1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nỗi bất công của một nữ dân công hỏa tuyến:

Kỳ 3: Ước nguyện cuối cùng gửi bà Bộ trưởng

(Dân trí) - Cùng đơn vị, cùng bị thương vì bom đạn của địch, được nhiều đồng đội chứng thực biết bao giấy cam đoan... nhưng đến nay bà Xuân vẫn chưa được hưởng chế độ chính sách theo quy định. Sự bất công mà bà đang phải gánh chịu khiến đồng đội day dứt.

“Sự thiệt thòi của em khiến bọn anh dày vò lắm!”

Trong rất nhiều đồng đội cùng tham gia đơn vị C3D5 làm nhiệm vụ tại chiến trường Quảng Trị với nữ tiểu đội trưởng Võ Thị Xuân có nguyên C trưởng (Đại trưởng) Lê Văn Túc (SN 1932) trú tại xã Thanh Lộc và 3 đồng đội khác cùng trú tại xã Thượng Lộc là các bà Võ Thị Tâm, Phan Thị Nhường, Đặng Thị Trinh. Ông Túc là cấp trên, 3 đồng đội còn lại là những người cùng bị thương trong đợt Mỹ rải bom đạn vào ngày 27/7/1968 với bà Xuân. Tất cả họ quá rõ về tính xác thực hành trình tham gia dân công hỏa tuyến cũng như thương tích của người đồng đội kém may mắn.

Kỳ 3: Ước nguyện cuối cùng gửi bà Bộ trưởng
4 người cùng đơn vị, 3 người đã được hưởng chế độ chính sách đãi ngộ, chỉ có bà Xuân vẫn mải miết đi đòi sự công bằng.  
 

Sự thật ấy đã được các đồng đội của bà Xuân thể hiện không phải một lần qua rất nhiều giấy tờ “Tờ khai người làm chứng” và “Bản cam đoan” vốn có tính pháp lý ràng buộc trong hồ sơ đề nghị chế độ người có công. Chưa bao giờ các đồng đội của bà Xuân lại viết nhiều tờ khai và bản cam đoan đến thế.

Người viết cam kết nhiều nhất cho sự thật bà Xuân có tham gia dân công hỏa tuyến, bị thương tại chiến trường Quảng Trị là bà Võ Thị Tâm. Tổng cộng bà Tâm đã có đến 3 lần viết các cam kết cho lời khai của mình, đó là các lần viết vào ngày 15/5/2002, 5/11/2004, 23/11/2006. Trong mỗi bản tự khai bà Tâm đều thuật lại rõ mốc thời gian nhập ngũ, thời điểm bà Xuân bị thương tích và kèm thêm bản cam đoan bằng danh dự lẫn ràng buộc pháp lý. Bản tự khai nào bà cũng cam đoan: “Tôi xin cam đoan bằng danh dự. Nếu sai tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và chịu bồi hoàn kinh tế cho nhà nước nếu bị tổn thất”.

Sau bà Tâm đến lượt bà Nhường, bà Trinh và Đại trưởng Lê Văn Túc. Mỗi người đều viết từ một đến hai bản tự khai người làm chứng kèm bản cam đoan sự thật để hỗ trợ bà Xuân.

Với ông Túc và 3 đồng đội còn sống, người đồng đội Võ Thị Xuân có tham gia tại chiến trường Quảng Trị, bị thương tật là một sự thật. Họ tin, sự thật ấy cùng với vô số những thủ tục, bản cam kết, đề nghị của các cấp, ban ngành từ xã Thượng Lộc đến chính quyền huyện Can Lộc, người cựu TNXP Võ Thị Xuân sẽ sớm nhận được chính sách đãi ngộ người có công của Đảng và Nhà nước. Thế nhưng, ông Túc, bà Tâm, bà Nhường, bà Trinh thật sự đau đớn, thất vọng khi người đồng đội của mình đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ chính sách.

Biết bà Xuân tủi thân vì sự bất công, nên dù đi lại khó khăn do bệnh tật và tuổi già, ông Túc, bà Tâm, bà Nhường, bà Trinh vẫn thường xuyên thông tin cho nhau, tìm đến động viên, chia sẻ. Những cuộc gặp mặt của những người đã từng làm nhiệm vụ ở chiến trường Quảng Trị cũng vì thế ngập trong nước mắt.
Kỳ 3: Ước nguyện cuối cùng gửi bà Bộ trưởng
Thương người đồng đội một thủa, cũng là người bạn vong niên chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi, nên mỗi khi rảnh rỗi người cựu dân công hỏa tuyến Trịnh Thị Tâm lại sang thăm và động viên bà Xuân.   

“Đến lúc này anh và mấy chị em đây vẫn không thể hiểu vì sao hồ sơ của em lại bị trả lại. Em chưa nhận được chế độ chính sách đãi ngộ nào cũng có nghĩa là những bản cam kết bằng cả danh dự, pháp lý của bọn anh gửi những người thực thi chế độ chính sách chẳng có ý nghĩa gì. Em buồn, anh và đồng đội của em cũng buồn và day dứt  lắm. Nhưng, em đừng suy nghĩ tiêu cực, anh tin rồi một ngày công lý sẽ đến với em thôi”- người đại trưởng Lê Văn Túc nói với bà Xuân trong cuộc gặp mặt mới nhất vào cuối tháng 6/2012.

