”, thời gian gần đây người trồng khoai mì còn có một cửa tiêu thụ riêng rất đặc biệt, đó là khoai mì xắt lát phơi khô xuất khẩu.
 
Ở lĩnh vực này, những đầu mối thu mua tư nhân “so găng” quyết liệt với các nhà máy chế biến khoai mì trong việc thu mua nguyên liệu. Tính riêng tháng 7/2010, nhà máy chế biến mua 1.800 đồng/kg khoai mì tươi có độ bột 30% và trừ 5% tạp chất thì những đầu mối thu mua tư nhân cũng mua 1.800 đồng/kg khoai mì tươi mà không quan tâm đến tỷ lệ bột hoặc tạp chất, thủ tục lại đơn giản, gọn nhẹ.
 
Phải chăng thị trường khoai mì xắt lát phơi khô thực sự hút hàng đến vậy?
 
Khoai mì trộn cát mà nhiều người… khoái
 
Phải chăng nhu cầu nhiên liệu ngày càng cao trong khi các mỏ dầu ngày một cạn kiệt và loại nhiên liệu sinh học mới chế biến từ khoai mì được tìm thấy thời gian gần đây khiến khoai mì đột nhiên lên ngôi?
 
Vấn đề là người ta không chỉ mua và bán khoai mì!
 
Kỳ lạ chuyện xuất khẩu khoai mì trộn cát! - 1
Cho khoai mì – cát vào bao bằng những chiếc xẻng chuyên dụng.
 
Hiện nay, các khu công nghiệp, làng nghề nằm dọc sông Trà được coi là “bãi đỗ” lý tưởng của công trường “khoai mì trộn cát”.
 
Tại các công trường này, khoai mì tập kết từ các huyện miền núi về được xắt thành lát bởi các máy cắt hoạt động hết công suất mỗi đêm. Người làm thuê tại các “công trường” này gần như phải thức suốt đêm để trải số khoai mì lát vừa xắt ra để phơi. Nhiều bãi đất rộng vài hecta phủ kín khoai mì đã xắt lát chỉ qua một đêm.
 
Khi khoai mì bắt đầu khô, những người đàn bà làm thuê tại các bãi phơi khoai mì này có nhiệm vụ vun khoai mì thành luống, sau đó cát được đổ vào giữa những luống này. Họ dùng xẻng để trộn đều khoai mì với… cát, sau đó dùng một loại xẻng chuyên dụng xúc “hỗn hợp” cát - khoai mì nói trên đổ vào bao rồi đưa lên xe tải.
 
Mỗi bao tải, nếu chỉ để đựng khoai mì lát phơi khô sẽ chỉ có trọng lượng chừng 45 - 50kg/bao. Nhưng khi cho cát vào, bao khoai mì này sẽ vọt lên một tạ (100 kg), trong đó, cát chiếm 80%, chỉ có 20% là khoai mì.
 
Chị Châu, một người làm thuê cho chủ vựa khoai mì lát ở Tịnh Ấn Tây, cho biết: “Vì nước ngoài họ chấp nhận cách trộn cát như thế nên các đầu nậu cho trộn vô tư. Vô cảng Quy Nhơn, trước khi xuống tàu xuất khẩu, dù có trừ đến 50% tạp chất thì vẫn có lãi vì cát chiếm tới… 80% mà!”
 
Cảnh giác với chiêu thức mới
 
Quả thật, đây là kiểu cách làm ăn hết sức lạ lùng! Càng lạ hơn khi đối tác chẳng những không phản ứng mà còn có vẻ cổ xuý cho cách làm ăn kỳ lạ ấy. Nếu không, con số 10 điểm chuyên thực hiện công đoạn “khoai mì trộn cát” trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện nay làm sao tồn tại được?
 
Theo ước tính của người viết, mỗi điểm làm khoai mì trộn cát này có 3 xe tải (tải trọng 15 tấn/xe) đến đổ cát, vị chi có 45 tấn cát được trộn và xuất đi cùng với khoai mì lát mỗi ngày. Nếu đem con số này nhân với 10 điểm trộn trên, tính ra chỉ có chừng… 400 - 500 tấn cát/ngày được xuất đi.
 
Chuyện gì đang xảy ra đằng sau những bao tải khoai mì lát trộn cát? Câu trả lời cho kiểu làm ăn lạ đời nói trên phải chăng liên quan đến lệnh cấm xuất khẩu cát xây dựng do Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành?
 
Dưới danh nghĩa xuất khẩu khoai mì lát, có thể thấy 80% cát trong các bao tải kia sẽ không phải chịu mức thuế 17%, bởi thuế suất xuất khẩu khoai mì lát - nông sản - là 0%. Và dưới sự chở che của khoai mì lát, phải chăng cát xây dựng vẫn ung dung “chảy” qua cửa khẩu, bất chấp lệnh cấm của Thủ tướng Chính phủ?
 
Hy vọng các cơ quan hữu quan thấy… giật mình!
 
Theo Quỳnh Như
Báo
SGTT