1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nỗi bất công của một nữ dân công hỏa tuyến:

Kỳ 2: "Cơn bão" thủ tục và niềm vui ngắn chẳng tày gang

(Dân trí) - 3 lần bổ sung hồ sơ, nhiều đồng đội cùng đơn vị chứng nhận, cam kết bằng cả luật pháp lẫn danh dự, vô số bản đề xuất từ thôn, xã, huyện đề nghị cho bà Xuân được hưởng chế độ để bù đắp những thiệt thòi vốn đang khiến bà héo mòn...

Hoa cả mắt trước thủ tục, vậy mà, cái quyền lợi chính đáng ấy cứ tuột khỏi tay bà trong nỗi uất ức. 

Hoa mắt vì "bổ sung", "kính chuyển"
 
Hồ sơ xét duyệt TNXP, dân công hỏa tuyến hưởng chính sách như thương binh mà Cục Người có công - Bộ LĐTB-XH ban hành bao gồm các giấy tờ: Bản khai sơ yếu lí lịch cá nhân, Bản khai quá trình công tác hoạt động dân quân hỏa tuyến, Bản khai danh dự bị thương, Biên bản khám vết thương thực thể, Đơn xin giám định thương tật, Giấy chứng nhận bị thương, Giấy xác nhận người làm chứng (có chữ ký của UBND xã), Biên bản họp xóm, Biên bản xác nhận người bị thương của xã (Đảng ủy, UBND, Mặt trận, Cựu chiến binh xác nhận), Biên bản đề nghị của xã Thượng Lộc, Tờ khai và lý lịch 2 người làm chứng, Danh sách niêm yết công khai…

Hồ sơ này lần lượt được các cấp của ngành LĐTB-XH từ xã, huyện, tỉnh kiểm tra chặt chẽ trước khi Cục Người có công xét duyệt.

Từ giữa năm 2002, nhờ nỗ lực của anh Minh, người con trai duy nhất, bà Xuân đã hoàn tất hồ sơ để mong được hưởng chế độ. Bản khai nào bà cũng cam kết sự thật rạch ròi, chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời khai của bà.

2 đồng đội một thuở của và Xuân là nguyên C trưởng (Đại trưởng) Lê Văn Túc (SN 1932, trú tại xã Thanh Lộc) và bà Võ Thị Tâm (SN 1950, trú cùng xã Thượng Lộc) viết trong Tờ khai người làm chứng: “Tôi xin cam đoan những lời khai trên là đúng sự thật (lời khai bà Xuân cùng tham gia dân công hỏa tuyến tại Quảng Trị, có bị thương- NV). Nếu có gì sai trái tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm”.

Kỳ 2: Cơn bão thủ tục và niềm vui ngắn chẳng tày gang
Ông Lê Văn Túc cấp trên, trực tiếp phụ trách tiểu đội của bà Võ Thị Xuân đã nhiều lần cam kết bằng văn bản, xác nhận sự thật bà Xuân bị thương khi tham gia dân công hỏa tuyến.     
 
Kỳ 2: Cơn bão thủ tục và niềm vui ngắn chẳng tày gang
Ông Túc đã lấy danh dự của một người lính để chịu trách nhiệm về lời khai cũng như đề nghị cấp thẩm quyền giải quyết chế độ cho đồng đội Võ Thị Xuân
 
 
Ngoài 2 người làm chứng theo yêu cầu, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã Thượng Lộc những năm 60 thế kỷ trước cũng có giấy xác nhận gửi các cấp chính quyền, ngành LĐTB-XH chứng nhận bà Xuân có tham gia dân công hỏa tuyến và bị thương.
 
Trung tuần 5/2002, sau các cuộc họp với đầy đủ các thành phần xóm Phú Thọ, chính quyền xã Thượng Lộc cũng đã lần lượt có biên bản xác nhận bà Xuân tham gia dân công hỏa tuyến, bị thương tật, đề nghị cấp trên cho bà được hưởng chế độ chính sách như thương binh.

Ngày 16/5/2002, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc có giấy xác nhận đồng chí Võ Thị Xuân tham gia dân công hỏa tuyến; cấp bậc khi bị thương tại Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh, Quảng Trị là Tiểu đội trưởng.

Sau khi hoàn tất hồ sơ bà Xuân được đi giám định tỷ lệ thương tật. Ngày 21/7/2002, tiến hành giám định các vết thương ở đầu phải, cánh tay phải, mông phải,  xương sống, vai trái và chứng đau đầu kinh niên, Hội đồng Giám định Y khoa Hà Tĩnh kết luận bà Xuân bị mất sức lao động, tỷ lệ thương tật vĩnh viễn là 22%.