Bức thư ngắn gửi bà Bộ trưởng

Sự tủi nhục, thiệt thòi cả tinh thần vật chất của người mẹ đang ngày một yếu dần vẫn cứ ám ảnh, khiến anh Minh không thể dừng hành trình dở dang đi tìm công lý cho mẹ. Có điều, bây giờ anh không thể đi như trước nữa, bởi anh đã quá mệt mỏi với vô số thủ tục cứng nhắc, rườm rà và cả sự quan liêu của một bộ phận cán bộ thực thi chế độ chính sách đối với người có công. Và hơn hết, gia đình anh giờ không có bất cứ thứ gì đáng giá có thể bán được để làm lộ phí cho cuộc hành trình đòi công lý gian nan.

Khi mọi thứ bế tắc, tháng 4/2014, anh Minh đã viết một bức tâm ngắn thư gửi Bộ trưởng LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền với hi vọng nỗi bất công mà mẹ anh phải nếm trải bấy lâu nay sẽ được Bộ trương lưu tâm, giải quyết.

Xin được trích đăng bức thư đầy nỗi buồn tủi ấy:

Kính thưa Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền!

Thưa Bà! Tôi biết Bà bận trăm công ngàn chuyện của ngành, lo đời sống dân sinh, nhưng tôi mong bà dành chút thời gian đọc những dòng thư ngắn ngủi nhưng nội dung của nó đã khiến mẹ tôi sống trong sự tủi hờn suốt nhiều năm ròng rã.
Bức thư của anh Nguyễn Công Minh, con trai bà Xuân, gửi Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH 
Bức thư của anh Nguyễn Công Minh, con trai bà Xuân, gửi Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH 
 
Thưa bà! Có nỗi bất công nào hơn như mẹ tôi đã phải gánh chịu suốt thời gian qua. Năm 1968 theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc mẹ tôi lên đường tham gia dân công hỏa tuyến tại Quảng Trị. Quá trình làm nhiệm vụ mẹ tôi đã trúng bom đạn của địch, bị nhiều thương tích, năm 2002 đã được Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh Hà Tĩnh kết luận tỷ lệ mất sức lao động vĩnh viễn do thương tật tật 22%. Nhiều đồng đội cùng đơn vị, cùng bị thương với mẹ tôi đã được hưởng chế độ chính sách ưu đãi của Chính phủ (tiền truy lĩnh, và chế độ trợ cấp hàng tháng), còn mẹ tôi đã mười mấy năm rồi, cái quyền lợi chính đáng ấy không những không được hưởng mà nó còn dày xéo khiến mẹ tôi suy sụp, héo mòn cả thể xác lẫn tinh thần.
 
Phận làm con, tôi hiểu nỗi đau, sự tủi hờn của mẹ. Quyền lợi ấy không chỉ là vật chất, mà còn là liều thuốc tinh thần giúp mẹ sống vui với con cháu lúc tuổi già. Bởi thế, suốt hơn 10 năm ròng rã trôi qua, tôi và gia đình đã làm bất cứ thứ gì có thể để mang quyền lợi chính đáng về cho mẹ. Tôi đã phải hết nhiều tài sản, đi hết chỗ này, chỗ nọ, tìm gặp các đồng đội của mẹ để bổ sung bất cứ giấy tờ nào mà các đơn vị thực thi chế độ chính sách yêu cầu.
 
Đã có lần mẹ tôi đã ở rất gần với quyền lợi chính đáng mà bà được hưởng, đó là vào tháng 9 năm 2009. Lúc ấy mẹ tôi đã có tên trong danh sách những TNXP được hưởng chế độ chính sách như thương binh, danh sách được gián công khai ở hội trường xóm. Mẹ tôi mừng mừng, tủi tủi, mấy đêm liền không chợp mắt được. Đã có lần mẹ nắm chặt tay tôi, nước mắt lưng tròng thốt lên, "cuối cùng điều mà mẹ chờ đợi, điều mà con dày công sức lo toan cho mẹ giờ đã trở thành sự thực". Nhưng niềm vui ấy tới giờ mẹ tôi vẫn không được hưởng. Tôi không hiểu lí do vì sao bản danh sách ấy đã bị thu hồi. Hồ sơ của mẹ một lần nữa bị trả lại.

Thưa Bà! Tôi đã lại gõ cửa nhiều cơ quan chức năng, từ cấp xã, huyện, tỉnh, nhưng cái hành trình ấy tôi đã lạc vào ma trận của vô số thủ tục, sự thiếu trách nhiệm của không ít con người. Lên xã, xã bảo do huyện; lên huyện, huyện bảo do tỉnh; lên tỉnh, họ bảo do dưới làm sai thủ tục, hồ sơ, rồi do cơ chế chính sách. 

Đã hơn 10 năm rồi mẹ tôi chờ đợi trong sự buồn tủi, day dứt. Những lần xem ti vi, thấy những phóng sự, hình ảnh ngợi ca những người cống hiến cho Tổ quốc, cho cách mạng thì nước mắt mẹ tôi lại cứ chảy ra. Là một người con, tôi hiểu nỗi buồn, sự tủi hờn, nỗi day dứt của mẹ. Tôi đã làm tất cả những gì có thể để mẹ có chút quyền lợi, có tinh thần sống vui cùng con cháu. Nhưng tất cả lại cứ vô vọng. Tôi không hiểu, tôi phải làm gì thêm nữa, để mẹ tôi có thể nhận được quyền lợi chính đáng của mình? 
 
Kính thưa bà! Mẹ tôi giờ sức lực đã héo mòn, bệnh tật hành hạ thương xuyên, không biết còn sống ở cõi trần được bao lâu nữa. Tôi cầu mong Bà hãy xem xét thấu đáo để mẹ tôi được hưởng quyền lợi chính đáng, đúng với tinh thần, chủ trương mà Đảng, Nhà nước dành cho người có công với cách mạng. 

Xin cảm ơn và kính chúc Bà sức khỏe!   

Văn Dũng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm