1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kỳ án con bò cái già: Kết cục bi thương của một gia đình nghèo

(Dân trí) - Bị phát hiện là người ăn trộm bò, gia đình Rơ Ô Hoa bị cả buôn làng khinh ghét, cô lập khiến họ phải dựng lều ở nơi khác mà sinh sống. Chưa hết tủi nhục, cùng đường, họ tìm đến cái chết...

“Tội đồ” của buôn làng

Tìm 2 ngày không thấy bò, nhà Rơlan Roăi đến trình báo với Trưởng thôn Kpar Loan và UBND xã. Hành vi ăn trộm bò của nhà Rơ Ô Hoa bại lộ. Tối 16/9/2009, Trưởng thôn dẫn vợ chồng Roăi ra tận nhà cán bộ Hiền ở thị trấn Phú Túc để dắt lại con bò đã mất. Hành động “đáng kinh bỉ” của vợ chồng Rơ Ô Hoa bị người dân buôn Ơi Jik báo cáo lên già làng Ơi Trăk. Và hình phạt được ban ra là: gia đình ăn cắp phải cúng Yàng 1 con heo, 3 ghè rượu và phải đóng 500 nghìn đồng phạt vạ thì mới tiếp tục được sống trong buôn Ơi Đăk.
 
Kỳ án con bò cái già: Kết cục bi thương của một gia đình nghèo - 1
Gia đình Chăm Yang vui mừng tìm được con bò đực bị mất, nhưng gia đình Rơ Ô Hoa vẫn bị phạt vạ

Chưa nguôi nỗi đau mất oan cả đàn bò 9 con, vợ chồng Rơ Ô Hoa lại phải chạy vạy khắp nơi để mượn tiền lo phạt vạ… Chưa dừng lại ở hình phạt vật chất, gia đình Rơ Ô Hoa còn bị buôn làng đua nhau dè bỉu, khinh bỉ… Một tuần sau buổi phạt vạ, quanh căn nhà nhỏ của gia đình Rơ Ô Hoa vẫn văng vẳng những lời chế giễu, khinh bỉ của bà con. Họ bị cô lập, không dám đi xa khỏi nhà, suốt ngày chìm trong tâm trạng tủi hổ.
 
Buồn hơn khi trong 4 đứa con của họ chỉ có cậu con lớn Rơlan Truy đang học lớp 9 là dũng cảm dám bước chân tới trường, 3 người con còn lại đều phải bỏ học vì xấu hổ. Căn nhà thiếu gạo, thiếu muối và thiếu cả tiếng nói cười.

Trong cơn cùng quẫn, Rơ Ô Hoa đã lấy sợi dây thừng từng dùng cột bò chăn rẽ để treo cổ tự tử, với suy nghĩ “Mình chết rồi, từ cán bộ Hiền đến chủ đàn bò không thể tìm mình để đòi bò được nữa…”. May mắn lúc đó có anh Kpar Kip sống gần nhà sang chơi phát hiện sự việc nên cứu được.
 
Anh Kpar Kip thương cảm: “Tội nó quá! Cán bộ Hiền bảo phải trả đủ 9 con bò thì nó phải tìm sao cho đủ 9 con bò để trả nếu không cán bộ Hiền sẽ bắt nó đi tù. Cán bộ Hiền là cán hộ huyện nên nói gì ai cũng phải nghe. Con Rơlan H’Thanh không muốn ăn cắp nhưng rồi cũng phải ăn cắp. Rơ Ô Hoa không muốn dân buôn Ơi Đăk, Ơi Jok phạt vạ nhưng đành phải chịu vậy…”.
 
Chưa hết, do phạm tội ăn cắp nên ngoài hình phạt của buôn làng, Rơlan H’Thanh còn bị Trưởng thôn Ơi Jik dẫn đến UBND xã Ia Mlăh giao cho lực lượng công an xã xử lý. Sau khi lấy lời khai ban đầu, công an xác định đây là vụ trộm cắp tài sản có giá trị lớn nên đã chuyển vụ việc lên Công an huyện Krông Pa.

Trưa ngày 28/9/2009, trên đường đi làm thuê về, chị H’Thanh đã lao thẳng xuống dốc đá Niu K’Nhé để tìm đến cái chết… Một lần nữa những người dân ở buôn Ơi Đăk đi rẫy về lại phát hiện kịp thời, cứu được H’Thanh. Chị H’Thanh được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện với 2 xương sườn bị gãy.
Kỳ án con bò cái già: Kết cục bi thương của một gia đình nghèo - 2
Giấy chụp X- Quang bị gãy 2 xương sườn của Rơ Lan H'Thanh

4 ngày nằm viện mà vết thương chưa lành, sốt ruột 4 con ở nhà, chồng mới thoát chết trở về, chị H’Thanh lẳng lặng trốn viện về. Hai vợ chồng trả lại đất cho chủ rẫy, gom hết tài sản trong nhà là những tấm tôn và gỗ dựng nhà để mang đi bán lấy tiền đóng tiền phạt vạ. Không còn nhà, 6 người dắt díu nhau ra bờ suối Ea Kia dựng lều ở tạm. Cậu con cả Rơlan Truy trở thành lao động chính nuôi cả gia đình bằng nghề đi hốt trấu, đào sắn, xúc cát thuê…
Kỳ án con bò cái già: Kết cục bi thương của một gia đình nghèo - 3
Ngôi nhà sàn của gia đình Rơ Ô Hoa được bà con chung tay xây dựng trên đất rẫy của gia đình KparKip

Hơn một tháng trôi qua, người dân buôn Ơi Đăk nhìn thấy nỗi khổ của gia đình H’Thanh nên thương cảm, cùng nhau góp sức, góp của dựng cho họ một căn chòi trên đất của anh Kpar Kip.
 
Bò của ai?
 
Câu chuyện ly kỳ chưa dừng lại ở đó. Là người gửi đàn bò 8 con cho gia đình Rơ Ô Hoa chăn giúp, nay biết cả đàn bò nhà mình đã bị ông Chu Văn Hiền đến bắt mất, ông Trần Bá Diệp đã nhiều lần đến gặp ông Hiền yêu cầu trả lại đàn bò nhưng không được.
Kỳ án con bò cái già: Kết cục bi thương của một gia đình nghèo - 4
Văn bản cách xử lý vụ việc của UBND huyện Krông Pa

Ông Trần Bá Diệp bức xúc: “Đàn bò của tôi gửi vợ chồng Rơ Ô Hoa có bà con trong buôn Ơi Đăk làm chứng, có viết giấy nhận bò nuôi rẽ đàng hoàng dưới sự chứng kiến của ông Trưởng thôn. Ấy vậy mà vẫn bị ông Chu Văn Hiền lấy mất. Đàn bò của tôi bị ông Hiền lấy mất một cách ngang nhiên, gia đình Rơ Ô Hoa, Rơlan H’Thanh thì lâm cảnh khó khăn. Sự công minh của pháp luật đang ở đâu?”.

Nghĩ rằng ông Chu Văn Hiền hiện là Phó BQL các dự án đầu tư xây dựng cơ bản thuộc huyện Krông Pa, là cán bộ trực thuộc UBND huyện Krông Pa nên UBND huyện có thể can thiệp và xử lý vụ việc; nên từ cuối năm 2009, ông Diệp nhiều lần viết đơn gửi UBND huyện Krông Pa nhờ giúp đỡ.
 
Ngày 14/12/2009, thừa lệnh Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, ông Hồ Văn Thảo - Phó Chánh văn phòng UBND huyện Krông Pa - xác định đây là vấn đề dân sự nên yêu cầu ông Trần Bá Diệp khởi kiện ra tòa án.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Quang Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mlăh - nói: “Việc gửi bò cho người dân trong xã chăn nuôi rẽ đã có từ rất lâu và chủ yếu thông qua thỏa thuận giữa 2 bên là chủ bò và người nhận nuôi nên việc ông Chu Văn Hiền, Phó BQL các dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Krông Pa gửi bò cho gia đình Rơ Ô Hoa bao nhiêu con, bao lâu rồi… chính quyền xã không hề biết. Chúng tôi không hề tham dự cũng như nhận được thông tin về việc bắt bò tại nhà Rơ Ô Hoa, buôn Ơi Đăk vào ngày 13/09/2009”.

Là người trực tiếp cùng ông Hiền đi bắt bò nhà Rơ Ô Hoa, ông Kpar Jao cho biết: “Tôi đâu biết cán bộ Hiền gửi gia đình Ama Truy (tức Rơ Ô Hoa) bao nhiêu con bò, chỉ biết đi giúp cán bộ Hiền bắt bò để chở về thị trấn thôi. Tôi chỉ đi khi có người nhờ chứ không đại diện cho chính quyền xã đến nhà Ama Truy bắt bò đâu”.
 
Cũng theo ông Kpar Jao, ngay sau khi bắt được bò lên xe ô tô, cán bộ Hiền đã mời ông cùng những người tham gia buổi bắt bò một chầu nhậu ngay tại trung tâm xã Ia Mlăh!

Làm việc với PVDân trí, ông Chu Văn Hiền cho rằng việc ông đánh xe ô tô vào nhà Rơ Ô Hoa bắt bò là hoàn toàn đúng vì đây là đàn bò mà ông gửi gia đình Rơ Ô Hoa chăm từ năm 1995. Ông Hiền còn khẳng định số bò ông gửi cho nhà Rơ Ô Hoa còn bò nhiều hơn thế. Cụ thể, năm 1995 ông gửi 1 con bò cái; năm 2000-2001, con bò này đã sinh sản được 3 con. Năm 2004 ông Hiền tiếp tục mua thêm 2 con bò gửi tiếp nên số lượng bò gửi lúc này đã là 5 con.
 
Ông Hiền cho rằng đàn bò ông gửi chăm giúp luôn khỏe mạnh và liên tục sinh sản. Giữa năm 2009, ông đi kiểm tra thấy số lượng đàn bò là 9 con nên vào báo với chủ hộ là muốn lấy lại bò; “Ông Diệp nói tôi lấy bò của ông ấy thì chứng cứ đâu? Ông ấy gửi bò cho Ama Truy lúc nào tôi không biết, nhưng đây là đàn bò của tôi nên tôi lấy về”, ông Hiền khẳng định.

Cũng theo ông Hiền, từ xưa đến nay Rơ Ô Hoa và Rơlan H’Thanh không hề báo cáo với ông về tình hình sức khỏe của con bò cái gửi từ năm 1995. Ngày 13/9/2009, ông đi thuê xe ô tô vào buôn Ơi Đăk chỉ với mục đích “đi lấy bò của chính mình” nên không quan tâm đến việc khác. Để bắt bò cho nhanh nên ông mới nhờ ông Thiện - anh vợ của mình và ông Kpar Jao - Chủ tịch UBMTTQVN xã Ia Mlăh bắt bò cho nhanh chứ không hề có lời lẽ hăm dọa bất kỳ ai trong gia đình Rơ Ô Hoa.

Từ đây, ông Hiền cho rằng việc Rơ Ô Hoa thắt cổ tự vẫn, chị Rơlan H’Thanh lao xuống dốc đá hay gia đình vì phải đền bò cho ông mà phải đi ăn cắp bò, bị người dân phạt vạ, bị công an điều tra, gia đình rơi vào kiệt quệ, túng quẫn bi thương… là hoàn toàn bịa đặt, không có thật.
 
Từ một con bò cái già, câu chuyện đã ảnh hưởng đến số phận đáng thương của cả một gia đình, song để đòi được công bằng, những người dân "thấp cổ bé họng" không biết nên bắt đầu từ đâu!

 
Thiên Thư - Thanh Bạch