Mọi chuyện diễn ra đúng trình tự, bà Xuân đang chờ đợi cái ngày bà được nhận quyết định hưởng chế độ như thương binh, thì bất ngờ cơn bão “thương binh giả” phát lộ tại nhiều tỉnh thành, trong đó có Hà Tĩnh.
 
Để giải quyết vấn nạn thương binh giả, Bộ LĐTB-XH đã siết chặt việc thẩm định hồ sơ. Những bộ hồ sơ thuộc diện đang được Cục Người có công thẩm định như trường hợp bà Xuân chịu chung hệ lụy. Từ giữa năm 2005, như bao trường hợp khác bà Xuân lại phải tiến hành làm lại thủ tục như mấy năm trước. Lần này, ngoài những thủ tục đã quy định trước đó, hồ sơ của bà con hàng xóm, xã phải cam đoan bằng văn bản, dấu quốc huy đóng đỏ chót.
Kỳ 2: Cơn bão thủ tục và niềm vui ngắn chẳng tày gang
Vô số bản cam kết của đồng đội, cán bộ địa phương xác nhận bà Xuân tham gia dân công hỏa tuyến rồi bị thương. Các bản khai này được chính quyền xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc chứng thực rõ ràng. Nhưng hồ sơ của bà Xuân vẫn không được công nhận.

Nhiều năm ròng rã chờ đợi, xuôi ngược bổ sung hồ sơ, tháng 9/2009 bà Xuân và con trai mừng khôn xiết khi Phòng LĐTB-XH huyện Can Lộc gửi danh sách đối tượng đề nghị đưởng hưởng chính sách như thương binh, yêu cầu xã Thượng Lộc niêm yết công khai trong vòng 15 ngày để người dân được biết, tránh kiện tụng. Trong danh sách ấy có tên bà Xuân, với mức trợ cấp thương tật cho bà hàng tháng là 459.000 đồng.
 
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, dù không có người dân nào khiếu nại, nhưng một lần nữa Phòng LĐTB-XH huyện Can Lộc lại có công văn thu hồi bản danh sách trên, hồ sơ của bà Xuân lại được trả lại. 
 
“Tôi lên xã, họ bảo cái này do huyện yêu cầu, xã không biết. Mấy ngày sau tôi lại xuống Phòng LĐTB-XH huyện, một cán bộ nói với tôi, cái này huyện làm theo tỉnh, tỉnh trả hồ sơ về thế nào thì huyện làm thế đó. Tôi gắng hỏi lí do họ cũng không giải thích được gì thêm ngoài lời giới thiệu, cái này anh tranh thủ vào tỉnh (Sở LĐTB-XH) hỏi xem sẽ rõ. Tôi lại đón xe vào Sở LĐTB-XH tỉnh hỏi. Thật không ngờ, khi tôi đem câu hỏi này tới Phòng Chính sách người có công, khi họ lại trả lời cái này do dưới làm hồ sơ, thủ tục sai nên Sở phải trả về, lần khác họ bảo Bộ trả hồ sơ do thủ tục không đảm bảo” - anh Minh thuật lại hành trình cơ cực đi đòi công lý cho mẹ.
 
 
Kỳ 2: Cơn bão thủ tục và niềm vui ngắn chẳng tày gang
Danh sách niêm yết đối tượng đề nghị hưởng chế độ chính sách như thương binh tháng 9/2009 của phòng LDDTBXH huyện Can Lộc có tên bà Võ Thị Xuân. Theo danh sách này, bà Xuân được hưởng 459.000 đồng.
 
Những ngày sau khi chính quyền xã Thượng Lộc rút lại thông báo Danh sách đối tượng đề nghị đưởng hưởng chính sách như thương binh mà Phòng LĐTB&XH huyện Can Lộc vừa gửi về bà Xuân đã bị sốc nặng. Bà buồn bã, thất vọng, không ăn uống được gì. Chứng bệnh đau đầu kinh niên tái phát trở lại càng khiến bà ốm yếu tưởng chừng như không qua khỏi. Nhiều hôm nhìn mẹ đau yếu, tiều tụy thường hay suy nghĩ đến những điều xấu anh Minh thức trắng đêm, nước mắt cứ trào ra.

Bị tuột mất hộ nghèo vì tin mẹ được hưởng chế độ

Như chìm trong “ma trận” của thủ tục, nhiều hôm trở về nhà anh Minh rất uất nghẹn. Đau đớn hơn anh và gia đình đã phải gánh chịu vô số hệ lụy không đáng có.

Nỗi uất ức đầu tiên giáng xuống gia đình mẹ con bà Xuân, đó là năm 2009. Hoàn cảnh bi đát của mẹ con bà Xuân thì người dân trong xóm ai cũng biết, thế nên, nếu mẹ con bà được xếp vào diện hộ nghèo để được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước thì người dân cũng không bất ngờ. Thế nhưng, thật bất công, mẹ con bà Xuân anh Minh đã bị cán bộ xóm cho “lọt sàng” khỏi danh sách hộ nghèo khi trình lên xã.

“Lý do mà chính xóm đưa  ra là mẹ tui sắp được hưởng hưởng chế độ chính sách như thương binh. Không những thế họ (xóm) còn nhận định, ngoài chế độ trên mẹ tui sẽ còn nhận được khoản tiền truy lĩnh hơn 40 triệu đồng tính từ giai đoạn 2002 đến 2009. Oái oăm thay, tính toán của xóm, xã đã không xảy ra, bởi như tui đã nói, hồ sơ hưởng chế độ của mẹ tui sau đó đã bị trả lại, danh sách mẹ tui được hưởng chế độ hàng tháng như thương binh cũng bị xóa bỏ” – anh Minh uất nghẹn thuật tiếp.

Vậy là, cái danh sách hưởng chế độ hụt ấy đã hại gia đình mẹ con bà Xuân. Không những không được hưởng chế độ mà mẹ con bà Xuân còn bị cắt nốt diện hộ nghèo, mất đi phần hỗ trợ đáng kể của nhà nước.
Bà Xuân đã trải qua chuỗi ngày tủi nhục đi tìm công lý, đòi quyền lợi chính đáng của mình
Bà Xuân đã trải qua chuỗi ngày tủi nhục đi tìm công lý, đòi quyền lợi chính đáng của mình

Nhưng nỗi uất ức ấy chưa bằng những gì mà anh Minh đã phải gánh chịu trong suốt hành trình đi tìm công lý cho người mẹ của mình. Tại xã Thượng Lộc, vì quá nhiều lần tìm lên xã hỏi chế độ cho mẹ nên anh Minh đã bị chính quyền xếp vào diện… hay kiện cáo. “Họ xem tui là người hay gây chuyện, hay kiện tụng lung tung. Đã nhiều lần tui lên xã làm lại hồ sơ, thủ tục đi tìm công lí cho mẹ, nhưng xã không ký, không đóng dấu cho. Có lần một cán bộ xã nói với tui “trên họ yêu cầu không ký giấy tờ liên quan đến đối tượng đòi chế độ chính sách thì nhà anh phải thực hiện, nếu ký cho chú nhà anh mất ghế (mất việc), chú thông cảm”- anh Minh thuật lại.

Lời kể của anh Minh cũng được chính Chủ tịch xã Thượng Lộc Mai Xuân Minh xác nhận đúng sự thật trong một buổi làm việc với PV Dân trí mới đây. “Nguyện vọng của anh Minh là rất xác đáng, nhưng chúng tôi không thể ký cho anh Minh được. UBND Huyện đã có thông báo gửi các xã, cấm không được ký hồ sơ cho những trường hợp TNXP, dân công hỏa tuyến kiện tụng, đòi quyền lợi chính sách. Nhiều xã không chấp hành, đã bị huyện phê bình rồi” – ông Minh nói. 

Nếu ở địa phương anh Minh bị xem là kẻ kiện tụng, thì ở Sở LĐTB-XH tỉnh Hà Tĩnh khuôn mặt anh Minh cũng trở nên khó chịu với rất nhiều cán bộ thực thi chế độ, chính sách cho người có công ở đây. Anh Minh kể, có lần vừa thấy anh có mặt tại Sở LĐTB-XH tỉnh, ông Giám đốc đương nhiệm Nguyễn Văn Sơn đã móc nhiếc anh là kẻ hay quấy rối, rồi dọa dẫm gọi công an bắt nhốt để chừa thói hay đến Sở làm phiền!

“Mẹ tôi tủi thân vô cùng. Cùng làm nhiệm vụ ở một đơn vị, thậm chí mẹ tôi còn giữ chức tiểu đội trưởng, lĩnh trách nhiệm nặng nề hơn, thương tích còn nguyên đó, nhiều đồng đội của bà còn sống chứng nhận, thậm chí nhiều lần viết cam kết hẳn hoi, nhưng tại sao mẹ tôi lại không được hưởng chế độ như họ?”- anh Minh gạt nước mắt trên khuôn mặt hốc hác nói.

Còn vô số hệ lụy khác mà anh Minh và gia đình anh đã phải gánh chịu suốt hơn 10 năm ròng rã lặn lội đi đìm quyền lợi cho mẹ. Những hệ lụy ấy anh chẳng biết giãi bày tâm sự cùng ai...
 
(Còn nữa)

Văn Dũng